BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cáp APG gặp sự cố, VNPT, Viettel tuyên bố vẫn đảm bảo chất lượng kết nối Internet quốc tế 

Cập nhật ngày: 22/06/2017 - 08:10

Chia sẻ về ảnh hưởng từ sự cố xảy ra với tuyến cáp quang biển APG chiều ngày 20.6, đại diện VNPT, Viettel đều khẳng định đã chủ động chuyển hướng kết nối, vẫn đảm bảo chất lượng kết nối Internet quốc tế và khách hàng của 2 nhà mạng không bị ảnh hưởng.

 

cap apg gap su co vnpt viettel tuyen bo van dam bao chat luong ket noi internet quoc te

Tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (APG) được đưa vào khai thác từ giữa tháng 12/2016 được kỳ vọng sẽ giảm tải và thay thế cho tuyến cáp AAG (Nguồn ảnh: CMC Telecom)

Trong thông tin phát ra chiều 21/6/2017, VNPT VinaPhone đã xác nhận tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (APG) đang gặp sự cố.

Theo VNPT VinaPhone, vào 16h00 chiều qua, ngày 20/6/2017 đã xảy ra sự cố mất kết nối trên tuyến cáp quang biển APG hướng từ Đà Nẵng đi các hướng quốc tế (Mỹ, Nhật, Hồng Kông), làm ảnh hưởng đến tốc độ kết nối Internet quốc tế tại một số giờ cao điểm.

“VNPT đang phối hợp với các đối tác quốc tế để xác minh nguyên nhân sự cố và có kế hoạch cụ thể về việc xử lý lỗi, khắc phục tình trạng sớm nhất có thể”, đại diện VNPT VinaPhone cho hay.

Đại diện VNPT cũng cho biết, sự cố xảy ra với tuyến cáp quang biển APG vào chiều ngày 20/6/2017 có thể ảnh hưởng tới chất lượng kết nối các kênh quốc tế, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung.

Tuy nhiên, nhà mạng này khẳng định đã chủ động định tuyến các kênh của khách hàng bị ảnh hưởng sang các tuyến cáp quang biển quốc tế khác là SMW-3, AAG và tuyến CSC (cáp chạy trên đất liền). “Do đó, về cơ bản chất lượng kết nối Internet đi quốc tế của VNPT vẫn được đảm bảo”, đại diện VNPT VinaPhone nhấn mạnh.

Với Viettel, thông tin về sự cố xảy ra với tuyến cáp APG chiều ngày 20/6, nhà mạng này cho biết, đến thời điểm hiện tại, vị trí, nguyên nhân và thời gian khắc phục chính xác của sự cố vẫn chưa được xác định.

Cũng như VNPT, Viettel tuyên bố các khách hàng của Viettel không bị ảnh hưởng bởi sự cố này bởi dung lượng dự phòng trên các tuyến cáp quốc tế khác của Viettel vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Cụ thể, theo Viettel, ngoài tuyến cáp biển APG, Viettel hiện sử dụng nhiều hướng kết nối đi quốc tế khác gồm 2 hướng cáp quang biển AAG, IA và các hướng đất liền qua Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan.

Thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục đưa vào quản lý và khai thác thêm tuyến cáp biển AAE-1 kết nối các nước châu Á - châu Phi và châu Âu với chiều dài 25.000km và dung lượng thiết kế lên tới 40Tbps.

Ngoài ra, nhà mạng này cho biết thêm, dù sự cố trên tuyến cáp APG không làm ảnh hưởng, nhưng Viettel vẫn theo dõi và đã chuẩn bị các giải pháp sẵn sàng đảm bảo dịch vụ trong trường hợp xảy ra các sự cố trên các hướng kết nối quốc tế khác.

Tuyến cáp quang biển APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ giữa tháng 12/2016. Có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom, tuyến cáp APG được nhận định sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.

Với tổng chiều dài khoảng 10.400 km, APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tb/s và con số này mang lại tốc độ Internet nhanh hơn khoảng gần 20 lần nếu so với AAG. APG là tuyến cáp biển sử dụng công nghệ mới nhất: 40Gbps/1 bước sóng (có khả năng chuyển lên công nghệ 100Gbps/1 bước sóng) giúp kết nối trực tiếp các nước châu Á - Thái Bình Dương đến các nền kinh tế lớn: Mỹ, Úc, Ấn Độ, châu Phi với dung lượng lớn, từ đó đáp ứng sự tăng trưởng theo cấp số nhân nhu cầu băng rộng khu vực châu Á.

Dự án APG đã thu hút được nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)…

Trước đó, vào ngày 31/12/2016, APG đã gặp đồng thời 2 sự cố tại các vị trí gần Singapore và Chongming - Trung Quốc dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore trên tuyến cáp quang biển này.

Nguồn ICT News


Liên kết hữu ích