BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tản văn

Cánh diều tuổi thơ 

Cập nhật ngày: 16/02/2020 - 08:43

BTN - Nhìn những cánh diều đủ hình dáng, màu sắc bay lượn trên không trung chắc không chỉ có đám trẻ mà ngay cả người lớn như tôi cũng thích. Mỗi lần nhìn chúng thả diều, tôi chạnh nhớ cánh diều tuổi thơ của mình.

Sau những ngày tết rộn ràng, trẻ em miền quê lại trở về với những trò chơi ngày thường. Chiều xuống, trời dịu nắng, gió Nam lay động cành lá, xua tan một ngày nắng nóng, đám trẻ trong xóm lại tìm đến cánh đồng thi nhau thả diều.

Nhìn những cánh diều đủ hình dáng, màu sắc bay lượn trên không trung chắc không chỉ có đám trẻ mà ngay cả người lớn như tôi cũng thích. Mỗi lần nhìn chúng thả diều, tôi chạnh nhớ cánh diều tuổi thơ của mình.

Mẹ tôi qua đời khi anh chị em tôi mới ở độ tuổi biết mê thả diều, nhưng chưa biết dán diều… Tuy nhà nghèo, ba phải làm thuê làm mướn đủ việc để nuôi con nhưng ba tôi không quên lo cho anh em tôi vui chơi giải trí. Hồi đó, trẻ em trong xóm có trò chơi nào vui thích và không gây hại cho ai, ba tôi tạo điều kiện cho chúng tôi vui chơi, trong đó có thả diều.

Con diều của ba làm đơn giản và hơi xù xì, thô kệch, nhưng vững chắc. Đầu diều là một tờ báo lớn dán vào một khung làm bằng trúc chẻ nhỏ. Rồi ba dán thêm hai cái đuôi dài và hai cái “lỗ tai” (cánh nhỏ) vào đầu diều. Diều hơi nặng, cất cánh chậm, nhưng khi bay cao diều không chao đảo, mà luôn thăng bằng giữa không trung. Chỉ có đuôi và cánh rung rinh theo làn gió.

Hồi đó, ruộng đồng mỗi năm làm có một vụ lúa mùa. Sau tết nguyên đán, hết việc nhà nông, ba tôi chuyển sang làm mộc thuê. Dù làm cả ngày mệt rã người, chiều về ba dẫn anh em tôi ra đồng chỉ cách thả diều. Khi diều cất cánh lên không trung, ba lại nhanh chân về nhà lo xách nước, nấu cơm… Anh em tôi thích thú nhìn cánh diều đến lúc hết thấy đường mới cuốn dây hạ diều về nhà.

Hết bậc tiểu học, anh em tôi tự tay dán diều và ra đồng thả. Cánh diều của chúng tôi cũng đơn giản như cánh diều của ba. Khi trưởng thành hơn một chút, anh em tôi không chỉ thả diều mà còn thả theo mơ ước của mình. Bọn tôi thường lấy giấy cắt thành hình tròn viết những điều ước mơ của mình vào, rồi luồn vào sợi dây thả diều, cho bay lên cùng với con diều. Hồi đó, ước mơ của anh tôi là làm bác sĩ. Tôi hỏi: “Vì sao?”.

Anh triết lý: “Mày có thấy chỉ vì bệnh, má mình chết sớm không? Tao quyết chí học làm bác sĩ để trị bệnh cứu người,  không để những người mẹ trẻ phải chết sớm, những trẻ thơ phải bơ vơ côi cút!”. Còn tôi, lúc ấy cũng vừa vào bậc trung học, khi được học những bài giảng văn, trích đoạn các tác phẩm của tác giả Tô Hoài, Khái Hưng, Thạch Lam… lại mê trở thành nhà văn. Tôi cũng gửi niềm ước mơ của mình theo cánh diều là sau này trở thành nhà văn nổi tiếng.

Nhưng mơ ước cũng chỉ là mơ ước! Anh em tôi không đủ sức, đủ tài để thực hiện. Mặc dù vậy, cả hai anh em đều thực hiện được ước mơ của ba là làm thầy giáo. Dù chỉ là thầy giáo dạy bậc tiểu học trường làng, nhưng ba tôi rất vui mừng, vì anh em tôi thoát được cảnh làm thuê trên đồng ruộng vào mùa vụ và làm “thợ đụng” trong lúc nông nhàn. Bàn tay của anh em tôi không phải gân guốc, đen đúa, chai sần với cuốc, phảng, liềm, búa, cưa, kềm, đục, khoan... như ba nữa.

Ngày nay, dù có quá nhiều trò chơi, vẫn còn nhiều trẻ em thích thả diều. Nhưng chắc ít có phụ huynh nào dán diều cho con em chơi. Vì diều bán sẵn rất đẹp, nhiều màu sắc, đủ kiểu dáng. Nhìn những cánh diều xinh xắn, vi vút lướt gió trên bầu trời, các em bây giờ có còn gửi gắm ước mơ của mình như chúng tôi ngày xưa...

Riêng tôi, giờ không còn thả diều, cũng không dán diều cho con, cháu, càng không muốn gửi gắm niềm mơ ước riêng tư vào cánh diều như thuở nhỏ. Giờ tôi chỉ gửi niềm mong ước chung vào tất cả những cánh diều của đám trẻ: “Mong sao tất cả các em đều được cắp sách đến trường. Tất cả đều là con ngoan, trò giỏi và trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội…”. 

T.L