BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa 

Cập nhật ngày: 12/05/2018 - 06:21

BTNO - Ngày 11.5, ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa chủ trì, cùng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN công trình thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trước mùa mưa lũ năm 2018.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tham dự có Chi cục Phòng chống Thiên tai khu vực miền Nam cùng lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa, cuối mùa mưa năm 2017, công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa luôn phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Công trình thường xuyên cấp nước tưới trực tiếp cho khoảng 98.000 ha đất nông nghiệp (trong đó tỉnh Tây Ninh 75.000 ha; TP.HCM 12.000 ha, tỉnh Long An 11.000 ha), tạo nguồn nước cho vùng hạ du sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông hơn 10.140 ha.

Công trình cũng cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp 41,4m3/s, đồng thời cắt giảm lũ, cải thiện môi trường và chất lượng nước vùng hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông; kết hợp phát được 20,5 MW điện, sử dụng diện tích mặt nước và đất bán ngập để phát triển du lịch sinh thái, trồng rừng bán ngập, nuôi trồng thủy sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, trang trại điện mặt trời.

Đoàn đại biểu kiểm tra tại đập xả tràn.

Tuy nhiên, qua quá trình vận hành, hiện tại các công trình đầu mối như đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống dẫn dòng, kênh tiêu sau đập phụ, kênh chính Đông, chính Tây và kênh chính Đức Hòa, hệ thống SCADA, nhà trạm quản lý xuống cấp, nhiều đoạn hư hỏng, bong tróc, han gỉ, rò rỉ nước… cần sửa chữa, nâng cấp, thay thế mới một số hạng mục theo quy trình nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình trong mùa mưa lũ năm 2018.

Tại hội nghị, đại diện Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa đề nghị các tỉnh, thành hỗ trợ nguồn kinh phí 5,25 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ và mua sắm dụng cụ, thiết bị phòng chống thiên tai trong mùa mưa sắp tới; các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước xem xét việc cấp phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, không để ảnh hưởng đến công trình và gây ô nhiễm nguồn nước.

Lưu vực hồ Dầu Tiếng hiện có rất nhiều hoạt động của các cơ sở sản xuất, nhà máy mì, cao su, trang trại chăn nuôi… đều xả nguồn nước thải vào hồ. Bên cạnh đó là tình hình canh tác sản xuất nông nghiệp, chăn thả gia súc trên đất bán ngập, nuôi cá lồng bè, đánh bắt thuỷ sản trên hồ… Tất cả các hoạt động kinh tế trên đều tác động trực tiếp đến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, gây khó khăn trong công tác quản lý hồ.

Kết luận hội nghị, ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB&TKCN công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa đề nghị UBND TP.HCM và Bộ NN&PTNT tiếp tục làm việc với Bộ TN&MT sớm điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai phù hợp với điều kiện vận hành của hồ Dầu Tiếng, đảm bảo tích, cấp đủ nước.

Đập xả tràn thuộc hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa.

Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa tiếp tục quan trắc, cập nhật tình hình khí tượng thủy văn để xây dựng kế hoạch vận hành hồ trong mùa mưa, lũ năm 2018. Thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình trong mọi tình huống, đặc biệt là công trình đầu mối.

Thực hiện tốt phương án vận hành, phòng lũ đảm bảo an toàn công trình hạ du với phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do bão, lũ gây ra trong mùa mưa lũ 2018.

Trưởng ban Chỉ huy PCLB&TKCN công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa cũng đề nghị các tỉnh, thành tích cực ủng hộ kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ công trình, mua sắm trang thiết bị phòng chống thiên tai, bão lũ.

Tâm Giang