Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

GIẢM TẢI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC:

Cần sự hợp tác của phụ huynh học sinh

Cập nhật ngày: 24/01/2018 - 09:13

BTN - Giáo dục luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Một chuyện được nói đến khá nhiều trong thời gian qua là tình trạng quá tải của chương trình giáo dục. Quá tải gây ra những hệ luỵ như hiện tượng trầm cảm (stress) có thể gây ra hậu quả khó lường ở các em học sinh.

Tình trạng quá tải của chương trình giáo dục cũng phải được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan từ nhiều phía. Thực tế, chương trình giáo dục của Việt Nam so với các quốc gia phát triển có nhiều hạn chế. Nội dung chương trình còn mang tính hàn lâm, nặng về lý thuyết mà chưa chú trọng thực hành, rèn luyện kỹ năng.

Nội dung kiến thức giữa các cấp học có sự trùng lặp, không liền mạch, ít có tác dụng hỗ trợ cho nhau. Việc kiểm tra thi cử chủ yếu yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức, phải nhớ, phải thuộc. Hằng năm, ngành còn tổ chức khá nhiều cuộc thi... vô bổ, khiến cho học sinh chỉ biết học và thi, thiếu ngủ, sức khoẻ giảm sút, không có hứng thú học tập. Trước áp lực của dư luận, “thời gian qua, ngành Giáo dục đã dần dần thay đổi, cắt giảm các kỳ thi để việc học tập trở nên đúng nghĩa hơn”.

Bộ Giáo dục - Đào tạo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT, nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học thành một kỳ thi quốc gia, thay thế hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, bỏ quy định cộng điểm khuyến khích từ một số cuộc thi như thi nghề phổ thông, thi năng khiếu, thi văn hoá cấp tỉnh/thành phố... đối với thí sinh dự tuyển vào lớp 6, lớp 10.

Bộ cũng đã mạnh tay dẹp bớt các cuộc thi trong trường học để giảm áp lực thành tích cho học sinh. Cần phải hiểu rằng, áp lực trong thi cử không phải là mục tiêu của giáo dục. Trong dự thảo chương trình, sách giáo khoa mới, có yêu cầu nội dung phải bảo đảm tính khoa học, hiện đại theo hướng không quá nặng về kiến thức mà chú trọng phát triển năng lực người học, giảm số môn học. Xã hội đang chờ đợi những hiệu ứng tích cực từ sự thay đổi này.

Nhưng tình trạng quá tải còn đến từ một phía khác. Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương- một chuyên gia tâm lý giáo dục thì: “Suy nghĩ con cần phải đỗ với số điểm cao trong các kỳ thi của phụ huynh chính là phần nguồn cơn gây nên tình trạng quá tải học tập của học sinh”.

Hiện nay, trẻ vừa phải nuôi dưỡng ước mơ của mình, lại vừa phải gánh “trọng trách” thực hiện ước mơ của... cha mẹ. Một nữ sinh lớp 7 ở Hà Tĩnh tự tử trong lớp học có để lại thư rằng: “Vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô”.

Một nữ sinh khác ở Bình Phước trước khi tự tử cũng để lại thư tuyệt mệnh: “Tương lai sau này của con cũng không còn nữa... Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường Công an hay Y cho bố mẹ vui lòng nhưng con thật sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được...”. Không biết các bậc làm cha, làm mẹ nghĩ gì khi nghe những tiếng kêu tuyệt vọng như thế?

Ở Tây Ninh, rất may là chưa xảy ra những trường hợp đáng tiếc tương tự, nhưng kỳ vọng và áp lực mà phụ huynh gây ra cho con em mình chẳng hề thua kém bất kỳ đâu. Gần nhà tôi có một cô giáo dạy tiểu học đã nghỉ hưu, nhưng hầu như chiều nào cũng có người đưa con, cháu đến nhờ cô “luyện thi vào lớp Một”. Có chị chở con đến học thêm môn tiếng Anh. Con vào lớp, mẹ ngồi ghế đá hoặc quán giải khát chờ. Tôi hỏi chị sao không về nghỉ, lát nữa tới đón, chị bảo xong môn này còn phải chở nó đến học môn khác cho kịp giờ!

Một cô giáo dạy tiếng Anh kể rằng, có quen hai vợ chồng làm ngành Y, họ muốn cho con đi du học nên nhờ cô kèm thêm tiếng Anh. Hôm đầu tiên cháu đến, trong lúc chờ cô, cháu gục ngủ trên bàn. Buổi học sau, cháu không chú ý cô mà tay cứ xé giấy. Có buổi cháu còn lôi cả tiền trong túi ra.. xé! Cô đã báo với gia đình nhưng gia đình cứ nài nỉ “cô cố giúp cháu”!

Nhiều cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con cái, ép con phải học giỏi, phải thi điểm thật cao, phải vào trường này trường nọ... Ước mơ, kỳ vọng là cần thiết nhưng nếu không chịu lượng sức của trẻ, đặt ra những yêu cầu quá mức sẽ khiến trẻ bị quay cuồng trong lịch học dày đặc, dẫn đến lợi bất cập hại. Cần hiểu rằng, cha mẹ chỉ nên định hướng chứ hoàn toàn không nên gò ép con. Mặt khác, điểm số tốt, đạt thành tích cao chưa phải là điều bảo đảm chắc chắn cho thành công sau này của các em.

Giảm tải chương trình giáo dục là cần thiết và đã có sự chuyển động từ ngành Giáo dục. Phải làm thế nào cho con em chúng ta vừa học, vừa được chơi, được rèn luyện, trải nghiệm và vẫn được ngủ đủ giấc... để phát triển một cách toàn diện về trí tuệ, tinh thần, thể chất. Giảm tải chương trình giáo dục cũng rất cần sự hợp tác của chính phụ huynh học sinh!

DIỆU MAI