Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chọn nhầm cán bộ là tai họa 

Cập nhật ngày: 25/05/2020 - 14:45

“Chọn những người không trúng, không đúng, không đủ bản lĩnh thực sự, không đủ tin cậy nhiều khi là tai họa”

“Công tác cán bộ có nhiều khâu, nhưng khâu quan trọng nhất là đánh giá đúng bản chất của cán bộ, để từ đó bố trí, sắp xếp đúng chỗ”, ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên về công tác nhân sự cho Đại hội XIII.

Hội nghị Trung ương 12 diễn ra từ ngày 11-14/5 tại Hà Nội.

“Đánh giá không chính xác nên đưa lên là hỏng”

PV: Qua theo dõi Hội nghị Trung ương 12 cũng như những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự cho khóa XIII thời gian qua, ông nhận thấy có điểm gì mới?

Ông Ngô Văn Sửu: Vấn đề nhân sự đại hội nào cũng đề cập đến và đó là công việc quan trọng nhất của đại hội. Vấn đề nhân sự mà làm tốt thì đại hội thành công, sau đó tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội sẽ có nhiều kết quả tốt, thắng lợi; làm không tốt, sơ suất, thậm chí sai lầm sẽ rất nguy hiểm. 

Nhận thức đó không phải đến bây giờ mới có, trước nay vẫn như thế, nhưng nhận thức của Đảng và lãnh đạo Đảng qua một quá trình ngày càng sâu sắc, chính xác và đúng đắn hơn. 

Tương tự, vấn đề đức - tài của cán bộ không phải bây giờ chúng ta mới nhắc đến mà từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến rồi. Tuy nhiên, nhận thức đức - tài của cán bộ cũng phải qua một quá trình chứ không dễ dàng, có lúc nặng về đức, có lúc nặng về tài. Quá trình nhận thức để có một đội ngũ cán bộ cho nhân sự các cấp cũng là một quá trình nhận thức dần từng bước. 

Đến đại hội này, quá trình nhận thức đó đã sâu sắc và thực tiễn hơn. Rõ ràng ở đại hội 12, việc bố trí cán bộ vào Trung ương đã có những sai lầm, hậu quả là gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, thực tiễn đó cho thấy Đảng cần phải có nhìn nhận, xem xét lại để đánh giá thật chuẩn xác.

Ông Ngô Văn Sửu.

PV: Những tiêu chuẩn đối với Ủy viên Trung ương khóa XIII theo ông đã toàn diện và đầy đủ chưa?

Ông Ngô Văn Sửu: Ở Hội nghị Trung ương 12 vừa rồi có nói về tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương, theo tôi như thế là được, đủ và cũng nhiều, nhưng bước quan trọng là đánh giá thế nào để chọn được đúng người tài - đức thật sự. 

Công tác cán bộ có nhiều khâu, nhưng khâu quan trọng nhất là đánh giá, phải đánh giá sao cho đúng bản chất của cán bộ đó mới là vấn đề khó, để từ đó mới có thể bố trí, sắp xếp đúng chỗ. Lâu nay chúng ta vẫn có những tiêu chuẩn chung nhưng khi đánh giá cụ thể có khi không chuẩn nên mới có sai sót.

Tôi cho rằng, cơ cấu chỉ là thứ yếu, quan trọng phải đáp ứng được tiêu chuẩn, có ngành không cần phải trong cơ cấu hay không chọn được người đủ tiêu chuẩn ở ngành hay địa phương đó thì cũng nên cho qua, không nhất thiết phải có. Theo tôi đó là tư tưởng đổi mới rất tốt. Trước hết ưu tiên những người đủ tài, đủ đức, đáp ứng được các tiêu chuẩn để bố trí vào cơ cấu Đại hội XIII, đừng để bố trí sai, cực kỳ nguy hiểm, nhất là giai đoạn hiện nay.

Đánh giá cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp khá phức tạp, thường là các vị trong cấp ủy, nhưng liệu rằng chỉ cấp ủy đánh giá thôi đã chính xác chưa, khoa học chưa, theo tôi vẫn chưa chắc. Không phải cán bộ nào cũng có thể đánh giá đúng cán bộ trong phạm vi mình quản lý, do đó chúng ta mới thấy nhiều sai lầm trong quá khứ, đánh giá không chính xác mà đưa lên là hỏng. 

Lên một bước nữa là qua Ban Tổ chức Trung ương tới Ban nhân sự Đại hội, Ban này cũng phải có trách nhiệm lựa chọn sao cho chuẩn xác để đưa vào nhân sự Đại hội. Theo tôi, phải có nhiều tầng nấc đánh giá mới chọn được người tài.

Phải thực lòng lấy ý kiến dân

PV: Ở Đại hội lần này, Đảng ta có nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội trong vai trò “tai mắt” của Đảng. Ông có kỳ vọng gì?

Ông Ngô Văn Sửu: Đại hội lần này cũng nhấn mạnh ngoài hệ thống tổ chức đánh giá cán bộ, còn có vai trò của nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội đánh giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là khâu yếu lâu nay. Việc lấy ý kiến người dân dường như chỉ mang tính hình thức, chưa thực lòng; xuống khu phố hỏi có khi chỉ hỏi cho biết. Để người dân thực tâm đóng góp ý kiến, nói ra những suy nghĩ của mình tùy thuộc vào người đi lấy ý kiến. 

Tôi cho rằng, đánh giá cán bộ cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tiêu chuẩn cán bộ nói đức - tài cho gọn thôi chứ cần phải hết sức cụ thể, đánh giá cả một quá trình: nhiệm kỳ trước làm gì, bản chất ra sao, hoàn thành nhiệm vụ thế nào, trình độ năng lực đến đâu, thậm chí phải “soi” tận gốc rễ từ khi vào Đảng, gia đình ra sao, đối xử với gia đình, làng xóm thế nào, rồi nhà cửa, đất đai, tài sản… có như thế mới đánh giá được toàn diện. 

Hay đánh giá cái tài của cán bộ cũng thế, tài và đức của cán bộ giai đoạn này phải quyện làm một, thành bản lĩnh cách mạng. Cái tài nhiều khi đánh giá theo bằng cấp từ những năm 60, học chuyên môn gì đó, trở thành cử nhân, suốt từ đó đến giờ không học thêm được gì, trình độ đến thế, thì chưa chắc đã tài thật sự. Nhiều khi nhìn vào bằng cấp mà đánh giá cũng dẫn tới sai lầm. Cái tài của anh chỉ ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chứ chưa chắc về mặt khoa học xã hội, hay kiến thức về chính trị, luật pháp… 

Cái tài của cán bộ hiện nay, nhất là cán bộ Trung ương, phải rất toàn diện, chứ không chỉ vẻn vẹn là tiến sĩ hay phó giáo sư. Hay anh là tiến sĩ, phó giáo sư có danh vị đó, đề tài nghiên cứu thế nào, đóng góp được gì, giá trị đề tài ở tầm cỡ nào; trình độ ngoại ngữ nghe nói được không, hay học vài lớp A, B, C cho đủ giấy tờ, bằng cấp… 

Đánh giá cái tài của cán bộ là phải toàn diện như vậy, ở trình độ cao ấy mới có quyết sách cho đúng đắn, chứ chỉ nhìn nhận đơn giản, sơ sài thì không đánh giá hết được.

Đại hội lần này cũng như những Đại hội trước đây ngày càng nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ, sai lầm sẽ như Tổng Bí thư nói là nguy hại đến sự tồn vong của chế độ. Mình chọn những người không trúng, không đúng, không đủ bản lĩnh thực sự, không đủ tin cậy nhiều khi là tai họa. 

Sự chuẩn bị cho Đại hội XIII, tôi cho như thế là được, chúng ta còn Hội nghị Trung ương 13, thậm chí còn 2 Hội nghị nữa, tiêu chuẩn được nâng lên từng bước như thế là tốt rồi nhưng tôi vẫn phải nhấn mạnh lại là việc làm cụ thể mới là quan trọng, còn lý luận như thế là được, tiêu chuẩn như thế là chi tiết, đầy đủ rồi, nhưng làm sao để tìm được những người như thế mới là điều đáng nói.

PV: Ông có nói đến việc chúng ta đưa ra những lý luận về tiêu chuẩn cán bộ cấp cao như vậy là đủ rồi, giờ cần cụ thể. Vậy bằng những kinh nghiệm làm việc trong cơ quan Kiểm tra Trung ương, theo ông nhận diện "cán bộ cơ hội" như thế nào?

Ông Ngô Văn Sửu: Người cơ hội có 3 tiêu chí, thứ nhất là rất giỏi ngụy biện, đằng nào cũng nói được. Nhưng để xác định đối tượng cơ hội không phải chuyện dễ, họ rất khôn ngoan, luồn lách, bằng mọi cách để có thể đạt được việc của mình nên dễ nhầm loại người này. Thế nên Tổng Bí thư mới nói “trông đỏ tưởng là chín”. 

Qua thực tế công việc của mình, tôi nhận thấy rằng cán bộ sợ nhất, nguy hiểm nhất là anh cơ hội, bên ngoài không chống đối, thậm chí kiểm điểm thì rất hay, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng, với chủ nghĩa Mác Lênin, với đất nước, lợi ích của nhân dân. 

Thứ hai, phải xem họ có nguyên tắc không hay bất luận nguyên tắc. Khi có lợi cho mình thì họ ủng hộ, không có lợi là gạt bỏ, tìm cách thoái thác. Cho nên không có gì lạ khi lấy phiếu tín nhiệm, không muốn đưa ra bàn luận mà lấy bằng phiếu, nhiều khi chết dở. Người ta thấy ông này hay hay, thân cận là bỏ phiếu thôi. Việc bỏ phiếu không phải cứ số đông, đa số là tốt, là đúng, phải nhìn nhận thấm thía như thế.

Một chi bộ mà toàn tiêu cực thì người chân chính là thiểu số, bị loại ngay, nếu không tinh tường sẽ không phát hiện được. Người có nguyên tắc họ sẽ bảo vệ cái đúng. Nên mới có những cán bộ không dám đấu tranh, trên bảo sao nghe thế, nhiều khi trong lòng không muốn thế, nhưng để lấy lòng thủ trưởng vẫn cứ làm. Nhiều nơi nhầm như thế. Còn người thẳng thắn, cương trực, thủ trưởng nói đúng họ mới  nghe, không đúng có khi phản ứng lại.

Dấu hiệu thứ ba của người cơ hội là hành động thực dụng, bất luận trong hoàn cảnh nào, làm việc gì, bằng hành động cụ thể mà thấy lợi ích của mình trong đó là họ làm. Lợi ích nhóm là thế. Cách đây mấy chục năm, ngành Kiểm tra cũng đã phát hiện vấn đề này.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nguồn VOV.VN