Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chiêu lừa yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng 

Cập nhật ngày: 10/08/2018 - 07:06

BTN - Thời gian qua, trên địa bàn Tây Ninh, một số đối tượng xấu sử dụng nhiều hình thức tinh vi để lừa đảo người dân chiếm đoạt tiền- trong đó có hình thức giả danh công an yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt.

Số điện thoại zalo và hình đại diện của đối tượng lừa đảo.

Sáng 8.8.2018, anh N.T.T, nhân viên văn phòng của một cơ quan trên địa bàn tỉnh, nhận được cú điện thoại của một phụ nữ, xưng là nhân viên của VNPT, ở phường 14, quận 10, TP.Hồ Chí Minh.

Người phụ nữ này thông báo cho anh T biết, vào lúc 14 giờ 20 ngày 20.5.2018, anh T có đăng ký dịch vụ của VNPT, đến nay số tiền nợ lên đến 8.930.000 đồng mà chưa thanh toán.

Anh T hết sức bất ngờ và giải thích rằng anh không đăng ký dịch vụ nào cả. Tuy nhiên, người này vẫn quả quyết anh T đã đăng ký, và cho rằng, nếu anh T không đăng ký, có lẽ do bọn tội phạm lừa đảo đăng ký.

Vì vậy, anh T cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng để họ xử lý. Sau đó, người phụ nữ nói, sẽ kết nối điện thoại anh T với số điện thoại đường dây nóng của Công an TP.HCM để anh T “báo án”.

Lệnh giả bắt tạm giam anh T.

Sau tiếng tút tút chuyển máy, anh T nghe đầu dây điện thoại bên kia giọng một người đàn ông, xưng tên là Phạm Viết Hùng, công tác tại Đội 6, phụ trách điều tra tội phạm của Công an TP.HCM.

Sau khi anh T trình bày lại sự việc như “cô nhân viên VNPT” nói, xác định anh chỉ là nạn nhân của bọn lừa đảo, người tên Hùng chỉ cho anh T hai cách “báo án”. Một là, anh T phải xuống trực tiếp tại cơ quan điều tra ở số... đường Trần Hưng Đạo, TP.HCM. Hai là, anh T “báo án” qua điện thoại. Người tên Hùng yêu cầu anh T báo qua điện thoại, phải trình bày rõ ràng để “điều tra viên” ghi âm lại nội dung.

Sau khi anh T đồng ý, Hùng gọi lại cho anh T bằng số điện thoại 0028113... đồng thời “căn dặn” anh không được nói cho ai biết về vụ việc để tránh “lộ bí mật”, khó điều tra. Người tên Hùng cũng hỏi xem, nếu chỉ có một mình anh T trong phòng, “điều tra viên” sẽ gọi lại để anh T trình bày. Trường hợp có người khác vào phòng, anh T phải báo ngay cho họ biết. Anh T đồng ý.

Khoảng một phút sau, người tên Hùng gọi lại cho anh T bằng zalo, ảnh đại diện trên zalo ghi là “Ca Tphcm”. Người tên Hùng yêu cầu anh T cung cấp địa chỉ, số CMND... để tạo niềm tin.

Sau đó, Hùng để điện thoại đang kết nối cho anh T nghe cuộc nói chuyện bằng “bộ đàm” của Hùng với cấp trên theo kiểu “02 yêu cầu 01” cung cấp thông tin về người mang tên N.T.T có số CMND...  thường trú ở Tây Ninh.

Sau khoảng 2 phút, “01 báo cho 02 (Hùng)” biết là anh T đang là đối tượng “liên quan đến một đường dây mua bán ma tuý, trốn thuế, rửa tiền xuyên quốc gia”, Hùng yêu cầu anh T cung cấp tài khoản và “cùng phối hợp điều tra”.

Bất ngờ, cơ quan anh T có người vào, anh T thông báo cho Hùng biết, Hùng yêu cầu anh T tắt máy, đi qua phòng khác không có người để tiếp tục làm việc với “điều tra viên”.

Thấy anh T có biểu hiện lạ, người đồng nghiệp gặng hỏi, anh T kể lại toàn bộ sự việc. Lúc này, đồng nghiệp anh T cho biết: “Họ đang lừa em. Em không nên cung cấp tài khoản”. Chờ lâu không thấy anh T liên lạc, Hùng điện thoại đe doạ anh T: “Anh muốn bị bắt hay muốn công an cứu?”. Anh T không trả lời.

Lúc này, “điều tra viên” chuyển qua zalo anh T “Lệnh bắt tạm giam” của “Viện KSND tối cao TP.Hồ Chí Minh” có đóng dấu mộc đỏ, trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, địa chỉ của anh T. Anh T hết sức hoang mang... Sau khi được đồng nghiệp giải thích và khuyên bảo, anh T không thực hiện theo yêu cầu của “điều tra viên”.

Mọi người hãy hết sức cảnh giác khi bị rơi vào trường hợp tương tự.

HƯƠNG GIANG


Liên kết hữu ích