BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chân dung mẹ

Cập nhật ngày: 21/10/2018 - 07:26

BTN - Tháng mười về, những ngọn gió đông phảng phất ngoài hiên. Đông về, cái lạnh cũng theo về. Nghĩ đến đây, tôi lại cảm thấy nhớ mẹ vô cùng, chỉ mong thời gian qua nhanh để được về quê thăm mẹ bên mái tranh nghèo mà ấm áp tình thương.

Mẹ tôi chỉ là bà mẹ quê suốt đời lam lũ. Một ngày của mẹ bắt đầu từ bốn, năm giờ sáng. Mẹ thức dậy, tranh thủ bắc nồi cơm lên bếp rồi quét dọn nhà cửa, hâm lại mẻ cá kho (muối nhiều hơn cá) hoặc thỉnh thoảng là chảo gà kho sả (sả nhiều hơn gà) đã làm sẵn từ chiều hôm qua. Khi chúng tôi thức giấc đã có cơm ăn no bụng đến trường. Mẹ thường ra đồng từ rất sớm, vậy mà trong nhà ngoài ngõ đều sạch sẽ tinh tươm.

Mấy năm trước đây khi biết tin tôi đậu vào đại học, mẹ mừng đến rơi nước mắt. Những giọt nước mắt hạnh phúc hiếm hoi trong đời mẹ. Tôi đi học cũng đồng nghĩa với bao nhiêu việc không tên đè nặng lên đôi vai gầy người mẹ già hơn so với số tuổi năm mươi của mình. Nhà tôi ở quê nhưng chỉ có vài công đất. Mẹ phải trồng thêm mớ rau, củ quả, chăn nuôi thêm gà vịt… Mẹ còn làm thuê nhiều việc khác, gói ghém lắm cũng chỉ đủ tiền nuôi chị em tôi ăn học.

Từ khi ba tôi qua đời sau cơn bệnh nặng, mẹ lại gánh thêm trách nhiệm làm cha nên trông mẹ càng thêm khắc khổ. Những ngày giáp hạt, mẹ thường thích ăn cơm cháy, hoặc ăn cơm trước khi chúng tôi đi học về. Một hôm, sau khi tan trường về nhà, tôi dọn cơm mời mẹ, mẹ bảo vừa ăn xong. Nhưng khi giở vung ra, thấy cơm còn nguyên, tôi hỏi: “Mẹ bảo ăn cơm rồi sao nồi cơm còn y nguyên? Mẹ chống chế: “Mẹ ăn cơm nguội”.

Mà nhà tôi làm gì có cơm nguội. Mỗi bữa sau khi chúng tôi ăn xong, còn miếng cơm cháy mẹ cũng ăn liền sau đó… Tôi ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào: “Sao mẹ lại thế? Sao mẹ cứ nhường phần cho chúng con trong khi mẹ phải chịu đói mà làm việc quần quật suốt ngày. Sức đâu mà chịu nổi?”

Có một buổi rau ế, mẹ cố ngồi nán lại ở chợ đến quá trưa để bán cho hết. Trên con lộ đất dẫn về nhà hơn hai cây số, có lẽ do đói bụng, trời nắng chang chang làm mẹ “say nắng” ngất xỉu giữa đường. Cũng may có người tốt bụng đưa mẹ vào bệnh viện. Đi học về, nghe tin, tôi nhanh chân đạp xe vào bệnh viện với mẹ.

Nhìn gương mặt nhợt nhạt với thân hình tiều tuỵ, gầy gò của mẹ chừng như dán sát trên chiếc giường nệm trải ra trắng bệt… lòng tôi đau như cắt. Bác sĩ bảo mẹ tôi bị suy nhược cơ thể, ngoài việc điều trị bằng thuốc còn phải ăn uống đủ chất mới mau lại sức. Bệnh này rất biếng ăn nên tốt nhất là làm các món ăn bệnh nhân thích nhất để việc ăn uống được dễ dàng hơn.

Nghe bác sĩ dặn, tôi không khóc mà những giọt nước mắt tủi thân cứ trào ra. Bởi nhà nghèo, tất cả mẹ đều dành cho các con. Làm sao tôi biết được món nào mẹ thích? Tôi cảm thấy ân hận vô cùng khi biết mình là kẻ vô tâm, không hiểu hết nỗi đau lòng mẹ. Có ở chốn thị thành mới biết cuộc sống ở quê thật bình dị, càng thương những bà mẹ quê phải chịu nhiều thiệt thòi. Như mẹ tôi, có bao giờ biết đến phấn son quần là áo lượt. Nếu có ai cho bộ quần áo đẹp, thường cũng chỉ cất vào rương gỗ. Khi nào có dịp dự đám tiệc mới đem ra mặc thì đã lỗi thời.

Tôi ra trường có việc làm, mẹ đỡ vất vả hơn. Sắp đến 20.10, bạn bè chung cơ quan thường bàn nhau sẽ mua quà tặng mẹ. Còn tôi, muốn tặng mẹ món gì cũng khó. Có lần tặng mẹ chiếc áo ấm bằng len, mẹ cứ ca cẩm: “Mới sống ở thành phố chưa bao lâu đã học đòi, chỉ tổ phí tiền…”. Mẹ chưa bao giờ biết chuyện đi mua sắm, du lịch hay đơn giản là đắp mặt nạ, sữa tắm, kem dưỡng da… Càng không nghĩ tới chuyện mình sẽ được tặng gì vào sinh nhật hoặc trong những ngày dành riêng cho phụ nữ.

Có lần do bận công tác, hơn tháng tôi mới về quê thăm mẹ. Mẹ ôm tôi vào lòng như thuở mới lên ba. Mẹ âu yếm gỡ những sợi tóc bết dính mồ hôi trên trán tôi rồi chậm rãi trách yêu: “Tưởng con quên mất đường về rồi!”

Mẹ ơi, làm sao con có thể quên được khi chân con còn đóng vảy phèn. Khi ký ức tuổi thơ còn nguyên vẹn trong tâm hồn với những bờ tre, con suối, cầu ao. Với những cánh cò cõng nắng trên đê, những bữa tắm sông, bắt bướm thả diều… Và hương ổi sẻ thơm lừng cùng với mê nón lá của mẹ. Mẹ ơi, cho dù có đi đâu, làm gì con cũng nhớ mình có một miền quê để tìm về. Nơi có mẹ ngày ngày dõi mắt chờ con.

NGUYÊN HẠ