BAOTAYNINH.VN trên Google News

Huyện Trảng Bàng:

Cần sớm đầu tư hạ tầng thuỷ lợi cho phù hợp 

Cập nhật ngày: 17/09/2018 - 09:03

BTN - Huyện Trảng Bàng có hai con sông chảy qua là Vàm Cỏ Ðông và Sài Gòn. Cùng với hai đoạn sông này là hệ thống rạch, suối, kênh, mương ở khắp các nơi trong huyện.

Trên địa bàn huyện còn có dòng kênh Ðông đi qua 3 xã Ðôn Thuận, Hưng Thuận và Lộc Hưng, cùng hệ thống kênh tưới tiêu đều khắp các xã cánh Ðông của huyện. Ðịa hình của huyện nghiêng từ Ðông sang Tây. Vì vậy, Trảng Bàng được xem như một “lòng chảo” hứng nước từ nhiều nơi dồn về.

Vào mùa mưa, nhiều cánh đồng ngập úng không sản xuất được, nhiều kênh tiêu bị bồi lắng, cần nạo vét để tiêu thoát nước và cần xây dựng các đê bao tiểu vùng để phục vụ sản xuất, đồng thời làm hệ thống giao thông nông thôn.

Một đoạn kênh tiêu Rỗng Tượng vừa được nạo vét.

Vài tháng gần đây, một bộ phận nông dân xã Gia Bình rất phấn khởi khi Nhà nước cho thi công nạo vét kênh tiêu Rỗng Tượng. Kênh này dài 5.720m, nối rạch Trảng Bàng (một phụ lưu sông Vàm Cỏ Ðông) qua cánh đồng thuộc địa bàn các xã An Hoà, Gia Bình đến địa phận xã Gia Lộc.

Thời gian qua, kênh bị bồi lắng không kịp thoát nước mưa, làm cánh đồng ven kênh thường xuyên bị ngập úng, sản xuất khó khăn. Qua kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư công trình nạo vét kênh tiêu Rỗng Tượng, tiêu úng cho khoảng 420 ha đất nông nghiệp. Kênh được nạo vét, san bờ tạo đường giao thông nông thôn, làm mới các cống tiêu... với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng.

 Việc nạo vét kênh tiêu Rỗng Tượng vừa giúp nông dân sản xuất kịp thời vụ, nâng cao năng suất lúa, vừa tạo điều kiện để người dân chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Công trình được khởi công từ cuối tháng 5 và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10.2018.

Lãnh đạo xã Gia Bình cho biết, công trình nạo vét kênh tiêu Rỗng Tượng góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế của xã. Kênh không chỉ tiêu thoát nước cánh đồng xã Gia Bình mà còn cho các xã lân cận như Thanh Phước (Gò Dầu), Gia Lộc (Trảng Bàng). Kênh này chia làm 2 đoạn.

Ðoạn đầu từ rạch Trảng Bàng đến cầu Rỗng Tượng (cầu trên quốc lộ 22) và đoạn thứ hai từ cầu Rỗng Tượng đến địa phận xã Gia Lộc. Ở đoạn đầu, cùng với việc nạo vét kênh, đất bờ kênh được san lấp làm đường giao thông nội đồng và làm đê bao tiểu vùng (diện tích đất có đê bao khoảng 250 ha). Ðê bao này giúp nông dân chủ động sản xuất và có thể chuyển đổi cây trồng phù hợp. 

Cần nạo vét nhiều kênh tiêu

Nằm trên địa phận xã Gia Bình còn có con kênh tiêu Bàu Rông - Suối Gia Bình (kênh tiêu T5A), dài 5.847m, diện tích thiết kế 1.490 ha. Hiện nay, kênh bị bồi lắng, cây mọc nhiều hai bên bờ và lòng kênh, gây cản trở dòng chảy, nhất là đoạn từ cầu Bàu Rông (trên tỉnh lộ 782, thuộc địa bàn xã Gia Lộc) đến quốc lộ 22, gây ngập úng vào mùa mưa. Do đó, thời gian qua, cử tri hai xã Gia Bình và Gia Lộc kiến nghị các ngành chức năng sớm cho nạo vét kênh tiêu T5A.

Ðáp ứng nhu cầu thiết thực của cử tri, đồng thời để góp phần thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, phục vụ đề án cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn, UBND huyện Trảng Bàng đã có tờ trình kiến nghị UBND tỉnh và ngành chức năng xem xét đầu tư nạo vét kênh tiêu T5A, đoạn từ cầu Bàu Rông đến đường Xuyên Á (dài 2.103m), khái toán mức đầu tư gần 1 tỷ đồng.

Cũng qua phản ánh của cử tri, UBND huyện Trảng Bàng đã kiến nghị cấp trên nạo vét 11 tuyến kênh tiêu khác ở ba xã Phước Chỉ, Lộc Hưng và Hưng Thuận. Dù thời gian khai thác đã lâu nhưng không được nạo vét, các tuyến kênh này bị bồi lắng, bị cây cỏ che phủ gây ngập úng cục bộ 867 ha, gây thiệt hại trong sản xuất của nhân dân. Về mùa khô, kênh thường không trữ được nước để cung cấp cho các cánh đồng.

11 tuyến kênh tiêu mà UBND huyện Trảng Bàng đề nghị nạo vét có tổng chiều dài hơn 18,6km, khái toán tổng mức đầu tư là 3 tỷ đồng. Cụ thể, xã Hưng Thuận cần nạo vét kênh tiêu suối Cầu Xe, dài 4,5km, diện tích phục vụ 100 ha. Xã Lộc Hưng cần nạo vét kênh tiêu Bàu Trâm (ấp Lộc Hoà), dài 2,2km, diện tích phục vụ 150 ha, khái toán tổng mức đầu tư 400 triệu đồng. 9 tuyến kênh còn lại thuộc địa bàn xã Phước Chỉ, tổng chiều dài gần 12km, phục vụ 617 ha, khái toán tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đồng.

“Thiếu” nhiều đê bao tiểu vùng

Về đê bao tiểu vùng, tỉnh quy hoạch đến năm 2020, ở xã Phước Chỉ có 11 đê bao tiểu vùng nhưng đến nay chỉ đầu tư xây dựng được 3 đê bao. Huyện Trảng Bàng đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư 8 đê bao còn lại cho xã Phước Chỉ. Ðồng thời, xã Bình Thạnh được tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất dứa cung cấp cho nhà máy chế biến Tanifood.

Ðây cánh đồng vùng biên giới đất thấp, chuyên sản xuất lúa. Muốn chuyển sang trồng dứa, đòi hỏi cánh đồng này phải có hệ thống đê bao ngăn lũ. Do đó, cử tri đề nghị tỉnh sớm đầu tư xây dựng đê bao tiểu vùng ở cánh đồng vùng biên giới xã Bình Thạnh để phục vụ nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu dứa, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng lúa kém hiệu quả.

Cánh đồng lúa ấp An Thành, xã An Tịnh có diện tích khoảng 200 ha, nông dân không sản xuất lúa được do thường xuyên bị ngập. Vì vậy, cử tri đề nghị tỉnh sớm quan tâm xem xét đầu tư xây dựng đê bao tiểu vùng để người dân khu vực này chủ động sản xuất. Ở ấp An Thới, xã An Hoà, còn có cánh đồng rộng 137 ha thường xuyên bị ngập, khó sản xuất lúa. Nông dân ấp An Thới kiến nghị ngành chức năng xem xét đầu tư xây dựng đê bao tiểu vùng để người dân sản xuất hiệu quả hơn. 

N.H