BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chênh lệch địa tô vào túi ai?

Cập nhật ngày: 15/06/2017 - 16:42

Sáng 15-6 Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn xung quanh các vấn đề về Luật Đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài...

Câu hỏi “nhẹ nhàng”, nhưng trả lời nặng nề

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết có “câu hỏi rất nhẹ nhàng” gửi Bộ trưởng. Bà nói: “Đồng bằng Sông Cửu Long đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế. Nhưng vấn đề vận tải vẫn chưa được giải quyết tốt. Nhiều dự án hạ tầng, nhất là cao tốc Trung Lương – Cần Thơ chưa hoàn thành. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu”?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dí dỏm bình luận rằng, câu hỏi của nữ đại biểu tuy "nhẹ nhàng" nhưng để trả lời được thì rất "nặng nề".

Sau khi nhận được câu trả lời từ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ĐB Hoa Ry một lần nữa tha thiết mong đường cao tốc Trung Lương – Cần Thơ sớm được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải sẽ cùng làm rõ vấn đề này.

Cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn tại sao chi phí làm đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 2-4 lần các quốc gia khác nhưng chất lượng chưa tốt. Đường sắt cao tốc của Việt Nam cũng “đắt” gấp 2,5 lần của Thái Lan.

“Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm tỷ suất đầu tư các tuyến hạ tầng giao thông, giảm nhưng nâng cao chất lượng” – ĐB Nhường đặt vấn đề.

Được mời tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa nhận định, đường cao tốc đoạn Trung Lương - Cần Thơ "đúng là có nhiều thăng trầm".

Tuy đã được khởi công từ năm 2010 nhưng thiết kế có một số bất hợp lý, phải kiểm tra lại, làm lại. "Đến nay đã thống nhất về quy mô (mặt cắt 17m), chỉ còn vấn đề vốn. Ngân hàng Công Thương Việt Nam đang đàm phán thu xếp vốn, hy vọng cuối quý 2 xong", ông Trương Quang Nghĩa cho biết. 

Chênh lệch địa tô vào túi ai?

Nhìn nhận giá trị đất trong cổ phần hóa (CPH) DNNN là vấn đề rất lớn, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phản ánh, sau khi chuyển mục đích sử dụng đất thì phần chênh lệch địa tô này lại không chảy về túi Nhà nước.

Theo Bộ trưởng, khi cổ phần hóa, phần đất mà doanh nghiệp thuê của Nhà nước và trả tiền hằng năm không được tính vào giá trị tài sản khi định giá doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phần lợi ích này lại thuộc về doanh nghiệp, đây là một kẽ hở lớn, làm thất thoát ngân sách, nảy sinh nhiều tiêu cực.

Giải pháp, theo ông Nguyễn Chí Dũng, khi CPH thì phải rà soát kỹ vấn đề đất đai, công khai minh bạch quỹ đất để nhà đầu tư lựa chọn. Ông nói: “Nếu CPH mà chuyển mục đích sử dụng đất thì phải đem ra đấu giá lại, số tiền tăng thêm thuộc về nhà nước”.

Bộ trưởng đồng tình với nhận định của ĐB về việc “phải suy nghĩ cách để địa tô thuộc về nhà nước”. Đơn cử như khi mở đường thì sẽ giải phóng mặt bằng rộng hơn thực tế mặt đường, phần đất hai bên đường còn lại sau khi làm đường sẽ được đem đấu giá. Đấy là cách một số địa phương đã làm tốt, nên nhân rộng… 

Luật Đầu tư công đang đi ngược với tinh thần phân cấp mạnh

Đáp lời Bộ trưởng, ĐB Quyết Tâm “cảm ơn Bộ trưởng về mong muốn tạo thuận lợi cho các địa phương, nhưng quy định này nói về thẩm quyền, phải chính xác và thống nhất, không thể nơi nào làm thế nào cũng được, mỗi địa phương làm một cách. Đề nghị Bộ trưởng xem lại ý này”. Theo bà Quyết Tâm, phải rà lại chứ không đúng tinh thần mà người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư vừa khẳng định.

Luật Đầu tư công, hiện nay các thủ tục đang được thiết kế theo hướng “kéo “quyền về bộ, gây khó khăn cho các địa phương.

Tiếp tục đứng lên tái chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Thể cũng nói, ông “hoàn toàn đồng ý với ĐB Quyết Tâm”. Theo ông Nguyễn Văn Thể, Luật Đầu tư công đang đi ngược với tinh thần phân cấp mạnh, lẽ ra có luật thì đầu tư công phải nhanh gọn hơn, nhưng thực tế lại còn chậm hơn cũ. 

Trước đó, liên quan đến trình tự, thủ tục lập, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) tranh luận với người đứng đầu Bộ KHĐT. Theo bà Quyết Tâm, Luật Đầu tư công không giao Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền ủy quyền, nhưng tại Nghị định 136, Bộ lại tham mưu Chính phủ quy định HĐND có thể ủy quyền cho Thường trực HĐND phê duyệt một số loại dự án là có thể vi phạm Luật.

Các ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thẳng thắn "phê bình" rằng, Luật Đầu tư công và nghị định của Chính phủ, với nhiều thủ tục không hợp lý đã làm chậm, thậm chí trở thành "rào cản" cho việc thu hút đầu tư, đặc biệt là theo hình thức đối tác công - tư. "Bộ trưởng thấy trách nhiệm thế nào? Đâu là giải pháp căn cơ?”, ông Nguyễn Văn Thể chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, Luật Đầu tư công không nêu việc ủy quyền cho thường trực HĐND, nhưng trong hướng dẫn của Chính phủ có việc này là vì HĐND một năm chỉ họp 2 lần, mà quy định của luật là hoàn thiện danh mục đầu tư công trước 31-10 hàng năm, nên sẽ không hoàn thiện kịp nếu chờ họp HĐND. 

Luật Đầu tư công đang đi ngược với tinh thần phân cấp mạnh, lẽ ra có luật thì đầu tư công phải nhanh gọn hơn, nhưng thực tế lại còn chậm hơn cũ.

“Đề nghị hướng xử lý này chính là xuất phát từ các địa phương và Bộ đã tham mưu Chính phủ tháo gỡ khó khăn như vậy. Tôi cho rằng để HĐND quyết định là đúng luật, còn ủy quyền cho thường trực HĐND hay không là quyền của từng địa phương. Tinh thần của chúng tôi là tháo gỡ khó khăn cho địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. 

Tiếp tục trả lời câu hỏi được ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nêu ra từ chiều 14-6, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng công nhận, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nông nghiệp còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân: đất đai nhỏ lẻ manh mún, không thể áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật. Hạ tầng cơ sở nông thôn kém, chưa đủ hấp dẫn. Hệ quả là FDI vào nông nghiệp chỉ mới chiếm 0,9% tổng nguồn vốn đầu tư này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu nhiều giải pháp khắc phục, trong đó giải pháp đầu tiên được kể đến là mở rộng hạn điền. Kết nối, phối hợp với các tập đoàn lớn; đẩy mạnh đào tạo, sửa đổi bổ sung nghị định về hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng dành thêm ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục đầu tư…

Nếu cứ loay hoay ở giải pháp chung thì không có đột phá.

Tranh luận về vấn đề này, ĐB Trần Hoàng Ngân nói: “Tôi đồng tình phần lớn giải pháp của Bộ trưởng, nhưng nếu cứ loay hoay ở giải pháp chung thì cũng không có đột phá. Tôi cho hạn điền không phải quan trọng nhất, mà quan trọng nhất là yêu cầu xây dựng chuỗi giá trị, xây dựng quan hệ hợp tác giữa các nông hộ; ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp”.

Trả lời câu hỏi của ĐB Kim Thúy về trách nhiệm của các bộ ngành đối với dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng cho biết, “không có khái niệm “dự án trọng điểm” mà chỉ có dự án quan trọng quốc gia. Cho nên chúng tôi phải nói rõ về khái niệm này và các quy định của pháp luật  liên quan”.

Chưa hài lòng, nữ ĐB chất vấn lại: “Tôi cho rằng Bộ trưởng trả lời chưa đạt yêu cầu. Bộ trưởng cam kết gì để khắc phục hạn chế”?

Nguồn SGGPO