BAOTAYNINH.VN trên Google News

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:

Chưa có nhiều giải pháp hiệu quả để vận động nguồn lực ngoài ngân sách 

Cập nhật ngày: 21/10/2019 - 12:49

BTN - Theo UBND tỉnh, sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), bên cạnh nhiều thành tựu được ghi nhận, Tây Ninh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ðó là tình trạng sản xuất nông nghiệp phát triển thiếu quy hoạch, chưa ổn định, còn chịu nhiều yếu tố rủi ro.

Một số cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn triển khai thực hiện còn chậm. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm. Chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn chưa cao. Quan hệ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế. Ðáng chú ý là kinh tế tập thể phát triển chậm.

Một tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Châu Thành (ảnh minh hoạ).

Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Hạ tầng giao thông, y tế, văn hoá, giáo dục... một số khu vực vẫn còn khó khăn. Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch. Công tác quản lý và sử dụng đất đai đạt hiệu quả không cao. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa tạo sự chuyển biến về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về mục tiêu ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Công tác triển khai chương trình trong thời gian đầu (năm 2011-2012) còn lúng túng ở cả 3 cấp; thiếu giải pháp cụ thể hằng năm; chậm hoàn thành việc lập quy hoạch, đề án NTM; chất lượng quy hoạch còn nhiều mặt hạn chế. Một số ngành chưa quan tâm đúng mức việc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc để tháo gỡ vướng mắc của cấp xã.

Thời gian qua, quy hoạch xây dựng xã NTM chưa tạo sự đột phá rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội của các xã. Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng xã NTM còn chậm. Một số địa phương chưa chú trọng việc tổ chức thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, vì vậy, chuyển biến thu nhập của người dân còn chậm.

Vốn đầu tư xây dựng NTM chủ yếu vẫn là từ ngân sách Nhà nước, bởi nguồn lực huy động từ doanh nghiệp và nhân dân tại các huyện, thành phố còn thấp. Một số công trình hạ tầng đã được đầu tư chưa phát huy hết công năng (bưu điện, trung tâm văn hoá - thể thao và học tập cộng đồng, nhà văn hoá ấp), hoặc được đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 đã xuống cấp nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với đô thị hoá chưa đồng bộ. Hạ tầng giao thông nông thôn được quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng theo chuẩn NTM của cấp xã, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đô thị. Xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp là nhiệm vụ quan trọng nhưng hầu hết các xã mới chỉ quan tâm đến thu gom rác thải, chưa đầu tư cải tạo môi trường, cảnh quan nông thôn.

Ðáng chú ý là hiện nay vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách riêng, đặc thù cho xây dựng NTM (ngoại trừ cơ chế phân bổ vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội xã NTM theo Quyết định số 34/2016/QÐ-UBND; cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị định số 161/2016/NÐ-CP)- nhất là về phát triển sản xuất, hỗ trợ (vật tư) trong xây dựng hạ tầng... 

Theo UBND tỉnh, một trong những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế là việc kiện toàn bộ máy giúp việc ban chỉ đạo các cấp (Văn phòng điều phối các Chương trình MTQG cấp tỉnh, huyện và bố trí công chức cấp xã chuyên trách) được thực hiện chậm. Ðến năm 2019, bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp vẫn chưa được định hình thống nhất, thiếu chuyên nghiệp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham mưu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền một số địa phương còn xem cơ cấu lại nông nghiệp là nhiệm vụ của ngành chuyên môn nên thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Các xã còn lúng túng trong việc xác định khối lượng, nội dung điều chỉnh quy hoạch xây dựng xã NTM- nhất là quy hoạch NTM gắn với cơ cấu lại nông nghiệp.

Ðồng thời, các huyện, thành phố chưa triển khai tập trung, chủ động trong quá trình thực hiện. Tại các xã không được chọn là xã điểm, công tác kiểm tra, đôn đốc của cấp huyện chưa được thường xuyên, không được ưu tiên vốn nên các huyện, xã chưa chủ động vận động vốn. Các địa phương chưa có nhiều mô hình, giải pháp có hiệu quả để vận động nguồn lực ngoài ngân sách ở cơ sở.

HOÀNG THI