Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần quan tâm xây dựng thương hiệu nông sản 

Cập nhật ngày: 14/03/2019 - 10:46

BTN - Trong thời gian tới, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu nông sản, bởi đây chính là giải pháp hiệu quả để người dân tạo lập, phát triển các giá trị của nông sản, giúp cho nông sản địa phương có sức cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường.

Nhân công phun thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học tại vườn cây nhà bà Đàm Thị Thanh Thuý.

Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2020, Tây Ninh sẽ có 137.390 ha lúa, 50.000 ha mì, 95.000 ha cao su, 15.000 ha mía, 25.000 ha rau thực phẩm, 27.000 ha cây ăn trái. Có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic và có một vài thương hiệu nông sản đặc thù.

Với mục tiêu phát triển sản xuất nông sản theo hướng an toàn thực phẩm, phục vụ thị trường nội địa, xuất khẩu và kết hợp với du lịch sinh thái, Tây Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách thu hút đầu tư.

Ðến nay, toàn tỉnh có hơn 3.400 ha cây ăn trái như nhãn, bưởi, sầu riêng… được chuyển đổi từ các cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp hơn như cao su, mì, mía. Trong đó, có nhiều diện tích vườn cây ăn trái được áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường. Việc hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi gia tăng giá trị sản phẩm đang được nhân rộng. Ðến nay, Công ty cổ phần Lavifood đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân các huyện với diện tích 224 ha cây ăn trái. Doanh nghiệp này cũng đang phối hợp với UBND huyện Dương Minh Châu xây dựng đề án liên kết sản xuất tiêu thụ rau củ quả với diện tích 3.000 ha...

Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc sử dụng chế phẩm sinh học. Như vườn bưởi da xanh của gia đình bà Ðàm Thị Thanh Thuý (xã Trường Tây, huyện Hoà Thành) đã được áp dụng phương pháp hữu cơ trong chăm sóc. Bà Thuý tự chế thuốc bảo vệ thực vật bằng cách dùng phân bò, tro cây, bánh dầu với đậu nành xay ủ với nấm Trichoderma và ngâm hỗn hợp ớt, tỏi, gừng xay ngâm với rượu phòng trừ côn trùng gây hại. Dù tự chế, nhưng hiệu quả đem lại rất cao, bưởi không bị sâu bệnh và ít công chăm sóc. Hiện nay, vườn bưởi này mỗi năm đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Dùng nguyên liệu tự nhiên để phòng trừ sâu bệnh vừa bảo đảm sức khoẻ cho người làm vườn, vừa bảo vệ môi trường và cho ra thị trường trái cây an toàn. Do đó, người tiêu dùng yên tâm sử dụng bưởi “sạch 100%”. Tuy nhiên, đáng tiếc là sản phẩm bưởi sạch này được tiêu thụ ở chợ là chính.

Theo bà Lâm Thị Có, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh, Phó Giám đốc điều hành kinh doanh của Hợp tác xã sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh (HTX), huyện Dương Minh Châu, trong điều kiện hội nhập quốc tế, để tăng giá trị và khả năng cạnh tranh cho nông sản, ngoài việc hợp tác, liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp thì việc “định danh” sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm kết hợp với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất - thu mua - bảo quản - chế biến - tiêu thụ sẽ làm tăng thu nhập cho nhà nông và thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Hiện xã Phước Ninh và HTX đang tiến hành các thủ tục để đăng ký thương hiệu ổi ruột đỏ, khô cá lóc, măng chua điền trúc… phát triển sản phẩm, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả này.

Sản phẩm dưa lưới mang thương hiệu Hoangxuanfarm của trang trại Hoàng Xuân (Trảng Bàng).

Bà Có đưa ra ví dụ, cuối năm 2018, một số doanh nghiệp đã liên hệ HTX để mua khô cá lóc. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu, bao bì, mẫu mã nên HTX bán với giá chỉ 180.000 đồng/kg. Nếu xây dựng được thương hiệu sẽ bán được giá cao, HTX có thể mở rộng sản xuất, thu mua nông - thuỷ sản cho người dân.

Trên thực tế, hiện nay, nhiều sản phẩm nông sản được khách hàng tìm đến do “hữu xạ tự nhiên hương”, chất lượng sản phẩm tạo được sự chú ý của khách hàng và được quảng bá bằng hình thức “truyền miệng” . Trong khi đó, thương hiệu là công cụ hữu ích để nông sản có chỗ đứng thật sự trên thị trường trong và ngoài nước. Thế nhưng, hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức.

Ðể nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của địa phương, Tây Ninh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, như chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Lavifood, Nafoods triển khai vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, xây dựng mô hình và sản xuất giống trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại có nông sản được chứng nhận GAP đưa sản phẩm vào siêu thị...

Tuy nhiên, trong thời gian tới, bên cạnh những chính sách này, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu nông sản, bởi đây chính là giải pháp hiệu quả để người dân tạo lập, phát triển các giá trị của nông sản, giúp cho nông sản địa phương có sức cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường.

Vũ Nguyệt

Theo Sở NN&PTNT, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có các đơn vị chuyên nghiệp cung cấp các dịch vụ marketing trọn gói về xây dựng thương hiệu, chiến lược tiếp thị, in ấn nhãn mác - bao bì phục vụ quá trình tiêu thụ nông sản. Hầu hết các đơn vị, cá nhân làm ra nông sản tự thực hiện dựa trên ý tưởng chủ quan nên chưa mang tính chuyên nghiệp.

Gần đây, một số hội nghị, hội thảo về phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững được tổ chức trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các chương trình chuyên đề về hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, chưa được tổ chức thường xuyên. Trong khi đó, một số hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và thông tin khuyến nông chưa tạo được hiệu quả cao do mức độ tiếp cận của nhà nông còn thấp.

Ở Tây Ninh, trái mãng cầu là sản phẩm nổi bật nhất trong các loại sản phẩm trái cây hiện nay. Đây là loại trái cây đã có chỉ dẫn địa lý và có giá trị cạnh tranh cao cả về diện tích lẫn năng suất và sản lượng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu một loạt các sản phẩm khác như bưởi da xanh, xoài, mít... với chất lượng bảo đảm yêu cầu cho người dùng. Các sản phẩm này sắp tới sẽ được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được 2 - 3 thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương.

Đáng chú ý là thời gian qua, các sản phẩm của Lavifood đều đã có thương hiệu trong nước và quốc tế. Đặc biệt ở lĩnh vực xuất khẩu, Lavifood đã đưa sản phẩm vào các thị trường vốn có các tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe về chất lượng thực phẩm như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... Hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm của Lavifood đã đạt được nhiều chứng chỉ quốc tế.

Do đó, khi Lavifood đầu tư nhà máy chế biến rau củ quả có quy mô lớn và công nghệ tầm quốc tế tại Tây Ninh thì sắp tới, thương hiệu và chất lượng nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh cũng sẽ được nâng lên một tầm cao mới thông qua nhà máy Tanifood (toạ lạc tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu). Đây là một trong những yếu tố và điều kiện rất thuận lợi cho nhà nông trong việc định hướng và thực hiện xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.

ĐÌNH CHUNG