Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh giác dịch tả lợn châu Phi  

Cập nhật ngày: 24/02/2019 - 23:50

BTN - Lợn mắc bệnh tả châu Phi có biểu hiện sốt cao khoảng 40 - 420C, xuất huyết thâm tím ở tai, bẹn, bụng và mặt đùi sau. Lợn không ăn, lười vận động. Khi nhận thấy những biểu hiện trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan thú y cơ sở và chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

   

Clip Không nên hoang mang với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Đàn lợn tại một gia trại tại xã Bình Minh, Tp. Tây Ninh.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever, viết tắt là ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn (heo), gây sốt cao và xuất huyết nặng, có thể làm chết 100% lợn mắc bệnh nhưng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Giống như bệnh dịch tả truyền thống, dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn (cả lợn nhà và lợn rừng), lây truyền từ lợn bệnh sang lợn khoẻ mạnh hoặc lây gián tiếp thông qua thức ăn thừa, phương tiện và dụng cụ chăn nuôi. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền thông qua loài ve mềm (Ornithodoros moubata), không lây bệnh cho động vật khác và không gây hại cho sức khoẻ hay lây bệnh sang con người.

5 không để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi:

1/ Không giấu dịch;

2/ Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết;

3/ Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết;

4/ Không vứt lợn chết ra môi trường;

5/ Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

HOÀNG THI

Vừa qua, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, với tổng số hơn 250 con lợn bị tiêu huỷ. Riêng tại Tây Ninh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào.

Tuy nhiên, để chủ động ngăn chặn, sẵn sàng ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 17.1.2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 134/QĐ-UBND về kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Chiều 22.2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức hội nghị triển khai quyết định ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Kế hoạch, các biện pháp thực hiện được xây dựng trên 2 tình huống: phòng ngừa lúc chưa phát hiện bệnh và xử lý bệnh khi xuất hiện dịch tả lợn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu hiện nay là triển khai các giải pháp kiểm soát vận chuyển như: Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, các sản phẩm từ lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Ngăn chặn và xử lý kịp thời việc vận chuyển trái phép động vật và các sản phẩm động vật trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.

Giám sát chặt chẽ đối với người và phương tiện từ các vùng có dịch nhập cảnh vào địa bàn tỉnh. Trường hợp nghi lợn, các sản phẩm từ lợn vận chuyển trái phép (nhập lậu, nghi nhập lậu) cần thực hiện truy xuất nguồn gốc theo Luật An toàn thực phẩm; thu hồi và tiêu huỷ đối với thực phẩm, nông lâm sản không bảo đảm an toàn.

 Người chăn nuôi phải thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tuyên truyền, giám sát việc thực hiện tiêu trùng khử độc định kỳ tại các khu vực chăn nuôi, điểm giết mổ, buôn bán thịt lợn. Cơ quan Thú y hướng dẫn người chăn nuôi và thú y cơ sở nhận biết biểu hiện bệnh, lấy mẫu xét nghiệm đối với trường hợp nghi mắc bệnh, kịp thời phát hiện bệnh để tiêu huỷ theo quy định.

Theo ông Nguyễn Thành Thúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần đề cao cảnh giác, có giải pháp phòng ngừa thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng chuồng trại và các vật dụng trong chăn nuôi, vận chuyển.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm, lợn mắc bệnh tả châu Phi có biểu hiện sốt cao khoảng 40 - 420C, xuất huyết thâm tím ở tai, bẹn, bụng và mặt đùi sau. Lợn không ăn, lười vận động. Khi nhận thấy những biểu hiện trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan thú y cơ sở và chính quyền địa phương xử lý kịp thời.            

Minh Dương

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, tổng đàn heo của tỉnh là gần 178.000 con, tạo ra gần 43.500 tấn thịt hơi/năm. Mức lợi nhuận và giá trị gia tăng từ nuôi heo đứng đầu trong nhóm ngành chăn nuôi. Nuôi heo theo quy mô trang trại, gia trại có hiệu quả kinh tế cao hơn, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường tốt hơn so với nuôi nhỏ lẻ. Hiện đã có khoảng 60 trại nuôi heo tập trung khép kín và có khoảng 15 trang trại nuôi heo theo tiêu chuẩn “sạch” như quy trình VietGAHP...

Do heo hơi đang “được giá” nên người nuôi có xu hướng tăng đàn. Đáng chú ý là do có điều kiện thuận lợi về đất đai nên nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang có xu hướng vào Tây Ninh đầu tư các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Dịch bệnh là một trong những nguyên nhân gây tổn thất nghiêm trọng đối với nền kinh tế và người nuôi heo. Tháng 9.2008, Tây Ninh bùng phát dịch heo tai xanh và hết dịch sau 44 ngày. Đến tháng 8.2010, dịch heo tai xanh lại tái phát và gây hại trong khoảng 1 tháng. Hậu quả của hai đợt dịch ngoài gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi còn làm tổn thất ngân sách hơn 43 tỷ đồng.

Dịch tả heo châu Phi dù không gây hại cho sức khoẻ con người, nhưng nếu để bùng phát dịch bệnh này, thì ngành chăn nuôi heo bị thiệt hại rất nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Do đó, việc tuyên truyền để người dân có đủ thông tin về dịch bệnh này để chủ động phòng ngừa là vấn đề cấp bách hiện nay.

BẢO TÂM