Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ phản ánh người dân:

Chủ lò gạch đổ đất lấn rạch, chính quyền chậm xử lý

Cập nhật ngày: 11/10/2016 - 03:12

Người dân cho rằng con rạch bị lấn gần 4 mét.

Anh H.T.T (39 tuổi, ngụ ấp Trường Huệ, xã Trường Tây) cho biết, lò gạch Hiệp Hoà Lợi, chuyên sản xuất gạch các loại từ đất sét nung, đã tự ý cho đổ đất lấn con rạch gần 4 mét, làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập cục bộ. Sau những cơn mưa lớn, nước không kịp thoát, anh buộc phải nạo vét để thoát nước. Tuy nhiên khi mưa lớn, nước vẫn không thoát kịp, gây ngập.

Còn theo phản ánh của anh N.H.D (31 tuổi, cùng ngụ ấp Trường Huệ), lò gạch Hiệp Hoà Lợi lấn chiếm rạch hơn 6 tháng nhưng không thấy chính quyền địa phương hay ngành chức năng kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, một người dân có đổ đất dôi dư chưa đến 1 mét lấn ra rạch thì lại bị ngành chức năng lập biên bản, yêu cầu khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu.

Ông Cao Tô Be– chủ lò gạch Hiệp Hoà Lợi cho rằng, giữa tháng 8.2016, ông có đổ 50 xe đất trên diện tích khoảng 0,1 ha để nới rộng lò gạch. Tuy nhiên, do mưa nhiều nên đất sạt lở, lấn con rạch khoảng 2 mét. Ông Be dự định cho xe móc đất, nạo vét lại đoạn sạt lở khoảng 30 mét ven rạch,  nhưng chưa kịp thực hiện.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Liên- Phó Chủ tịch UBND xã Trường Tây cho biết, cơ sở sản xuất Hiệp Hoà Lợi có đổ đất lấn rạch khoảng 1,5 mét. Đầu tháng 10.2016, UBND xã đến kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục trả lại hệ thống rạch như hiện trạng ban đầu.

Được biết, con rạch bị lấn chiếm kể trên thuộc nhánh sông Vàm Cỏ Đông, có điểm đầu ngay cầu Rạch Rễ Trên (hiện đang bị tắc nghẽn do rác thải người dân đổ bừa bãi), điểm cuối là nhánh cầu Rạch Rễ Giữa (có chiều dài khoảng 500 mét). Theo một số người dân, trước đây nhánh rạch này có chiều rộng từ 5 đến 6 mét, là nhánh rạch chính thoát nước ra sông Vàm Cỏ Đông cho hàng chục hộ gia đình và hơn 100 ha đất nông nghiệp của người dân xung quanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây con rạch bị một số người dân và các doanh nghiệp đổ đất lấn chiếm, có đoạn chỉ còn chưa đến 2 mét và phủ đầy cỏ dại nên không thể thoát nước được.

Người dân mong muốn ngành chức năng về tài nguyên môi trường sớm kiểm tra, xử lý.

SÔNG NINH - PHẠM TÂN