BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu trả lời chính thức về chế độ đối với vùng sâu 

Cập nhật ngày: 09/06/2017 - 06:58

BTN - Theo đại diện Sở Nội vụ, căn cứ vào Quyết định 582, Tây Ninh không có xã nào thuộc khu vực III, tức xã đặc biệt khó khăn, do đó, cán bộ, công chức, viên chức, kể cả những người làm việc hợp đồng cũng không còn được hưởng chế độ ưu đãi.

Đường vào ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành.

Ngày 28.4.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 582/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 582) phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã giải toả “câu đợi câu chờ” của những người làm công ăn lương ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên…

TÂY NINH CHỈ CÓ MỘT ẤP ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong cả nước có 20.176 thôn đặc biệt khó khăn, 1.935 xã khu vực III, 2.018 xã khu vực II và 1.313 xã khu vực I thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Quyết định 582 đã bãi bỏ một số quyết định do Uỷ ban Dân tộc ban hành trước đây, trong đó có Quyết định 447/QĐ-UBDT ra đời năm 2013 công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, xã khu vực II và xã khu vực III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015.

Theo Quyết định 582, tỉnh Tây Ninh có 19 xã thuộc khu vực I, 1 xã khu vực II và không có xã nào thuộc khu vực III. Cụ thể, 19 xã, phường thuộc khu vực I gồm có: Suối Dây, Tân Đông, Tân Hoà, Tân Hội, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phú (huyện Tân Châu); Hoà Hiệp (huyện Tân Biên); Hoà Thạnh, Hoà Hội, Ninh Điền, Thành Long (huyện Châu Thành); Long Phước (huyện Bến Cầu); Suối Đá (huyện Dương Minh Châu); Trường Tây (Hoà Thành); phường 1, phường Ninh Thạnh, xã Tân Bình, Thạnh Tân (TP Tây Ninh). Xã Biên Giới, huyện Châu Thành là xã duy nhất được xếp vào khu vực II. Tại xã này có ấp Rạch Tre được xếp vào thôn đặc biệt khó khăn.

Quyết định 582 được ban hành để thực hiện nhiều chính sách, chế độ đối với vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Quyết định 582 là cơ sở để thực hiện các loại chế độ được quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24.12.2010.

Nghị định này quy định về phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, một số trợ cấp và thanh toán tiền tàu xe đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo tinh thần của Nghị định 116, những người hưởng lương và chế độ khác có tính chất lương ở vùng đặc biệt khó khăn được hưởng nhiều khoản như phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, trợ cấp khi chuyển công tác ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn, hỗ trợ tiền tàu xe…

Quyết định 582 vừa mới ban hành đã thu hút sự quan tâm lớn của cán bộ, công chức, viên chức, nói chung là những người hưởng lương và những khoản khác có tính chất lương đang công tác tại khu vực biên giới.

Trên mạng xã hội, nhiều người đang công tác tại 20 xã biên giới của Tây Ninh vẫn đang băn khoăn: với Quyết định 582, họ có được hưởng chế độ ưu đãi như trước nữa hay không? Theo đại diện Sở Nội vụ, căn cứ vào Quyết định 582, Tây Ninh không có xã nào thuộc khu vực III, tức xã đặc biệt khó khăn, do đó, cán bộ, công chức, viên chức, kể cả những người làm việc hợp đồng cũng không còn được hưởng chế độ ưu đãi.

Nói cách khác, những đối tượng công tác tại 20 xã có đường biên giới giáp với nước láng giềng Campuchia cũng chỉ hưởng lương và các khoản có tính chất lương như đồng nghiệp của họ ở vùng nội địa.

Theo Quyết định 582, ấp Rạch Tre thuộc xã Biên Giới của huyện Châu Thành là ấp (thôn) đặc biệt khó khăn. Điều này có nghĩa, cán bộ, công chức, viên chức nếu công tác tại ấp này sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định trong Nghị định 116.

Tuy nhiên, số người này (nếu có) ở ấp Rạch Tre cũng không nhiều, cùng lắm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo thông tin từ Phòng GD-ĐT Châu Thành, ấp Rạch Tre có một điểm phụ thuộc Trường tiểu học Biên Giới B, hiện có ba giáo viên đang dạy tại điểm trường này. Như vậy, thầy cô đang dạy học tại đây sẽ được hưởng chế độ ưu đãi, còn những đồng nghiệp khác dù công tác trên cùng địa bàn xã vẫn không được hưởng.

Sau khi Quyết định 582 ban hành, một số ý kiến cho rằng, việc quy định thôn, ấp, phum, sóc… đặc biệt khó khăn có thể phù hợp với địa phương này nhưng không có tính thực tế ở địa phương khác.

Trên thực tế, những người hưởng lương từ ngân sách ít khi được bố trí làm việc ở ấp, nếu có, như trên vừa đề cập, cũng không nhiều vì hầu hết các cơ quan hành chính, sự nghiệp đều bố trí ở khu trung tâm xã. Vì vậy, mặc dù Quyết định 582 mới ban hành nhưng đã có ý kiến của cơ quan chuyên môn cho rằng, cần sớm sửa quy định thôn đặc biệt khó khăn.

CÓ PHẢI TRUY THU CHẾ ĐỘ ĐÃ CẤP ?

Với Quyết định 582, một vấn đề đặt ra, những nhóm đối tượng công tác ở khu vực biên giới của Tây Ninh đã từng hưởng chế độ ưu đãi thì nay có phải truy thu khoản tiền đã được cấp hay không? Theo Quyết định 447/QĐ-UBDT ngày 19.9.2013 (mới bãi bỏ) thì Tây Ninh cũng không có xã nào thuộc khu vực III, tức xã đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, kể từ sau thời điểm đó, cán bộ, công chức, viên chức, kể cả những người làm theo diện hợp đồng vẫn được hưởng nhiều chế độ ưu đãi (mặc dù việc thực hiện cũng không có sự thống nhất, nơi thực hiện nơi không). Mọi chế độ ưu đãi chỉ hoàn toàn tạm dừng sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời UBND tỉnh Tây Ninh liên quan đến việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với khu vực vùng sâu vùng xa ở huyện Bến Cầu.

Sau khi có văn bản của Bộ Nội vụ, ngày 1.6.2016, UBND tỉnh có Công văn số 1443/UBND-DT (Công văn 1443) phúc đáp, nguyên văn như sau: “Căn cứ vào Văn bản số 449/UBDT-VP135 ngày 29.5.2016 về việc xác định xã đặc biệt khó khăn và Văn bản số 1458/UBDT-VP135 ngày 31.12.2015 của Uỷ ban Dân tộc về việc hướng dẫn xác định địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo đó, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi là xã khu vực III được quy định tại Quyết định 447/QĐ-UBDT ngày 19.9.2013, Quyết định số 601/QĐ-UBDT ngày 29.10.2015 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc. Như vậy, tất cả 20 xã trong diện đầu tư Chương trình 135 năm 2016 trên địa bàn tỉnh quy định tại Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 1.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ không thuộc xã đặc biệt khó khăn”.

Sau thời điểm này, một số địa phương trong tỉnh tạm dừng thực hiện chế độ theo Nghị định 116 để chờ hướng dẫn, có nơi tiến hành truy thu số tiền đã phát trước đó. Trong số nhóm đối tượng được hưởng chế độ, giáo viên là lực lượng đông đảo nhất.

Trong khi một số nơi chuẩn bị thu hồi hoặc đã thu hồi một phần thì một tờ báo tại TP Hồ Chí Minh lên tiếng phản ánh tâm tư của giáo viên và nhiều nhóm đối tượng khác. Việc truy thu dừng lại. Xét về khía cạnh pháp lý, việc cơ quan quản lý tiến hành truy thu cần được nhìn nhận đa chiều.

Trước hết, các cơ quan quản lý đã thực hiện không đúng quy định của Nhà nước, vì theo Quyết định 447 của Uỷ ban Dân tộc, Tây Ninh không có xã nào thuộc diện đặc biệt khó khăn (xã khu vực III). Thứ hai, việc truy thu, xét trên phương diện pháp lý, là một hành động “sửa sai” vì đã lỡ cấp chế độ. Như vậy, việc truy thu khoản tiền đã cấp là đúng, vì cấp sai đối tượng.

Quy định chế độ ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực dành cho vùng sâu vùng xa đã trải qua nhiều thời kỳ. Chính sách này được ban hành dựa trên nhiều yếu tố như địa hình chia cắt, đồi núi, rẻo cao, hải đảo, giao thông khó khăn, vùng đông đồng bào người dân tộc thiểu số, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.

Với vị trí địa lý, địa hình (bằng phẳng), không có đồi núi, giao thông thuận tiện, dân cư đa số là người dân tộc Kinh. Từ trung tâm tỉnh lỵ đến nơi xa nhất của tỉnh cũng chưa tới 100km, xe máy chạy khoảng 2 giờ đồng hồ.

Trong khi đó, nhiều tỉnh khác trong cả nước, để về đến trung tâm, những người công tác ở khu vực biên giới phải đi mất nhiều ngày đường. Qua đó cho thấy, trong nhiều thời kỳ, 20 xã biên giới của Tây Ninh được chế độ ưu tiên có thể không sai nhưng cũng không thật cần thiết.

VIỆT ĐÔNG