BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần sớm có chiến lược "đánh thức" khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài 

Cập nhật ngày: 11/08/2022 - 22:22

BTNO - Hội đồng lý luận Trung ương và Tỉnh uỷ Tây Ninh vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo.

Đến dự sự kiện quan trọng này có ông Nguyễn Xuân Thắng- Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Lê Minh Khái- Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học...

Mộc Bài có vai trò cực kỳ quan trọng về nhiều phương diện

Phát biểu khai mạc Hội thảo hôm 10.8, ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh cho biết, Tây Ninh có đường biên giới trên bộ dài thứ hai so các địa phương tiếp giáp với nước bạn Campuchia, là hướng kết nối quan trọng của khu vực phía Nam với Campuchia, tiểu vùng sông Mekong mở rộng và các nước ASEAN, đặt biệt là hướng kết nối thuận tiện nhất giữa thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh thông qua trục đường Xuyên Á và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Với vị trí chiến lược như vậy, Mộc Bài từ lâu đã trở thành cửa ngõ, cầu nối trên bộ quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia.

Nhằm khai thác lợi thế địa kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, phát triển, từ năm 1998, Chính phủ đã thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với quy mô trên 21.000 ha, là một trong những khu kinh tế cửa khẩu được Trung ương quan tâm, thành lập sớm nhất trong cả nước. Hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tiếp tục được xác định là một trong những Khu kinh tế trọng điểm của cả nước trong giai đoạn sắp tới.

Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất một số giải pháp để phát triển Mộc Bài

Từ những ngày đầu thành lập, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã được kỳ vọng tạo sự phát triển đột phá trên quê hương Tây Ninh. Có giai đoạn Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thực sự là một điểm nhấn nổi bật, thu hút đầu tư, có nhiều các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra sôi động, góp phần thay đổi bộ mặt, đời sống của vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan dẫn đến Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa đạt được mục tiêu  phát triển và kỳ vọng đặt ra. Trong đó tác động lớn nhất là sự thay đổi về cơ chế, chính sách về đầu tư, thương mại khiến cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã dần mất đi động lực phát triển.

Làm sao để Khu kinh tế Mộc Bài phát triển đúng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế, xứng đáng là cửa ngõ, là hình ảnh đối ngoại của quốc gia ở biên giới phía Tây Nam là sự trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Với mong muốn đánh giá khách quan, khoa học về kết quả, bài học của quá trình xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thời gian qua, đặc biệt là nhận diện rõ những cơ hội, thách thức trong bối cảnh mới để xác định đúng tầm nhìn, định hướng, mô hình phát triển, biện pháp thực hiện hiệu quả, làm cơ sở để điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Tỉnh uỷ Tây Ninh trân trọng nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng lý luận Trung ương trong quá trình thực hiện.

Các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Do đó, Hội thảo là sự kiện quan trọng để Tây Ninh nhận được nhiều ý kiến đóng góp, những kinh nghiệm quý báu từ các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài - làm cơ sở xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Đây còn là cơ hội để tỉnh tiếp cận các quan điểm, tư duy mới về định hướng chiến lược phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ cửa khẩu trong giai đoạn mới; làm cơ sở để Tỉnh tiếp thu, hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần xác định mô hình mới cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế đặc biệt về vị trí địa chính trị, địa kinh tế chiến lược, có tiềm năng rất lớn để trở thành giao điểm của hệ thống trục giao thông quốc tế và quốc gia ở phía Nam Việt Nam.

Đây là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương với vương quốc Campuchia và các nước ASEAN, là cầu nối thương mại, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch giữa các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông, đồng thời còn có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Thời gian qua, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã có những bước phát triển tích cực, góp phần khơi dậy và phát huy tiềm năng của địa phương, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho người dân, tăng thu ngân sách, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh; đồng thời, thực hiện vai trò cửa ngõ của Tỉnh Tây Ninh trong phát triển giao thương với Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi hình thành các khu dân cư tập trung dọc biên giới, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển hơn 20 năm qua của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế, bất cập. Kết quả phát triển của khu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không tương xứng so với quy mô được phê duyệt và kỳ vọng ban đầu.

Các dự án siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đường biên chỉ khởi sắc vào những năm đầu khi áp dụng chính sách bán hàng miễn thuế cho khách nội địa tham quan, du lịch. Khi chính sách này thay đổi, hoạt động thương mại bị thu hẹp dần. Đặc biệt, đến nay vẫn chưa có chiến lược và quy hoạch để sử dụng hiệu quả diện tích của toàn Khu với quy mô lớn.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế kể trên, bao gồm: Mô hình của Khu kinh tế Mộc Bài chưa đủ rõ, còn đơn giản, chưa có mức độ tự do và tự chủ cao; chưa đặt đúng vị trí của khu trong sự phát triển, liên kết vùng – với tầm quan trọng không chỉ đối với tỉnh Tây Ninh, mà còn đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đông Nam bộ và cả nước; chưa thật sự tạo sức hấp dẫn thu hút các nguồn lực đầu tư và định hướng cho sự phát triển các lĩnh vực, ngành nghề của khu kinh tế.

Quy hoạch chung của Khu kinh tế chưa đáp ứng được mong muốn, chưa có tính dự báo cao, đến nay không còn phù hợp nhưng chưa có định hướng phù hợp để điều chỉnh kịp thời.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa có được những thể chế, chính sách mang tính vượt trội, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp đầu đàn, góp phần tạo nên sự bứt phá phát triển. Cơ chế, chính sách đối với Khu trong thời gian qua cũng không ổn định, thiếu tính cạnh tranh, thậm chí nếu so cả với các khu công nghiệp và khu chế xuất của cửa khẩu bên phía Campuchia hiện cũng đang nỗ lực thu hút được nguồn đầu tư khá lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng là hạ tầng của Khu kinh tế chưa phát triển, chưa tạo được sự kết nối thuận tiện, thông suốt với bên ngoài, nhất là với TP. Hồ Chí Minh. Đây là hệ quả của việc đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm đối với các Khu kinh tế cửa khẩu; thiếu các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ hơn một số vấn đề trọng tâm sau: Xác định mô hình Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phù hợp với xu thế phát triển mới; bổ sung, hoàn thiện quy hoạch Khu kinh tế Mộc Bài; tăng cường đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng hiện đại; xác định thể chế, cơ chế, chính sách vượt trội; huy động nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; tăng cường hợp tác, kết nối vùng và hội nhập quốc tế.

Từ định hướng chung của Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, trí tuệ, sâu sắc, khoa học, mang tính đột phá, khả thi với mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bảo Tâm