Kinh tế   Nông thôn mới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện quản lý

Cần sự “thông suốt” trong quá trình sản xuất - tiêu thụ nông sản

Cập nhật ngày: 30/06/2018 - 07:49

BTN - Ngành Nông nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, thực hiện những giải pháp khả thi nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả quy hoạch, bảo đảm sự ”thông suốt” trong quá trình sản xuất - tiêu thụ, tạo ra lợi ích kinh tế đáng kể từ cây rau, củ, quả.

1. Gần đây, một số địa phương thông tin cho biết đang lập kế hoạch phát triển vườn cây ăn trái. Có huyện định hướng tăng diện tích cây ăn trái trong vài năm tới lên đến hơn 3.000 ha, có huyện khoảng 2.000 ha... Dự kiến, trong vài năm tới, toàn tỉnh trồng 23.000 ha rau củ, 300.000 ha cây ăn trái.

Theo đề án cơ cấu lại nền nông nghiệp, việc cơ cấu lại cây trồng, chuyển một phần diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang cây trồng cho giá trị kinh tế cao là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tiềm năng của địa phương. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng cần được triển khai từng bước, thận trọng và khoa học. Cần bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định, hợp lý trước khi sản xuất sản phẩm bằng giải pháp “liên kết sản xuất - tiêu thụ” bền vững.

Một dẫn chứng cụ thể cho thấy, hiện nay, diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, chủ yếu trồng phân tán, manh mún và chỉ có một số ít diện tích trồng tập trung ở vài địa phương. Thế nhưng, hầu hết vào các mùa trái cây trong năm (khoảng tháng 5 âm lịch), nhà vườn luôn lâm phải tình trạng “dội chợ”, giá trái cây rẻ mạt, ế ẩm.

Sầu riêng được xem là loại trái cây “vua” đang rất đắt hàng, đắt giá. Sầu riêng được trồng với diện tích ít nhưng có xu hướng tăng mạnh trong vài năm tới. Tuy nhiên, không có cơ sở nào bảo đảm tính ổn định của loài cây này, bởi theo thương lái, sầu riêng đắt giá và hút hàng chủ yếu do thị trường Trung Quốc “vơ vét”.

2. Tương tự trái cây, gần đây, tỉnh cũng đang có bước chuyển đổi khá mạnh mẽ trong định hướng và thực tế sản xuất, tiêu thụ ra an toàn, rau “sạch”. Theo quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2020, toàn tỉnh đạt diện tích gieo trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.000 - 16.000 ha. Trong đó, diện tích sản xuất chuyên canh là 3.883 ha.

Tính đến tháng 11.2017, toàn tỉnh có 27 cơ sở sản xuất rau theo quy trình VietGAP trên diện tích gần 170 ha với sự tham gia của 208 hộ nông dân. Với năng suất bình quân 17 tấn/ha/vụ, sản lượng rau được sản xuất theo quy trình VietGAP trong năm 2017 khoảng hơn 8.600 tấn.

Tỉnh cũng bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau tại các huyện, thành phố. Sản phẩm rau được chứng nhận VietGAP đã được đưa đến các cửa hàng kinh doanh và hệ thống bếp ăn tập thể của nhiều cơ quan, trường học, khu công nghiệp.

Dù vậy, số lượng rau “sạch” được tiêu thụ theo hợp đồng tại các cửa hàng rau an toàn, hệ thống siêu thị còn rất ít, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng thu hoạch. Ngược lại, ở nhiều nơi, người tiêu dùng cần mua nhưng không có nơi bán rau an toàn.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, về lý thuyết, các cửa hàng, siêu thị hiện cơ bản có thể tiêu thụ hết sản lượng rau được sản xuất theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, do chưa có sự liên kết “sản xuất - tiêu thụ” nên số lượng rau củ tiêu thụ thấp.

Bên cạnh đó, rau “sạch” bị ế còn có phần do người sản xuất không đa dạng hoá sản phẩm, chất lượng chưa cao và giá tiêu thụ trên thị trường có nơi khá ”cách biệt” với rau bày bán ở chợ truyền thống.

Nhu cầu về rau ”sạch” hiện rất cao. Lợi thế, tiềm năng sản xuất rau sạch của tỉnh nhà cũng rất lớn. Tuy nhiên, với thực trạng sản xuất và tiêu thụ hiện nay, người tiêu dùng còn lâu mới được sử dụng rau “sạch” đại trà.

Do đó, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, thực hiện những giải pháp khả thi nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả quy hoạch, bảo đảm sự ”thông suốt” trong quá trình sản xuất - tiêu thụ, tạo ra lợi ích kinh tế đáng kể từ cây rau, củ, quả.

THẢO DÂN