Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Cát tặc” trở lại sông Sài Gòn  

Cập nhật ngày: 27/04/2019 - 16:18

BTN - Quan sát thực tế trong hai ngày 22 và 23.4, phóng viên nhận thấy quả đúng là có hai tàu không số hoạt động bơm hút cát. Chiếc tàu có khối lượng lớn hơn thường đến nơi bơm cát vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng. Khi chiếc tàu gần khẳm, chiếc tàu thứ hai có khối lượng nhỏ hơn cũng đến nơi. Cứ như vậy, hai tàu “luân phiên” nhau hoạt động.

Hai tàu khai thác cát tiến sát vào rẫy mì của người dân để bơm hút cát (tàu có khối lượng nhỏ hơn khuất phía bên kia tàu lớn).

Khoảng từ đầu tháng 12.2017 đến cuối tháng 1.2018, Báo Tây Ninh có đăng loạt bài “Cát tặc ngày đêm rút ruột sông Sài Gòn”, phản ánh tình trạng nhiều tàu sắt cỡ lớn ngày đêm bơm hút trộm cát trên sông Sài Gòn (thuộc địa bàn tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu). Sau khi báo đăng, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, nhiều tàu khai thác cát lậu “sa lưới”. Tình hình khai thác cát trái phép tại đoạn sông trên tạm lắng. Gần đây, cát tặc đã quay trở lại “điểm nóng” này.

Theo người dân địa phương, từ đầu năm đến nay, tại đoạn bờ sông mà Báo Tây Ninh từng đề cập lại xuất hiện nhiều tàu bơm hút cát trộm. Cách nay hơn 10 ngày, có một số tàu đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Tuy nhiên, hằng ngày, vẫn còn hai tàu không mang số hiệu hoạt động từ lúc hơn 5 giờ sáng đến gần 17 giờ. Đáng lo ngại, hai tàu này bơm hút cát gần bờ, cặp theo một dãy đất bán ngập mà người dân đang trồng mì (giáp với rừng phòng hộ Dầu Tiếng).

Quan sát thực tế trong hai ngày 22 và 23.4, phóng viên nhận thấy quả đúng là có hai tàu không số hoạt động bơm hút cát. Chiếc tàu có khối lượng lớn hơn thường đến nơi bơm cát vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng. Khi chiếc tàu gần khẳm, chiếc tàu thứ hai có khối lượng nhỏ hơn cũng đến nơi. Cứ như vậy, hai tàu “luân phiên” nhau hoạt động.

Như tranh thủ thời gian, tàu của “cát tặc” cùng lúc sử dụng hai ống có đường kính khoảng 30cm để bơm cát lên khoang chứa. Thế nên, chưa đầy 1 giờ đồng hồ là tàu đã khẳm. Sau đó, cả hai tàu đều chở cát ngược về hướng thượng nguồn sông Sài Gòn. Không rõ tập kết ở đâu, nhưng chỉ khoảng 90 phút sau, hai tàu này lại quay về điểm hút cát.

Ông Trần Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Tại điểm diễn ra hoạt động khai thác cát mà phóng viên đề cập, tỉnh Tây Ninh chưa cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho bất cứ doanh nghiệp nào. Thật ra, khoan hãy bàn đến chuyện giấy phép, về mặt quản lý trong khai thác cát tại tỉnh Tây Ninh, chỉ cần có hành vi cho tàu bơm hút cát cận bờ, tàu không mang số hiệu và logo kiểm soát, có thể xem là khai thác cát trộm”.

Đối diện với điểm khai thác cát trái phép, bên kia sông là địa phận tỉnh Bình Phước, xuôi về hạ lưu sông Sài Gòn khoảng 1km là tiếp giáp với tỉnh Bình Dương. Chính vì đây là khu vực tiếp giáp giữa ba tỉnh nên tình hình “cát tặc” diễn biến phức tạp.

Hậu quả, một đoạn bờ sông Sài Gòn bị sạt lở rất nghiêm trọng.

Theo nguồn tin từ Công an huyện Tân Châu, trước đó, vào ngày 22.3, tại khu vực suối Bồ Hum (một nhánh của sông Sài Gòn, cách “điểm nóng” nêu trên khá xa - PV), Công an huyện bắt giữ một tàu khai thác cát trái phép do ông Lâm Văn Minh (SN 1964, ngụ tỉnh Bến Tre) làm chủ, người lái tàu là Trần Văn Hoàng (SN 1980, ngụ ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà). Vào thời điểm bị bắt, trên tàu chứa khoảng 18 khối cát. Người vi phạm đã bị xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng, toàn bộ số cát bị tịch thu.

Thực tế, hoạt động khai thác cát trái phép tại đoạn bờ sông kể trên diễn ra từ nhiều năm, làm một đoạn bờ sông dài hàng trăm mét bị sạt lở, thậm chí khuyết sâu vào dãy đất bán ngập mà người dân đang tận dụng để trồng mì. Có chỗ, chỉ còn cách khoảng hơn 1m nữa là tới luống mì trồng. Bờ sông bị sạt lở kiểu bọng “hàm ếch”, với vách bờ khá cao và sâu nên khó tránh khỏi việc tiếp tục bị sạt lở lấn sâu vào đất liền.

QUỐC SƠN


Liên kết hữu ích