Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh giác với thủ đoạn cho vay nặng lãi 

Cập nhật ngày: 18/08/2018 - 15:59

BTN - Gần đây, trên các trụ điện, vách tường, gốc cây bên đường, rất dễ dàng bắt gặp những tờ rơi quảng cáo, rao vặt cho vay khá thu hút như thủ tục đơn giản, nhanh gọn, chỉ cần CMND, hộ khẩu gốc, bảo mật thông tin khách hàng, giải ngân trong ngày… Tình trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đường phố mà còn có thể là thủ đoạn cho vay nặng lãi.

Tờ quảng cáo cho vay tiền trả góp. Ảnh: T.H

Theo Công an tỉnh, thời gian qua, hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi, kiểu “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố làm phát sinh các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, gây mất an ninh trật tự, làm người dân hoang mang.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 2 hình thức, thủ đoạn hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Thứ nhất, các đối tượng thành lập công ty, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hỗ trợ tài chính, cầm cố tài sản thế chấp, trao đổi, mua bán xe mô tô. Ðối tượng bọn chúng hướng đến là các tiểu thương, công nhân, nông dân lao động nghèo…

Thủ tục vay đơn giản, chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký xe… Ðể che giấu hành vi vi phạm pháp luật, khi cho vay tiền, các đối tượng sẽ làm thủ tục hồ sơ có chứng thực về mua bán, trao đổi xe mô tô của người cần vay tiền với giá trị khoảng 60% đến 80% giá trị của xe, rồi sau đó chúng làm thủ tục cho người vay thuê lại xe đó.

Sau khi hoàn tất thủ tục mua bán và hợp đồng cho thuê xe, các đối tượng sẽ tính với lãi suất trên 12%/tháng và quy định ngày đóng lãi cụ thể. Nếu không đóng lãi, công ty cho người đến đòi nợ và có thể thu hồi lại xe theo hợp đồng mua, bán xe ban đầu. Lấy được tiền vay, người vay phải đóng trước một tháng tiền lãi suất và ký tên nhận “phiếu chi” kèm theo “phiếu thanh toán tiền thuê xe”.

Hình thức thứ hai đối tượng sử dụng đơn giản hơn. Chúng chỉ cần biết họ tên và nhà ở là có thể cho vay không cần thế chấp tài sản, nhưng với mức lãi suất 60%/tháng. Hằng ngày, chúng tiếp cận các tụ điểm cờ bạc, khu nhà trọ công nhân, nữ tiếp viên karaoke để cho vay.

Sau khi cho vay xong, đến hẹn trả lãi, người vay tiền không trả hoặc trả không đủ, chúng thuê các đối tượng có tiền án, người nghiện ma tuý đi đòi nợ và đe doạ sẵn sàng dùng vũ lực đánh đập, gây sức ép hoặc bắt giữ người, buộc gia đình chuộc.

Anh Ð.H.Ph- ngụ xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu đến Công ty TNHH dịch vụ, kinh doanh tổng hợp Phương Bảo Vy trên địa bàn Thị trấn cầm cố giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô hiệu Exciter với số tiền 25 triệu đồng. Ðể nhận được tiền vay, Ph phải làm hợp đồng mua, bán xe mô tô của mình cho Công ty Phương Bảo Vy bằng với số tiền vay 25 triệu đồng.

Tiếp đó, công ty làm hợp đồng cho Ph thuê lại xe mô tô của mình với số tiền 3 triệu đồng/tháng. Sau khi hai bên thoả thuận, công ty đưa cho anh Ph 22 triệu đồng, giữ lại 3 triệu đồng tiền thuê xe tháng đầu tiên.

Sau 2 tháng trả lãi với số tiền 6 triệu đồng, đến ngày 20.1.2018, Ph đến công ty để thanh toán tiền cầm cố và nhận lại giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô của mình, thì được công ty yêu cầu trả tiền gốc là 25 triệu đồng và 1.250.000 đồng tiền lãi.

Anh Ph không đồng ý và yêu cầu công ty trừ lại 3 triệu đồng đã ứng trước đó. Hai bên không đạt thoả thuận nên xảy ra cự cãi, đánh nhau. Anh Ph báo Công an huyện Gò Dầu đến xử lý. Qua làm việc, Công an huyện Gò Dầu đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty vì gây rối trật tự công cộng.

Một trường hợp khác, xảy ra vào tháng 1.2017. Vợ chồng anh L.N.T.A- ngụ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, đến nhà Nguyễn Tấn Hưng, 38 tuổi, ngụ Thị trấn để vay số tiền 15 triệu đồng với lãi suất 60%/tháng. Sau một thời gian vay tiền, vợ chồng anh A. không còn khả năng trả nên bỏ trốn.

Ðến đầu tháng 3.2018, Hưng phát hiện anh A ở xã An Hoà nên cùng đàn em đến bắt đem về quán cà phê của mình để giam lỏng. Tại đây, Hưng điện thoại về cho gia đình anh A yêu cầu cha mẹ anh phải trả số tiền 117 triệu đồng mới cho chuộc con về.

Ðến ngày 9.3, trong lúc cha mẹ anh giao 50 triệu đồng cho Hưng, bị Công an huyện Trảng Bàng ập đến bắt quả tang. Hiện Công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên địa bàn Thị trấn và một số xã ở huyện Bến Cầu, các tờ rơi, áp phích quảng cáo cho vay tiền góp dán khắp nơi. Với chiêu bài “thủ tục đơn giản, nhanh gọn”, các đối tượng cho vay đã đẩy không ít người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Cụ thể, đầu tháng 7.2018, thông qua số điện thoại ghi trên áp phích quảng cáo cho vay tiền góp, anh N.V.K- 32 tuổi, ngụ khu phố 4, Thị trấn vay 1 triệu đồng. Chỉ vài giờ sau cuộc gọi, có người cầm tiền đến giao tận tay, nhưng chỉ có 850.000 đồng. Họ bảo, phải trừ trước 150.000 đồng lãi trong 3 ngày đầu.

Ðến ngày thứ tư, anh K không có tiền trả lãi, lập tức có hai thanh niên đến tận nhà đòi, không chỉ “nặng nhẹ” mà còn công khai hăm doạ. Tương tự, anh T.V.C- ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận vay 5 triệu đồng, nhưng khi nhận tiền, họ chỉ giao 4.250.000 đồng, trừ 750.000 đồng tiền lãi trong 3 ngày đầu.

Nhắc tới chuyện vay trả góp, tới giờ gia đình chị M ở xã Tiên Thuận vẫn còn “khiếp vía”. Chị vay 4 triệu đồng, nhưng chỉ được nhận 3.400.000 đồng. Ðến ngày đóng lãi nhưng chưa có tiền, hai thanh niên đến đòi nợ, “cưỡng ép” bắt đứa con nhỏ của chị.

Trong lúc giằng co, lời qua tiếng lại, chị hô hoán báo công an, hai thanh niên đó mới bỏ đi nhưng không quên gửi nhiều lời hăm doạ qua điện thoại. Quá sợ hãi, chị M chạy vạy khắp nơi mượn tiền trả cho bọn “xã hội đen” này.

Gần đây nhất, ngày 9.8.2018, cũng tại xã Tiên Thuận, gia đình ông N “dở sống dở chết” khi bị “xã hội đen” bao vây nhà đòi nợ. 6 thanh niên xăm trổ đầy mình yêu cầu ông phải thanh toán tiền do em ruột ông là anh C vay mượn.

Không biết thực hư thế nào, nhưng những đối tượng xăm trổ này la hét, quát tháo buộc ông phải trả nợ thay vì đã hơn 10 ngày, em của ông tắt điện thoại không liên lạc được.

Chúng còn hăm doạ nếu không thanh toán, gia đình sẽ không được yên ổn, lãnh “hậu quả khôn lường” (!?). May mắn cho gia đình ông N, lúc này có lực lượng Công an xã đứng trước cổng nhà nên các đối tượng ra xe bỏ về, doạ sẽ quay lại sau một tuần nữa.

Trước tình hình trên, để ngăn chặn kịp thời thủ đoạn của bọn tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thành phố và các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê để người dân cảnh giác.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác nắm tình hình, địa bàn, quản lý đối tượng, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này, không để hình thành điểm nóng, hoạt động kéo dài ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bất bình trong nhân dân.

T.N - T.H


Liên kết hữu ích
  • Vay tiền online OnCredit chuyển khoản
  • Vay nhanh online uy tín Takomo