Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần quy hoạch, bố trí hợp lý khu vực kinh doanh ở các công viên 

Cập nhật ngày: 05/08/2017 - 05:46

BTN - Có thể những người đến các công viên vui chơi giải trí, rèn luyện sức khoẻ cũng có nhu cầu ăn, uống, mua sắm. Mà có cầu ắt có cung. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần nghiên cứu quy hoạch, bố trí khu kinh doanh sao cho hợp lý.

Bày biện bàn ghế bán cà phê như thế này, còn lối nào dành cho người đi dạo trong công viên Trần Quốc Đại?

Công viên là nơi công cộng dành cho mọi người đến vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao. Tuy nhiên, hiện nay, ở tỉnh ta hầu như công viên nào cũng có người sử dụng một phần diện tích để kinh doanh.

Rảo một vòng quanh các công viên, dễ dàng nhận thấy không ít nơi đã trở thành một phần… “tư viên”. Bị chiếm dụng ít nhất là Công viên 29.4 (thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng). Tối 14.7, chúng tôi thấy có bốn năm chiếc bàn và vài chục chiếc ghế nhựa bày ở một góc công viên để bán thức ăn, nước uống. Quanh các bàn có một số thực khách ngồi thưởng thức món thức ăn nhanh hoặc nhâm nhi cà phê. Bên trong công viên có một phần lối đi bị lấn chiếm, làm nơi giữ xe hai bánh. Một nhân viên giữ xe ở đây cho biết, do huyện đang diễn ra sự kiện “Tuần lễ mua sắm và khuyến mại huyện Trảng Bàng năm 2017” nên “mượn tạm” nơi này làm chỗ giữ xe.

Công viên Trần Quốc Đại (thị trấn huyện Gò Dầu) bị chiếm dụng nhiều diện tích nhất, chủ yếu để bán nước giải khát. Chiều cùng ngày 14.7, khi mặt trời chưa tắt nắng, trong công viên đã nhộn nhịp buôn bán. Hàng chục bộ bàn ghế được dọn ra, bày biện trên hầu hết các lối dành cho người đi bộ.

Ở những nơi không có bóng cây xanh che mát, người bán cà phê dựng lên các loại dù lệch tâm, dù đứng. Ở đây có một ngôi nhà mát dành cho khách trú mưa, trú nắng hoặc ngồi hóng gió cũng trở thành “quán cà phê”.

Trên lề đường, sát ngoài hàng rào có hai dãy bàn ghế, dù che được dựng san sát bên nhau. Nếu như trên cổng không có hàng chữ “Công viên Trần Quốc Đại”, chắc khó nhận ra đây là nơi công cộng. Người dân đến công viên tập thể dục phải len lỏi giữa những dãy bàn ghế. Từ quán bán nước giải khát này, nhiều chai nhựa, chai thuỷ tinh, lon đựng các loại nước uống được vứt thành đống trong góc công viên, gây mất mỹ quan.

Người dân đến công viên Trần Quốc Đại tập thể dục phải đi giữa những dãy bàn ghế.

Tương tự, công viên huyện Hoà Thành cũng bị quán cà phê án ngữ một phần diện tích. Khách uống nước dựng xe máy chiếm mất một phần không gian, lối đi trong công viên. Buổi tối, quán còn nhộn nhịp hơn, bàn ghế, xe hai bánh của khách để thành những hàng dài san sát nhau, chiếm gần kín lối đi.

Ở công viên 30.4 (thành phố Tây Ninh), từ nhiều năm nay, trong khuôn viên có một quán cà phê mang tên Công viên. Buổi tối, quán bày thêm một số bàn ghế ra những khoảng trống phía trước để buôn bán. Khách uống nước để mô tô và đôi khi cả ô tô trên những lối đi bộ bên trong công viên.

Hàng quán, bàn ghế, xe cộ chiếm một phần khá lớn diện tích chung, gây không ít trở ngại cho việc vui chơi, đi lại, tập thể dục. Ngoài ra, hằng đêm ở hai khu vực cổng phụ của công viên 30.4 có một số người dân vào đây bày bán nước mía, các loại thức ăn nhanh, hột vịt lộn và bia, rượu. Thực khách đến các quán “cóc” này ăn, uống để xe gắn máy bừa bãi trên các lối đi.

Công viên Thắng Lợi (phường 2) được chia làm hai: phần bên “Vườn hoa Thắng Lợi” cũ và phần mới xây dựng phía bờ rạch Tây Ninh. Hiện nay, trong cả hai phần công viên này đều có nhiều người đến buôn bán.

Phía công viên bên “Vườn hoa Thắng Lợi” cũ bày bán hàng hoá không cố định. Hằng ngày, khi hoàng hôn xuống, các tiểu thương mới bày bàn ghế ra đây buôn bán. Hàng hoá, thức ăn, thức uống ở đây khá phong phú.

Phần công viên bên bờ rạch Tây Ninh có hai dạng kinh doanh. Một dạng không cố định với nhiều mặt hàng tương tự như bên “Vườn hoa Thắng Lợi” cũ và một dạng cố định hẳn hoi. Cụ thể, trong đó có một quán cà phê với quy mô lớn.

Quán cà phê chiếm một phần khá lớn diện tích của công viên 30.4.

Có thể những người đến các công viên vui chơi giải trí, rèn luyện sức khoẻ cũng có nhu cầu ăn, uống, mua sắm. Mà có cầu ắt có cung. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần nghiên cứu quy hoạch, bố trí khu kinh doanh sao cho hợp lý.

Trường Sơn