BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội

Cập nhật ngày: 03/02/2017 - 12:06

Xuân sang cũng là thời điểm cả nước bước vào cao điểm mùa lễ hội. Đời sống vật chất càng được nâng cao, hoạt động lễ hội càng được coi trọng. Đây được coi là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là dịp để người dân tìm hiểu lịch sử dân tộc, tưởng nhớ công ơn tiên tổ, tìm về văn hóa truyền thống… Tuy nhiên, những năm gần đây, sự gia tăng khó kiểm soát về quy mô, số lượng của lễ hội ở các địa phương đã khiến giá trị tốt đẹp của nhiều lễ hội bị mai một.

Hơn 8.000 lễ hội hằng năm được thống kê quả là con số quá lớn. Tính ra trung bình một ngày có hơn 20 lễ hội lớn nhỏ diễn ra, nhưng trên thực tế thường tập trung vào những tháng đầu xuân. Nhiều lễ hội được phục dựng theo kiểu nâng tầm quy mô, đưa thêm nhiều sự kiện, hoạt động nhưng vô tình lại làm lu mờ giá trị văn hóa.

Bởi thế, dù lễ hội nhiều, thu hút đông người, nhưng chẳng mấy ai hiểu được thần tích, không gian văn hóa hay giá trị riêng của từng lễ hội, dẫn tới những ứng xử lệch chuẩn làm suy giảm vẻ đẹp lễ hội. Không ít nơi, lễ hội được tổ chức vì mục đích thương mại, người tổ chức chỉ quan tâm đến việc thu hút bao nhiêu người đến dự, mang về doanh thu ra sao, thay vì tính đến hàm lượng văn hóa của lễ hội. Lối tư duy này phần nào dẫn đến phong trào tổ chức đủ kiểu lễ hội, từ làng, vùng, đến tỉnh. Lễ hội nhiều nhưng thiếu bản sắc, na ná nhau.

Trong khi đó, người tham gia thì mang theo tâm lý mua thần, bán thánh, xin xỏ, cầu may thay vì cầu bình an, sức khỏe. Thế nên mới có chuyện năm nào công tác tổ chức, tuyên truyền về lễ hội cũng được chấn chỉnh, rút kinh nghiệm nhưng tình trạng tranh giành, thậm chí ẩu đả để cướp lộc vẫn diễn ra; nạn chèo kéo, ép giá khiến nhiều du khách khó chịu; nạn đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, đặt hòm công đức sai quy định vẫn tiếp diễn…

Mùa lễ hội 2017 mới chỉ bắt đầu nhưng đã xuất hiện những hình ảnh chen lấn, giành giật để xin lộc làm hỗn loạn ở nhiều đền, chùa trong ngày khai hội…

Sự phai nhạt văn hóa truyền thống trong lễ hội ngày nay có nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc khoảng 20 năm trở lại đây, các địa phương đua nhau phục dựng lễ hội để tạo bản sắc riêng, nhưng nghiên cứu không kỹ, cho nên việc phục dựng không chuẩn. Thêm vào đó, công tác quản lý, tổ chức lễ hội chưa nghiêm, người dân cũng chưa có những hiểu biết đầy đủ khi thực hành lễ hội dẫn đến những biến tướng.

Lễ hội sinh ra từ cộng đồng và của cộng đồng, muốn giữ bản sắc, giá trị thì cần phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân. Nhưng không có nghĩa là thả nổi để muốn làm gì tùy ý. Lễ hội là di sản văn hóa của quá khứ, song không phải cái gì thuộc về quá khứ cũng còn giá trị cho hiện tại và tương lai. Vì thế, những hoạt động văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng, nếu không mang lại những giá trị nhân văn, khơi dậy tình yêu thương và truyền thống tốt đẹp, thậm chí còn cổ xúy bạo lực, gây lãng phí thời gian, tiền bạc thì nhất thiết phải chấn chỉnh, thậm chí loại bỏ.

Để lễ hội được trở về đúng với ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, đặc biệt cần đến vai trò của những người làm công tác quản lý, tổ chức lễ hội, nhất là những nhà nghiên cứu văn hóa. Có như vậy lễ hội mới phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, thúc đẩy kinh tế…

Nguồn Báo Nhân dân