BAOTAYNINH.VN trên Google News

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp:

Cần xây dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân 

Cập nhật ngày: 14/10/2019 - 16:06

BTN - Nhiều năm qua, câu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm không còn xa lạ, từ quả chuối, trái thanh long, các loại hoa màu… Rồi chuyện giá sản phẩm cây trồng, vật nuôi lên xuống bất thường khiến người nông dân lâm vào cảnh khó khăn, loay hoay đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Long Vĩnh, Châu Thành. Ảnh: Đ.H.T

Cần lắm một chữ “tín” với nông dân

Ông Lương Quang Mai- Tổ trưởng THT sản xuất rau sạch ấp Bình Long, xã Thái Bình (huyện Châu Thành) cho biết, dù hiện tại tổ có ký hợp đồng cung cấp rau sạch cho Cửa hàng TaniGAP tại thành phố Tây Ninh nhưng số lượng không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 100kg/ngày. Trong khi đó, với trên 2 ha trồng các loại rau của hơn 10 thành viên, sản lượng thu hoạch mỗi ngày cũng vài tấn. Do vậy, để bán được rau, các thành viên của tổ phải tự chở rau đến giao cho các sạp, cửa hàng trên địa bàn huyện Châu Thành và TP. Tây Ninh

Theo ông Mai, với điều kiện hiện nay, ông mong muốn phát triển tổ hợp tác của mình trở thành HTX, không chỉ trồng trọt mà còn xây dựng hệ thống sơ chế nhằm xây dựng thương hiệu rau sạch. Tuy nhiên, do không có mặt bằng nên ông và các thành viên trong THT không thể thực hiện được. “Sản xuất nông nghiệp bây giờ không phải chỉ có người nông dân liên kết với nhau mà cần có sự chung tay của Nhà nước và doanh nghiệp để sản phẩm của người nông dân có đầu ra ổn định”- ông Mai nói.

Còn tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, việc thực hiện mô hình liên kết Tổ sản xuất lúa theo quy trình VietGAP tạo ra sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng hạt lúa. Sản lượng từ 6-7 tấn/ha/vụ đã tăng lên trên 7-8 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra vẫn là nỗi lo thường trực của người nông dân.

Nông dân chăm sóc rau.

Ông Bùi Văn Lệ- tổ trưởng tổ 5 cho biết, khi mô hình liên kết sản xuất lúa theo quy trình VietGAP được triển khai, trong một cuộc hội thảo do UBND xã tổ chức, đã có doanh nghiệp đồng ý đứng ra thu mua lúa. Đến khi thu hoạch, doanh nghiệp này “bỏ của chạy lấy người” nên nông dân phải bán cho thương lái.

Theo ông Lệ, mặc dù vẫn bán được lúa, vụ nào hết vụ đó nhưng rõ ràng, người nông dân đang phụ thuộc vào thương lái, giá cả thất thường, mỗi người một giá khác nhau trong khi chất lượng hạt lúa của tổ đều đạt chuẩn xuất khẩu. Nếu được ký hợp đồng bao tiêu thì người nông dân không phải vừa làm vừa lo như bây giờ nữa. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Điền cho biết, có một doanh nghiệp thu mua lúa của người dân. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch, người dân làm đồng loạt nên doanh nghiệp này thu mua không kịp, hơn 90% lúa của nông dân tham gia mô hình đều phải bán cho thương lái.

Hiệu quả từ niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân

Cũng có mô hình liên kết mà người nông dân và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung, thấy được lợi ích đôi bên để hợp tác. Theo đại diện Trại nấm Quê Hương, ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, trại nấm hình thành từ 2 năm qua, ươm nhiều loại giống nấm nhưng chủ yếu vẫn là nấm mối. Thời gian qua, trại nấm chủ yếu ươm giống, sau đó giao cho những người nuôi nấm đến lấy giống về nuôi.

Đối với giống nấm mối do kỹ sư của công ty nuôi trồng, tất cả quy trình tạo giống, ươm mầm đều thực hiện theo quy trình của công ty đưa ra. Người đến lấy nấm về nuôi phải thực hiện đúng quy trình hướng dẫn trong quá trình chăm sóc cho đến khi thu hoạch. 

Những người nuôi nấm đều ký hợp đồng với cơ sở. Theo đó, những người nhận nấm về nuôi phải có trách nhiệm bán lại sản phẩm cho trại, không được bán ra ngoài. Phần lớn sản phẩm nấm của cơ sở cung cấp cho những đối tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian qua, việc liên kết giao giống nấm chưa phát sinh vấn đề gì giữa cơ sở và người nhận nuôi nấm.  

Đại diện Trại nấm Quê hương cho biết, những người nhận giống nấm về nuôi nhận thấy được lợi ích khi thực hiện hợp đồng với cơ sở, yên tâm chăm sóc theo quy trình hướng dẫn của cơ sở. Theo vị này, điều quan trọng trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn niềm tin giữa người nông dân và doanh nghiệp, trợ giúp nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp cần làm thế nào để người nông dân nhận thấy được lợi ích của mình, từ đó người nông dân sẽ chuyên tâm sản xuất ra những sản phẩm đúng với chất lượng doanh nghiệp yêu cầu.

Thu hoạch rau tại Tổ liên kết sản xuất rau an toàn Thái Bình, ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2019, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã được triển khai trên cây lúa, rau, cây ăn quả… Đối với cây lúa, Sở hỗ trợ, tạo cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vĩnh Hưng ký hợp đồng với nông dân diện tích 42 ha lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 và 50 ha lúa vụ Hè Thu năm 2019 tại xã An Hoà, huyện Trảng Bàng. Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời bao tiêu 244,8 ha lúa tại xã Trí Bình, huyện Châu Thành và xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu. Sở cũng đã phối hợp với Tập đoàn Lotus khảo sát diện tích tham gia lúa hữu cơ, chọn 30 ha lúa thực hiện chương trình này tại huyện Bến Cầu. 

Đối với rau, Sở tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin và thoả thuận hợp tác giữa siêu thị Co.opMart Tây Ninh, Bách Hoá Xanh… với các cơ sở sản xuất rau ăn quả đạt chứng nhận VietGAP trên địa bàn. Kết quả, Bách Hoá Xanh đã ký hợp đồng với 2 tổ liên kết sản xuất rau an toàn. 

Sở phối hợp hỗ trợ  mỗi huyện, thành phố thành lập 1-2 nhóm nông dân để hình thành vùng sản xuất chuyên canh các loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh. Đến tháng 9.2019 đã thành lập được 7 nhóm nông dân chuyên canh sản phẩm cây ăn quả như: mãng cầu, sầu riêng, cây có múi. Bên cạnh đó, Sở cũng đã hỗ trợ HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Co.opMart Tây Ninh. 

Về phát triển nguyên liệu cây ăn quả, Công ty Lavifood ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản với nông dân địa phương với diện tích 296,4 ha. Tính đến tháng 9.2019, doanh nghiệp này thu mua 839,3 tấn nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh. 

Cũng theo Sở NN&PTNT, Sở đã hỗ trợ thành lập 34 tổ liên kết chăn nuôi gà ta với quy mô từ 2.000 đến 6.000 con. Tuy nhiên, hiện các tổ đang hoạt động khó khăn do thiếu doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Sản phẩm của các tổ chủ yếu là bán tại các chợ, nhà hàng, tiệc cưới…

Riêng đối với việc hoàn thiện chuỗi cung ứng thịt heo an toàn, trên địa bàn tỉnh có 39 quầy thịt heo an toàn, trong đó có 21 quầy thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P, 12 quầy thuộc chuỗi cung cấp thực phẩm của Công ty cổ phần thương mại Bách Hoá Xanh và 6 quầy thuộc chuỗi cung cấp thực phẩm của hệ thống siêu thị Co.opMart.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tìm kiếm doanh nghiệp liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.

Hy vọng với sự vào cuộc của các ngành chức năng sẽ thu hút được thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân.

THẾ NHÂN - MINH DƯƠNG


 
Liên kết hữu ích