BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp:

Chậm xử lý 

Cập nhật ngày: 20/10/2018 - 05:40

BTN - Thời gian qua, tình trạng trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp đã được tỉnh quan tâm và chỉ đạo xử lý. Thế nhưng cho đến nay, việc xử lý những trường hợp vi phạm tại các địa phương vẫn còn khá chậm, trong đó có nguyên nhân chủ quan cần được khắc phục.

Người dân trồng lại cao su sau khi đã thanh lý cao su cũ (tại tiểu khu 54, ấp Ðồng Kèn 1, xã Tân Thành, huyện Tân Châu).

Còn hơn 1.300 ha chưa xử lý

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kết quả rà soát diện tích đất trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại hai khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc và khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho thấy diện tích chưa được xử lý là 1.320,3 ha. Trong đó, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng 1.229,5 ha; khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc 90,8 ha.

Ðể giải quyết dứt điểm, lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật về quản lý rừng và đất lâm nghiệp, ngày 10.7.2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1573/QÐ-UBND về kế hoạch xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc và khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phấn đấu hoàn thành dứt điểm trong năm 2018; thu hồi, chuyển toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đang trồng cây nông nghiệp trái quy định sang trồng lại rừng, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng theo quy hoạch. Trong đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ như: tổ chức tuyên truyền, giáo dục đến các đối tượng vi phạm hiểu rõ quy định của pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng để đối tượng vi phạm tự nguyện chấp hành di dời, huỷ bỏ cây nông nghiệp trồng trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp, chuyển sang hợp đồng nhận khoán trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng theo quy hoạch.

Củng cố, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ các đối tượng vi phạm để làm cơ sở cho công tác xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung xử lý đồng bộ, dứt điểm các trường hợp trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch trồng rừng để trồng rừng đúng mùa vụ, đồng thời tiếp tục xử lý tiếp các trường hợp còn lại.

Các Ban quản lý rừng cùng với chính quyền địa phương tổ chức quản lý đất đã xử lý, lập hồ sơ thiết kế, giao khoán trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng theo đúng quy hoạch, kế hoạch và quy định của pháp luật. Riêng đối với các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trùng trên đất lâm nghiệp, có hợp đồng, giấy xác nhận cho trồng cây không đúng mục đích, sai quy hoạch nằm ngoài diện tích nêu trên, khi UBND tỉnh cho chủ trương xử lý tài sản (cây trồng) trên đất, sẽ triển khai thực hiện.

Vào tháng 12.2017, Sở NN&PTNT có văn bản chỉ đạo UBND hai huyện Tân Biên, Tân Châu, Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Ban quản lý khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp.

Theo đó, các đơn vị phải hoàn chỉnh hồ sơ và phân loại theo các nhóm đối tượng vi phạm để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp và bảo đảm đúng quy định của pháp luật; xử lý dứt điểm các trường hợp trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch trồng rừng để trồng rừng đúng mùa vụ, đồng thời xử lý tiếp các trường hợp còn lại. “Xử lý đến đâu, các Ban Quản lý khu rừng phòng hộ, đặc dụng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND các xã trên địa bàn tổ chức quản lý đất đến đó, chống tái lấn chiếm; đồng thời có kế hoạch trồng, khôi phục lại rừng ngay, theo đúng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Ðối với các trường hợp đã có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền, nhưng đối tượng vi phạm không chấp hành, phải khẩn trương ban hành quyết định cưỡng chế theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, buộc đối tượng vi phạm phải chấp hành theo quy định”- văn bản trên nêu.

Có phải do cán bộ thiếu gương mẫu?

Theo Quyết định số 1573 của UBND tỉnh, đối với khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc, trường hợp 13 đối tượng đang trồng cây cao su, cây điều trên diện tích lâm nghiệp thuộc khu vực biên giới trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh cho chủ trương xử lý tương tự các trường hợp trồng cây lâu năm đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trùng trên đất lâm nghiệp.

Ðối với diện tích đang trồng cây mì, cao su (không thuộc trường hợp nêu trên), tại khu vực tiểu khu 8, khu vực quy hoạch cửa khẩu Xa Mát chồng lấn trong đất lâm nghiệp và khu vực 120 ha trảng dầu Tà Ben địa bàn xã Tân Lập, UBND huyện Tân Biên (đã chuyển giao cho Ban Quản lý khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc quản lý), tỉnh đề ra biện pháp giải quyết là vận động các đối tượng đang bao, lấn chiếm chuyển đất sang trồng rừng, ưu tiên cho các đối tượng này được hợp đồng nhận khoán trồng rừng với Ban Quản lý rừng, trường hợp không chấp hành thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Ban Quản lý khu rừng văn hoá  lịch sử Chàng Riệc, thực hiện xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp, diện tích phải xử lý trên địa bàn xã Tân Lập là 90,6 ha, gồm: khu vực biên giới tiểu khu 8, diện tích 70,4 ha với 15 hộ (11 hộ trồng rừng cao su, 2 hộ trồng mì, 2 hộ trồng điều); khu vực chồng lấn quy hoạch cửa khẩu Xa Mát tiểu khu 8 với diện tích 5,6 ha, gồm 4 hộ (2 hộ trồng mì, 2 hộ trồng cao su); khu vực 120 ha trảng dầu Tà Ben tiểu khu 1, diện tích 14,6 ha với 5 hộ (1 hộ trồng mì, 4 hộ trồng mía).

Ðể đẩy nhanh tiến độ xử lý, vào ngày 27.3.2018, UBND huyện Tân Biên có văn bản về việc tiếp tục xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại khu rừng VHLS Chàng Riệc. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Tổ công tác (về xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng VHLS Chàng Riệc) xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tại tiểu khu 1, tiểu khu 8 xã Tân Lập và diện tích bù đổi khu vực cứ 24, thời gian hoàn thành trong tháng 4.2018.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc xử lý vẫn không đạt được như tiến độ trên. Ban Quản lý khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc đã phối hợp với UBND xã Tân Lập, đồn biên phòng thống kê, đo đạc, lập biên bản hiện trạng, đo đếm cây cao su khu vực biên giới tiểu khu 8 và đang chờ chủ trương của UBND tỉnh.

Riêng khu vực chồng lấn quy hoạch BQL Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát tiểu khu 8 (5,6 ha) và khu vực 120 trảng dầu tiểu khu 1 (14,6 ha) vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại trong quá trình xử lý. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, Ban Quản lý rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc, UBND xã Tân Lập đã nhiều lần tổ chức họp để tuyên truyền, vận động các hộ vi phạm tự nguyện di dời, huỷ bỏ cây trồng nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp nhưng không đạt được kết quả cao.

Theo biên bản làm việc tại các cuộc họp của ngành chức năng với các hộ này, ông H.T.P (công tác tại Ðồn Biên phòng Mộc Bài) và ông T.T.C (công tác tại Ðồn Biên phòng Xa Mát) cho rằng, diện tích mà các ông đang sản xuất (khu vực 120 ha trảng dầu) nằm trong phạm vi 150m đường biên giới phải giữ nguyên hiện trạng, khi nào đường biên giới được phân định rõ ràng, đồng thời được sự cho phép của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thì các ông mới trồng rừng.

Còn ở khu vực chồng lấn quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, ông V.V.L và ông Ð.Q.N đều cho rằng, đất của ông sản xuất nông nghiệp từ trước đến nay không thấy ai nhắc nhở về việc trồng rừng. Do đó, hai ông không đồng ý trồng rừng. Các ông đề nghị làm rõ đất thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế hay của Ban Quản lý khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc; khi làm rõ vấn đề này, các ông sẽ chấp hành nếu được bảo đảm quyền lợi.

Còn bà P.T.H, có diện tích đất vi phạm 2 ha đang trồng mía (khu vực 120 ha trảng dầu Tà Ben) cho biết, khi nào các hộ vi phạm khác trồng rừng thì gia đình bà sẽ thực hiện theo.

Ðiều đáng nói là một số hộ đã chuyển nhượng đất lấn chiếm cho các hộ khác đứng tên tiếp tục canh tác. Trong cuộc họp với ngành chức năng (theo báo cáo của BQL khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc), ông H.T.P (công tác tại Ðồn Biên phòng Mộc Bài) cho rằng chưa có quy định nào cấm cán bộ, đảng viên sang nhượng QSDÐ lại cho người khác. Ông chấp hành chủ trương của Nhà nước, nhưng vì đất đã sang nhượng rồi nên ông không thể bắt buộc người nhận sang nhượng thực hiện trồng rừng được.

Theo BQL khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc, toàn bộ các hộ vi phạm đều cố tình né tránh, đặc biệt là 3 trường hợp sĩ quan bộ đội biên phòng thiếu gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật; cố tình trì hoãn kéo dài, chuyển nhượng đất lấn, chiếm, tạo điều kiện cho các hộ dân làm theo, từ đó gây rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm. Ðây là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ xử lý vi phạm theo kế hoạch của tỉnh và huyện.

Hơn nữa, công tác xử lý vi phạm thời gian qua trên địa bàn huyện Tân Biên chủ yếu là tuyên truyền, vận động, chưa thực hiện xử lý trường hợp vi phạm nào, do đó, tiến độ thực hiện chậm so với yêu cầu.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Tân Biên, tính đến nay, huyện chỉ mới giải quyết được 3 trường hợp đồng ý ký hợp đồng trồng rừng (3,6 ha).

GIANG HÀ - THANH NHI

(còn tiếp)