BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cảnh giác với trò lừa bán đồ giả cổ 

Cập nhật ngày: 29/05/2017 - 04:50

BTNO - Với chiêu trò “vừa nhặt được những món đồ cổ dưới lòng đất”, hai thanh niên dễ dàng lừa bán với giá cao rồi “quất ngựa truy phong”.

Cóc thiềm thừ được chế tác khá tinh xảo.

CÚ LỪA NGOẠN MỤC

Nạn nhân gần đây nhất là ông Võ Anh Ngọc, sinh năm 1963, ngụ ấp Tân Định, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Nhìn ba món “đồ cổ” trên bàn, vợ chồng ông Ngọc cười ra nước mắt.

Nhớ lại chuyện mua bán vừa xảy ra, người đàn ông 54 tuổi này kể, trưa ngày 25.5, vợ chồng ông vừa cơm nước xong, đang ngồi uống trà ngoài hàng ba, bỗng nhiên có hai thanh niên, một người vóc dáng hơi mập, khoảng 35 tuổi, người còn lại ốm hơn, trạc 25 tuổi cùng đi trên một chiếc xe Wave, dừng trước cửa.

Hai người thanh niên tay cầm một bao ni-lông, bước vào hỏi tìm nhà ông thầy bùa, thầy pháp ở gần đây. Ông Ngọc bảo không biết, nhưng rồi ông cũng tò mò hỏi hai người thanh niên tìm kiếm thầy bùa, thầy pháp làm chi? Người thanh niên này làm ra vẻ bí ẩn, lấy trong bao ra một chiếc bình hồ lô, xung quanh thân bình có tượng 8 vị La Hán, trên nắp bình có chiếc lá bồ đề.

Ngoài ra, còn có hai linh vật cóc thiềm thừ (cóc ba chân, miệng ngậm đồng tiền). Tất cả các vật này đều được làm bằng đồng và dính đầy sình đất. Người thanh niên này kể, hai anh em là tài xế điều khiển xe Kobe móc đất ở gần chùa Khedol (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh), bất ngờ đào được một chiếc bình sành to.

Đập bình sành ra, thấy bên trong có chiếc bình hồ lô bát tiên và hai con cóc, miệng ngậm đồng tiền như thế này. “Vì nhặt được ở gần chùa, nghe bạn bè nói là vật linh thiêng nên tụi em tìm thầy bùa, thầy pháp hỏi han cho rõ”.

Trong lúc đang chuyện trò, bỗng chuông điện thoại di động của một thanh niên reo vang. Người thanh niên này nghe máy. Trong điện thoại, một người đàn ông ở TP Hồ Chí Minh hỏi thăm có phải hai thanh niên này vừa đào được một số cổ vật? Ông hỏi kỹ có phải xung quanh thân bình có 8 tượng phật không? Trên nắp bình có chiếc lá bồ đề không? Hai con cóc ngậm đồng tiền không? Sau khi người thanh niên xác nhận đúng như vậy, người đàn ông ở TP Hồ Chí Minh mừng rỡ, khẳng định đúng là những cổ vật thuộc hàng “bảo vật quốc gia” cực kỳ quý hiếm và ông hỏi mua các vật này với giá 30 triệu đồng.

Hai người thanh niên này đồng ý bán và hẹn ngày mai sẽ xuống TP Hồ Chí Minh giao hàng. Trước khi chào vợ chồng ông Ngọc ra về, hai thanh niên này bàn bạc với nhau, vì đây là những “bảo vật quốc gia”, sợ trên đường đem những cổ vật này đi bán sẽ bị công an bắt, tịch thu, nên hỏi ông Ngọc mua không, nếu mua thì họ sẽ bán với giá 20 triệu đồng thôi.

Dưới đáy bình hồ lô bát tiên có đóng dấu ấn khiến người xem dễ lầm tưởng là cổ vật.

Ông Ngọc sực nhớ gia đình có người em trai đang công tác ở một công ty lớn. Người em của ông cũng khá giả và thích sưu tầm đồ cổ. Đồng thời thấy những “bảo vật quốc gia” này đang kêu bán với giá thấp hơn “giá thị trường” đến 10 triệu đồng. Hai vợ chồng suy tính, nếu mua những báu vật này đem bán lại cho người em, ít nhất cũng kiếm lời được cả chục triệu đồng. Lục tìm trong tủ gia đình chỉ còn một ít tiền, ông Ngọc bảo vợ vay nóng số tiền 20 triệu đồng đem về mua ba món cổ vật.

Để tạo lòng tin, hai người thanh niên này còn cho ông Ngọc số điện thoại và hứa hẹn sau khi bán xong các món đồ này sẽ mua thịt gà đem đến nhà ông nhậu. Vừa trả tiền xong, hai thanh niên quày quã bỏ đi. Lúc này, ông Ngọc mới hí hửng gọi điện thoại cho người em trai báo tin rằng vừa mới mua được ba món cổ vật. Người em trai hỏi thăm về hình dáng những món cổ vật và cách thức mua bán. Sau khi nghe ông Ngọc miêu tả lại toàn bộ vụ việc, người em trai khẳng định khoảng 90% là đồ giả cổ.

ĐÃ CÓ NHIỀU NẠN NHÂN

Nghe người em nói vậy, vợ chồng ông Ngọc cảm thấy mặt đất dưới chân mình như sụp đổ. Mồ hôi lạnh toát ra từng cơn, tay chân bủn rủn, ông Ngọc nhiều lần gọi theo số điện thoại của hai thanh niên vừa cho thì nghe câu trả lời tự động: “Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”.

Ông bảo đứa con trai đem những đồ vật này ra vòi nước rửa thật sạch để vợ chồng ông săm soi lại thật kỹ những hoa văn, hoạ tiết, chữ nghĩa trên các món đồ vừa mua. Quan sát kỹ, vợ chồng ông thấy những đồ vật này bằng đồng thật và bên ngoài chạm trổ, điêu khắc khá tinh xảo, không thể nào tin rằng chúng lại là đồ giả cổ được.

Ông Ngọc bèn gọi điện thoại phản ánh với phóng viên Báo Tây Ninh về vụ việc vừa xảy ra. Chúng tôi hướng dẫn ông Ngọc cầm những đồ vật này đến gặp ông Đường- một chuyên gia về đồ cổ có uy tín ở thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành- để nhờ thẩm định.

Xem qua các món đồ vật, ông Đường khẳng định 100% đây là đồ giả cổ. Chuyên gia về đồ cổ này giải thích, những vật dụng này được một cơ sở ở Hà Nội mới làm trong thời gian gần đây. Nguyên liệu bằng kim loại đồng thật, nhưng mới sản xuất với kiểu mẫu giống như những vật dụng cổ xưa có niên đại cách đây hàng trăm năm.

Ông Ngọc cầm chiếc bình hồ lô bát tiên.

Để chứng minh cho những gì mình vừa nói, ông Đường mở máy vi tính, kết nối vào mạng internet và gõ vào google ba từ khoá “đồ giả cổ”.

Lập tức trên màn hình hiện ra hàng trăm mặt hàng giả cổ, trong đó có hình chiếc bình hồ lô bát tiên và cóc thiềm thừ giống y chang những món “đồ cổ” ông Ngọc vừa mua của những kẻ lừa đảo.

Ông Đường cho biết, hiện nay, trên thị trường, giá đồng dùng để đúc những đồ vật như thế này chỉ khoảng 65.000 đồng/kg. Ba vật dụng của ông Ngọc vừa mua, có tổng trọng lượng 4,2kg. Nếu bán theo giá đồng kim loại chỉ được khoảng 300.000 đồng. Như vậy, ông Ngọc bị lừa mất 19,7 triệu đồng. Nghe xong, ông Ngọc ngồi phịch xuống ghế, gương mặt thất thần, miệng lắp bắp vài câu rồi buồn bã ra về.

“Vợ chồng ông Ngọc bị lừa bán ba món đồ như vầy với giá 20 triệu đồng kể cũng còn đỡ. Mấy năm trước, khi những mặt hàng giả cổ này mới xuất hiện trên thị trường, có trường hợp, bọn chúng lừa người dân bán ba món tương tự với giá đến 80 triệu đồng”, ông Đường nói.

Ông Đường cho biết thêm, biết ông rành đồ cổ, thời gian qua, có nhiều người đến đây nhờ ông thẩm định giùm những món đồ giả cổ.

Qua câu chuyện của những nạn nhân kể lại, ông biết có hai thanh niên thường dùng nhiều chiêu trò rất tinh vi để lừa gạt những người thiếu hiểu biết về cổ vật để bán những món hàng trị giá chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng thu lợi hàng chục triệu đồng.

Trong đó, bọn chúng nhắm đến những gia đình khá giả, vừa cất nhà xong, chuẩn bị ăn mừng tân gia, với tâm lý mua những đồ cổ sẽ được thánh thần phù hộ và gặp nhiều may mắn. Đối tượng thứ hai chúng thường nhắm đến là những gia đình nông dân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khá giả nhưng hiểu biết về cổ vật còn hạn chế.

Bọn chúng rất tinh ranh, buôn bán rộng khắp các tỉnh, nhưng không bao giờ hoạt động liên tục trên cùng một địa bàn. Chúng xuất hiện trên địa bàn Tây Ninh một khoảng thời gian, bán được một vài món đồ rồi đi sang tỉnh khác. 

Đại Dương