BAOTAYNINH.VN trên Google News

Căng thẳng hơn ở chốn đồng bưng 

Cập nhật ngày: 18/12/2017 - 06:17

BTN - Báo Tây Ninh số ra tháng 11.2017 có đăng bài “Căng thẳng chốn đồng bưng”, nội dung phản ánh hàng chục hộ dân ở ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu gặp khó khăn khi dẫn vào 300 ha đất canh tác của họ bị cắt đứt.

DSC_0795.JPG

Đường đi mới cho gia đình ông Thanh và nhiều người dân đang canh tác trong khu vực có nhiều nơi trũng thấp, sình lầy. Muốn đi lại được đòi hỏi phải đầu tư chi phí khá lớn.

DỠ CẦU, ĐÒI THÁO ĐIỆN

Ngày 15.12, chúng tôi trở lại ấp Thuận Tây, thấy cây cầu gỗ bắc tạm nối liền con đường bờ kênh AC2 đã bị tháo dỡ hoàn toàn. Hàng chục hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp ở phía trong chỉ còn cách dùng xuồng làm phương tiện để vào đồng ruộng và trở về nhà.

Ông Dương Văn Thanh, 71 tuổi, người ở Hậu Giang lên đây thuê 35 ha đất của Công ty TNHH Phi Long để trồng khóm từ năm 2012 đến nay cho biết tóm tắt sự việc: phần đất của ông thuê toạ lạc bên trong phần đất của Công ty cổ phần địa ốc An Phú (gọi tắt là Công ty An Phú).

Sáu năm qua, gia đình ông đều vào ra vườn khóm bằng con đường bờ kênh AC2. Bỗng dưng, Công ty An Phú cho xe cơ giới đến móc đứt ngang bờ kênh, với lý do là tháo nước chống ngập cho phần đất của công ty. Khi Công ty An Phú cho xe cơ giới đến móc ngang bờ kênh suýt xảy ra xô xát với người dân, chính quyền địa phương đã phải kết hợp với Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến giải quyết.

Cuối cùng, Công ty An Phú cho người dân bắt tạm cây cầu bằng gỗ để qua lại, tình hình mới tạm ổn định. Thế nhưng, căng thẳng lắng xuống chưa được bao lâu thì ngày 6.12.2017, công ty này lại cho nhân viên đến dỡ bỏ toàn bộ cây cầu tạm. Từ đó, gia đình ông Thanh và nhiều nông dân khác không còn đường vận chuyển phân bón, cây giống, máy móc vào đồng ruộng.

Hiện nay, vườn khóm của ông Thanh sắp tới kỳ thu hoạch, nhưng chưa có đường vận chuyển ra. Vấn đề này khiến lão nông nóng ruột như đứng ngồi trên đống lửa. Ông Thanh dẫn chúng tôi đi xem một con đường khác dẫn vào ruộng khóm. Đó là một đoạn phía Bắc của bờ kênh AC2, chiều ngang khoảng 4m. Từ ruộng khóm của ông Thanh muốn ra được đường nhựa phải vượt qua khoảng cách dài khoảng 3km- xa gấp 3 lần đường đi cũ.

Vấn đề là trên đoạn đường này có nhiều đoạn trũng thấp, ngập nước, lầy lội. Muốn đi lại được phải tốn chi phí nâng cấp, sửa chữa khá cao. Bên cạnh đó, còn khoảng 0,5km có nhiều cây bạch đàn, tràm bông vàng, xoài trồng kín trên bờ kênh.

Hiện tại, các cây trồng này đã cao khoảng 4-5m, bề hoành phần gốc của cây lớn nhất khoảng 0,8m; cây cối ra nhánh um tùm, không được cắt tỉa và có nhiều dây leo chằng chịt. Muốn qua đoạn bờ kênh này chỉ có cách duy nhất là đi bộ len lỏi trong vườn cây, chứ không thể dùng bất kỳ phương tiện giao thông nào để chen qua được.

DSC_0761.JPG

Người dân canh tác bên trong bờ kênh bị cắt đứt phải dùng xuồng đi lại.

Ông Thanh cho biết, vừa rồi, chính quyền địa phương có xuống khảo sát con đường bờ kênh kể trên và hứa sẽ giải quyết cho gia đình ông cùng những nông dân khác đang canh tác trong khu vực vào ra bằng con đường này. Nhưng ngặt nỗi, thời gian hợp đồng thuê đất trồng khóm của ông chỉ còn một vài năm nữa là hết, và ông không có ý định hợp đồng tiếp.

Vì thế, ông không thể bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để nâng cấp, sửa chữa đoạn bờ kênh này. Mặt khác, ông cũng không dám “ra tay” chặt bỏ toàn bộ vườn cây rậm rạp trên bờ kênh, vì “Không biết vườn cây này của ai, nếu chặt phá, lỡ người ta bắt đền thì tôi không kham nổi”- ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, ông Thanh còn gặp một “nghịch cảnh” khác. Vườn khóm của ông cách khu dân cư khá xa, để có điện sinh hoạt, sản xuất, nhiều năm nay, ông phải lắp đặt một đường dây điện riêng trên bờ kênh AC2. Vừa qua, phía Công ty An Phú đánh tiếng không muốn cho gia đình ông kéo dây điện đi dọc trên đoạn bờ kênh cũ.

Lão nông chia sẻ: “Họ đòi nhổ hết trụ điện, không cho dẫn điện dọc bờ kênh nữa. Nếu không được dẫn điện bằng đường này thì tôi bó tay, vì không biết kéo điện vô trại khóm bằng cách nào”.

DSC_0755.JPG

Công ty An Phú móc đất cắt đường bờ kênh và tháo dỡ cây cầu tạm.

TÌM HƯỚNG GIẢI QUYẾT    

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Minh Tâm- Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu cho biết: “Vừa rồi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đã tổ chức đi khảo sát tình hình và lắng nghe khó khăn của chủ vườn khóm và những hộ dân canh tác nông nghiệp trong khu vực này.

Qua tìm hiểu thực tế, được biết, phần đất 35 ha ông Thanh thuê của Công ty TNHH Phi Long là một trong những diện tích mà Công ty TNHH Phi Long đã thuê lại của Công ty An Phú. Chúng tôi đã làm việc với các công ty có liên quan. Cuối cùng thống nhất cho gia đình ông Thanh vận chuyển khóm vào ra bằng con đường bờ kênh AC2 phía Bắc.

Nếu ông Thanh đồng ý và có nhu cầu đi lại bằng con đường mới này, chính quyền địa phương xã, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi. Còn việc Công ty An Phú không muốn cho gia đình ông Thanh kéo dây điện đi dọc trên đoạn bờ kênh cũ, đến nay tôi mới được nghe nói. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm”.

Nông trại trồng khóm của ông Thanh có quy mô lớn nhất Tây Ninh hiện nay. Mấy năm qua, vườn khóm của ông Thanh cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản Lavifood ở Long An, và sắp tới sẽ là một trong những vùng cung ứng nguyên liệu chính cho nhà máy Tanifood (thuộc Công ty TNHH Lavifood) đang xây dựng ở Tây Ninh.

Ông Thanh đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng vào cây khóm nhưng chưa có lời vì thường xuyên bị nước ngập. Năm nay, ông hy vọng gỡ lại được phần nào số vốn lớn đã đổ xuống, nhưng vào thời điểm nước lũ dâng cao vừa qua, Công ty An Phú cho đào đứt bờ kênh AC2, khiến nước lụt tràn vào vườn khóm của ông, làm cây khóm bị ngập chết khoảng 30% tổng diện tích.

Trưa 15.12, chúng tôi trở lại nơi này thấy ông Thanh đang thuê hàng chục công nhân từ Hậu Giang đến trồng giặm 200.000 cây khóm giống vào những nơi khóm bị chết trong đợt ngập lụt vừa qua. 

Ngoài ông Thanh, còn nhiều nông dân khác đang canh tác trong khu vực này cũng khổ sở vì không có đường vận chuyển phân bón, máy móc vào ruộng. Những ngày qua, bà con nông dân vẫn dùng xe cơ giới vận chuyển lúa giống, phân bón đến vị trí bờ kênh bị đào đứt, rồi phải mượn xuồng chở tiếp thành nhiều đợt vào ruộng, hoặc thuê người vác từng bao vật tư nhọc nhằn đi bộ một quãng đường dài hơn 1km mới vào đến ruộng.  

Để giải quyết dứt điểm tình hình này, thiết nghĩ, có lẽ đã đến lúc tỉnh nên xem xét lại mục đích hợp đồng thuê đất của những công ty nêu trên. Vì sao những đơn vị này đã hợp đồng thuê đất trong suốt hàng chục năm qua, nhưng chẳng đầu tư xây dựng hay sản xuất gì.

Ngược lại, họ cho những đơn vị, cá nhân khác thuê lại đất để canh tác, một số đất còn lại để hoang hoá. Chính vì việc cho nhiều tổ chức, cá nhân thuê mướn đất “búa xua” nên đã dẫn đến tình hình phức tạp giữa những người thuê đất bên trong với bên ngoài khu kinh tế. Nếu xét thấy những đơn vị này sử dụng đất không đúng mục đích, có thể thu hồi lại, để tạo điều kiện cho người dân địa phương sản xuất.

Hiện nay, tỉnh ta đang tổ chức thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nên rất cần diện tích đất rộng lớn để chuyển đổi cây trồng. Trong đó, loại đất bị nhiễm phèn như đồng bưng của xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu) và ba xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng hầu như chỉ phù hợp với việc trồng khóm- một trong những loại cây nguyên liệu chủ lực mà nhà máy Tanifood đang xây dựng ở huyện Gò Dầu rất cần.

Theo kế hoạch, cuối năm 2018, nhà máy chế biến hoa quả đầu tiên ở Tây Ninh Tanifood sẽ chính thức đi vào hoạt động. Trong những năm đầu, ở Tây Ninh chưa cung ứng đủ nguồn nguyên liệu, Công ty Lavifood sẽ phải thu mua nguyên liệu ở những tỉnh lân cận đem về nhà máy chế biến. Trong khi đó, vùng đất nêu trên thích hợp cho việc trồng khóm ở tỉnh ta đang bị bỏ hoang. Đây là một nghịch lý cần nghiêm túc xem xét.

Trường Sơn - Hùng Dũng