BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh giác với “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” 

Cập nhật ngày: 19/05/2018 - 16:07

BTN - Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về việc “Hội thánh của Ðức Chúa Trời Mẹ” có nhiều điều trong giáo lý không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Hiện Hội thánh này có dấu hiệu dùng nhiều chiêu trò để dụ dỗ, lôi kéo thêm “tín đồ”, khiến nhiều người lâm vào tình cảnh u mê, bỏ việc, bỏ học. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện hoạt động của “Hội thánh” này, nhưng người dân cần hết sức cảnh giác.

Ðược biết, “Hội thánh của Ðức Chúa Trời Mẹ” hình thành từ năm 1964 tại Hàn Quốc, do Ahn Sahng Hong (Anh Xang Hồng) sáng lập và chưa được chính quyền nước sở tại công nhận. Ahn Sahng Hong (1918 - 1985) xuất thân từ gia đình Phật giáo nhưng cải đạo sang hệ phái Cơ đốc Phục lâm - đã sáng lập ra tổ chức mang tên “Hội thánh của Ðức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Giê-su”.

Năm 1985, Ahn Sahng Hong qua đời, Hội thánh chia làm 2 nhóm, trong đó có nhóm mang tên “Hội thánh của Ðức Chúa Trời các nhân chứng của Ðấng Anh Xang Hồng”. Các hệ phái Tin Lành chính thống khác cho đây là “tà đạo” và gọi là “Hội thánh của Ðức Chúa Trời Mẹ” để phân biệt với các Hội thánh của Ðức Chúa Trời khác.

“Hội thánh của Ðức Chúa Trời Mẹ” cũng sử dụng Kinh thánh (66 quyển) và tin Ðức Chúa Trời Ba Ngôi như các tổ chức đạo Tin Lành khác. Những người tin theo cho rằng Ðức Chúa Trời Ba Ngôi đã hiện thân vào Ðấng Anh Xang Hồng (Ðức Chúa Trời Cha) và bà Jang gil-ja (Ðức Chúa Trời Mẹ), đây là cha mẹ của họ.

Hình thức sinh hoạt tôn giáo: nữ trùm khăn ren trắng, nam áo vest. Trong năm có 7 lễ gồm: lễ vượt qua, lễ bánh không men, lễ Phục sinh, lễ Ngủ tuần, lễ Kèn thổi, lễ Chuộc tội và lễ Lều tạm. Ðể tượng trưng cho máu và thịt Chúa, họ dùng nước ép nho (có màu đỏ) và bột mì để làm bánh không men. Tổ chức này không sử dụng Thánh giá, tượng Chúa, không tổ chức lễ Giáng sinh.

Năm 2001, “Hội thánh của Ðức Chúa Trời Mẹ” du nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động nhập cảnh của người Hàn Quốc. Năm 2005, 2006 hình thành điểm nhóm đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2013 đến nay, các nhóm, tổ chức tự xưng này hoạt động lôi kéo người dân trong gia đình, nhất là phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên một số tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Mục sư Trương Thiên Tín- Quản nhiệm Chi hội Tin Lành Tây Ninh cho biết: “Từ năm 2015, khi biết được các thông tin về nhóm truyền giáo này, Chi hội Tin Lành Tây Ninh đã chủ động gửi các thông tin, tài liệu để các tín hữu của chúng tôi nắm được và đề phòng.

Ðây cũng là một tổ chức tôn giáo hoạt động mang tính cực đoan hơn so với quan điểm của Hội thánh Tin Lành truyền thống, chẳng hạn như họ đưa ra những quan điểm về tận thế, về sự “sẵn sàng” cho ngày Chúa trở lại bằng cách bỏ hết công ăn việc làm (!?)… là hơi quá đà”.

Ðánh giá về những hành động như nộp 10% thu nhập, phá bỏ bàn thờ tổ tiên, Mục sư Trương Thiên Tín cho rằng, mỗi tôn giáo đều có một quan điểm riêng về tín ngưỡng, nhưng họ quy định cụ thể tỷ lệ như thế cho thấy sự áp đặt tín hữu phải thực hiện, điều này là hoàn toàn sai. Việc “đập bàn thờ tổ tiên” đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá của dân tộc.

Linh mục Võ Hoàn Sinh- Hạt trưởng Hạt Công giáo Tây Ninh cũng khẳng định: “Ðối với niềm tin của người Công giáo, việc bà Jang gil-ja tự xưng là đức chúa trời là sự cao ngạo. Bản thân tôi cũng nói rõ cho giáo dân của mình phải cảnh giác, đề phòng bản chất của sự việc này”.

Theo Báo Nhân Dân điện tử, trước các hoạt động có biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn đạo đức xã hội liên quan đến tổ chức mang tên “Hội thánh Ðức Chúa Trời” diễn ra ở một số địa phương mà báo chí phản ánh gần đây, ông Vũ Chiến Thắng- Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người, nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khoẻ, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Hiện nay, có một số nhóm mang tên “Hội thánh Ðức Chúa Trời”, bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên... liên quan đến tổ chức mang tên “Hội thánh Ðức Chúa Trời” cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.

Ông Vũ Chiến Thắng cho biết thêm, về phương diện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương luôn quan tâm, chú ý tới các hoạt động của tổ chức mang tên “Hội thánh Ðức Chúa Trời” này và đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khoẻ, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật.

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành ở địa phương cần làm tốt công tác nắm địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NÐ-CP ngày 30.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời kêu gọi quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc vv...

Ðức An