BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu chuyện cuối tuần

Chưa đáng để tự hào

Cập nhật ngày: 28/09/2018 - 16:13

BTN - Những đỉnh núi dù đẹp như tiên cảnh bồng lai, chỉ cần vài đoàn “phượt thủ” leo lên tới là bụi trần (rác) liền ô nhiễm… Ðó là chưa kể đến vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, nước ngập tại các đô thị và tai nạn giao thông hằng ngày, hằng giờ chực chờ trên các tuyến đường du lịch.

- Ngày này năm ngoái, tui còn vi vu ở Ðài Loan. Mau quá, mới đó mà đã một năm!

- Công nhận, ông có trí nhớ tuyệt vời, dù sắp bước sang ngưỡng “cổ lai hi”…

- Làm gì có trí nhớ tốt thế! Facebook hắn nhắc đấy! Mà hắn nhắc đúng vào cái Ngày Du lịch thế giới (27.9) mới khiến mình nôn nao xao xuyến trong người, lại muốn đi du lịch nữa.

- Ông là người có tinh thần du lịch, vậy ông có thường xuyên theo dõi tình hình du lịch của nước nhà không? Thí dụ những thông tin sau đây: Tháng 8.2017, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch; đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới từ đầu năm 2017 và theo số liệu Tổng cục Du lịch công bố hồi đầu tháng 9.2018 này, “lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8.2018 ước đạt 1.323.546 lượt, tăng 11,3% so với tháng 7.2018 và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 8 tháng năm 2018 ước đạt 10.403.893 lượt khách, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2017”. Có thể coi đó là “những con số biết nói” và “đáng tự hào” được không ông?

- Mừng thì mừng đấy, nhưng chưa đáng để tự hào đâu ông.

- Tại sao vậy?

- So sánh với 2 nước Ðông Nam Á Thái Lan và Singapore thôi, thì “đẳng cấp” tổ chức du lịch quốc gia - quốc tế ta còn thua xa họ lắm. Về tài nguyên du lịch, nguồn đa dạng sinh học từ tài nguyên thiên nhiên, biển đảo… hai nước ấy không hơn (thậm chí có thể nói là thua xa) Việt Nam, ấy vậy mà tổng kết năm 2017, lượng khách quốc tế đến thăm Việt Nam chỉ hơn 13 triệu lượt, trong cùng thời gian đó, Singapore đón 17,4 triệu lượt và Thái Lan đón hơn 35 triệu lượt khách quốc tế tới thăm. Chính phủ Thái Lan còn đặt mục tiêu thu hút 37 triệu lượt du khách quốc tế và đạt doanh thu 94 tỷ USD toàn ngành du lịch trong năm nay. “Những con số biết nói” trên nói rằng: còn lâu ta mới đuổi kịp họ ông ạ.

- Theo ông vì đâu, chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch nước ta thua kém bạn?

- Chung quy cũng do yếu tố con người, từ nhà tổ chức quản lý đến người thực hiện, trong đó có người dân. Vì quản lý khai thác tài nguyên du lịch không giỏi mà đa số sản phẩm du lịch của ta còn nghèo nàn, đơn điệu. Nạn khai thác tài nguyên du lịch bừa bãi kiểu “ăn xổi ở thì”, bãi biển cắt nát vụn ra để làm resort; những bãi tắm hoang sơ trên các đảo xanh sạch đẹp là thế, chỉ cần khai thác một vài tháng là rác ngập rồi.

Những đỉnh núi dù đẹp như tiên cảnh bồng lai, chỉ cần vài đoàn “phượt thủ” leo lên tới là bụi trần (rác) liền ô nhiễm… Ðó là chưa kể đến vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, nước ngập tại các đô thị và tai nạn giao thông hằng ngày, hằng giờ chực chờ trên các tuyến đường du lịch.

- Tui bổ sung thêm: Nạn “chặt chém”, móc túi, trấn lột, lừa đảo, thối tiền bằng tiền âm phủ, bán thuốc trị bệnh giá “cắt cổ”, bán hàng “dỏm” cho khách du lịch nước ngoài… đã để lại những ấn tượng xấu, rất xấu về đất nước, con người Việt Nam trong lòng du khách quốc tế.

- Vâng, chính vì vậy mà nhiều du khách đã thề “một đi không trở lại” Việt Nam. Cho nên, tui khẳng định một lần nữa, những số liệu trên “chưa đáng để tự hào” đâu! Còn phải phấn đấu nhiều nữa. Phải tổ chức, cơ cấu lại ngành Du lịch và xã hội hoá hoạt động du lịch một cách bài bản, căn cơ, thì nền công nghiệp không khói này ở Việt Nam mới bền vững được, ông ạ.

THIÊN HẠ