BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Giấc mơ 10 năm thành hiện thực 

Cập nhật ngày: 20/01/2022 - 09:21

Chủ tịch nước đánh giá cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là công trình thắng lợi bằng ý chí, quyết tâm cao của chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Ngày 19-1, tại Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác trung ương đã dự sự kiện ý nghĩa này.

Công trình có ý nghĩa lớn với người dân ĐBSCL

Phát biểu tại buổi lễ thông xe, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nút thắt lớn nhất ở ĐBSCL là giao thông. Do đó, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng, góp phần gỡ nút thắt về giao thông cho khu vực ĐBSCL.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: ĐH 

Theo Chủ tịch nước, sau nhiều năm đình trệ, để tháo gỡ khó khăn của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Chính phủ đã có bước chuyển táo bạo, quan trọng, đó là chuyển dự án cho UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đặc biệt, Chính phủ cũng đã quyết định thay đổi đơn vị tổng thầu xây dựng dự án. Theo đó, chủ đầu tư mới là Tập đoàn Đèo Cả tiếp nhận dự án. Đây là một quyết định táo bạo trong lúc công trường đang dở dang, phức tạp kéo dài nhiều năm.

Theo Chủ tịch nước, dù gặp nhiều khó khăn về vốn, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt hai năm nhưng với ý chí, quyết tâm cao, sự chỉ đạo quyết liệt của trung ương, tỉnh Tiền Giang, sự vào cuộc của các nhà khoa học, đơn vị thi công, chúng ta đã thực hiện tốt lời hứa trước nhân dân ĐBSCL là sớm đưa công trình vào sử dụng, góp phần thuận lợi phát triển khu vực.

 “Đây là công trình thắng lợi của ý chí và quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của chủ đầu tư, đơn vị thi công. Tất cả chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành công trình này” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương các đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát, các cố vấn, nhà khoa học; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang. Các cơ quan, đơn vị này đã quyết tâm rất cao, thường xuyên đôn đốc, xử lý các điểm nghẽn của dự án, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng với trên 3.300 hộ dân di dời để dành đất cho công trình của dự án. Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao tinh thần đáng quý của người dân tỉnh Tiền Giang khi sẵn sàng nhường đất đai để phục vụ cho công trình.

Chủ tịch nước cũng biểu dương Tập đoàn Đèo Cả đã điều hành, chỉ đạo quyết liệt, thi công ngày đêm để dự án đạt được mốc thông xe kỹ thuật.

Chủ tịch nước lưu ý Tập đoàn Đèo Cả và các đơn vị tham gia dự án cần tiếp tục hoàn thiện để khánh thành công trình đúng quy định. Quá trình khai thác phải bảo đảm an toàn giao thông ngay khi thông xe, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, nhất là trong dịp tết Nguyên đán 2022.

Kỳ vọng của 21 triệu người dân ĐBSCL

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết: Dự án có thể thông xe kỹ thuật nhằm kịp thời phục vụ nhân dân cả nước nói chung và 21 triệu dân ĐBSCL nói riêng trong dịp tết Nguyên đán 2022, là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ.

Cũng theo ông Hoàng, trong điều kiện dự án đình trệ hơn 10 năm, hạn mặn, nền địa chất phức tạp, nguyên vật liệu khan hiếm, dịch COVID-19… nhưng tất cả vẫn quyết tâm hoàn thành dự án, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Cũng theo doanh nghiệp (DN) dự án, suốt gần 10 năm đầu triển khai dự án, có hai lần thay đổi nhà đầu tư, ba lần thay đổi tổng mức đầu tư, bốn lần lùi thời hạn hoàn thành, dự án chỉ đạt được 10% khối lượng.

Tháng 3-2019, Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành thông qua DN dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Sau hơn hai năm tiếp nhận điều hành dự án, với sự ủng hộ của người dân, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang, các bộ, ngành, DN, dự án nỗ lực ngày đêm và đã cán mốc thông xe kỹ thuật.

Ông Hoàng cho biết thêm hiện nay, dự án đã hoàn thành tuyến chính, cơ bản hoàn thiện các tuyến nối. Tiếp theo, doanh nghiệp sẽ phối hợp với Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan liên quan kiểm soát các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình tổ chức phục vụ ô tô trong dịp tết Nhâm Dần (từ ngày 25-1 đến 10-2) đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân.

Dự án sẽ đưa vào khai thác chính thức sau khi tổ chức hiệu chỉnh kỹ thuật, đồng thời đo lường khắc phục các rủi ro về nền đất yếu thường gặp tại khu vực ĐBSCL.•

Hơn 12.600 tỉ làm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Tổng vốn đầu tư dự án 12.668 tỉ đồng.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành, thông xe kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ góp phần giảm tải cho quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang. Trong tương lai, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được đầu tư xây dựng kết nối với hai tuyến cao tốc: Trung Lương - Mỹ Thuận và TP.HCM - Trung Lương liền mạch từ TP.HCM đi miền Tây. Từ đó tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối một trục chính tuyến cao tốc dài từ TP.HCM đi Cần Thơ, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL.

Nguồn PLO


Liên kết hữu ích