BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính phủ triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 

Cập nhật ngày: 28/12/2017 - 19:55

BTNO - Trong 2 ngày 28-29.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Đây được xem là cuộc họp Chính phủ lần đầu tiên đón Tổng Bí thư đến dự.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh tham dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trung ương- Ảnh VGP.

Thực hiện phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề tại sao tái cơ cấu kinh tế chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra; nhiều hạn chế, bất cập, yếu kém trong lĩnh vực kinh tế - xã hội chậm được cải thiện.

Thủ tướng nhận định, vấn đề mấu chốt vẫn là con người thực hiện. Muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém, trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu cách làm việc của bộ máy, tái tạo văn hóa học hỏi, tinh thần cởi mở, năng lực sáng tạo và trách nhiệm cá nhân.

Phải tái tạo môi trường làm việc, cải thiện môi trường thể chế để phát huy những cán bộ có năng lực tốt, tư duy tốt, kiến tạo lại niềm tin, sự tâm huyết vào thể chế, vào chế độ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2018 và hướng tới 2021, cả nước cần tận dụng đà phát triển của 2017 và thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra cho năm tới và cả nhiệm kỳ.

“Tinh thần này sẽ được thể hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 trình ra hội nghị hôm nay, đó là: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Năm 2017: Có gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới

Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, trong năm 2017, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Về kinh tế, tăng trưởng GDP đạt 6,81%. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng trên 2,3% so với dự toán và tăng trên 13% so với năm 2016; bội chi 3,42% GDP (Quốc hội thông qua là 3,5% GDP). Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD…

Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ cho biết xuất khẩu năm 2017 ước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,1%. Trong đó hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%; vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị- Ảnh VGP.

Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký tăng 45,4% và gần 26.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Về văn hóa- xã hội, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ; tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu người; đưa trên 128 ngàn người đi lao động ở nước ngoài. An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,9%, tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu người…

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trọng tâm chỉ đạo điều hành và nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành như sau:

Một là, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hai là, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Ba là, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Bốn là, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Tại phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện 242 công việc cụ thể.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham dự hội nghị.

Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại những dấu ấn đạt được trên 3 lĩnh vực nổi bật: kinh tế-xã hội; đối ngoại, quốc phòng, an ninh; xây dựng chỉnh đốn đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí quan liêu, tiêu cực.

Qua đó, Tổng Bí thư đã phân tích các nguyên nhân có được những kết quả trên và những khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước.

Về phương hướng năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra những vấn đề như: phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII. Nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và triển khai quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu trong thời gian tới.

Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ. Các chủ thể của các thành phần kinh tế bình đẳng hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo quy định của pháp luật.

Quan tâm hơn nữa đến phát triển có hiệu quả văn hóa, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Tập trung thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, ưu tiên phát triển vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiếu số, vùng bị thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

Tổng Bí thư đề nghị, hội nghị cần thảo luận kỹ, thấu đáo, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về tình hình, bài học kinh nghiệm, nhất là những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để đề ra kế hoạch, các nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2018 một cách đúng đắn, chính xác, sát thực với thực tiễn, có tính khả thi cao nhất.

Chiều cùng ngày, hội nghị tiếp tục với các nội dung như báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; báo cáo về công tác rà soát, tháo gỡ vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0…

Trúc Ly