Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 

Cập nhật ngày: 17/02/2019 - 22:48

BTN - Từ chỗ trường nào cũng tổ chức tuyển sinh bằng thi tuyển, hiện nay, căn cứ tình hình thực tế, có trường tổ chức thi tuyển, có trường tổ chức thi kết hợp với xét tuyển và cũng có nhiều trường chỉ tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.

Thí sinh dự thi vào lớp 10.

Mới đây, trên một số báo có đăng bài viết đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Thay cho thi tuyển, chỉ cần tổ chức tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển hồ sơ (kết quả học ở cấp THCS). Một trong những luận cứ để các ý kiến đề xuất bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là cách nay hơn 10 năm, kỳ thi tốt nghiệp THCS đã được bãi bỏ. Thi tốt nghiệp còn bỏ được, không có lý gì vẫn duy trì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

 

Trao đổi về đề xuất trên, một vị cán bộ làm công tác khảo thí ở Tây Ninh bày tỏ quan điểm, việc tuyển sinh vào lớp 10 đã và đang tiếp tục có những điều chỉnh. Từ chỗ trường nào cũng tổ chức tuyển sinh bằng thi tuyển, hiện nay, căn cứ tình hình thực tế, có trường tổ chức thi tuyển, có trường tổ chức thi kết hợp với xét tuyển và cũng có nhiều trường chỉ tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.

Theo ý kiến này, việc duy trì kỳ thi tuyển sinh vào 10 hiện vẫn cần thiết bởi nhiều lý do khác nhau. Trước tiên, theo nguyên tắc chung, đã học là phải thi, còn cách thức kỳ thi như thế nào cho khoa học là câu chuyện khác. Nếu bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thay vào đó là xét tuyển, không phải không làm được nhưng cũng có những bất cập. Những trường có tiếng tăm thường được thí sinh chọn để học, do số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh, nên tổ chức thi tuyển để tuyển chọn là cách làm khoa học hơn so với xét tuyển.

Vẫn theo vị cán bộ phụ trách thi cử, việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10 còn có một ý nghĩa khác, đó là nâng cao trách nhiệm, ý thức của việc dạy và học tại chính các trường tuyển sinh bằng thi tuyển. Vị này phân tích, những trường có đông học sinh chọn học thường được nhìn nhận là chất lượng dạy và học cao hơn các đơn vị khác, dù còn có những tồn tại, bất cập nhưng đó là thực tế. Đối với cấp trung học cơ sở, việc duy trì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng thể hiện được chất lượng dạy và học tại đơn vị, trường nào có đông học sinh đăng ký thi tuyển vào lớp 10, trường đó được nhìn nhận, đánh giá cao hơn về chất lượng.

Nếu bỏ thi tuyển, chuyển hoàn toàn sang xét tuyển theo hộ khẩu, điều này có thực hiện được không? Trả lời câu hỏi này, một vị đang giữ cương vị phó trưởng phòng giáo dục đã “cực lực bác bỏ”. “Theo quy định hiện hành, học sinh được chọn học bất kỳ trường nào, miễn là các em thoả mãn được các điều kiện cụ thể. Đối với học sinh lớp 9, sau khi được xét công nhận tốt nghiệp, các em hoàn toàn có quyền đăng ký thi tuyển hoặc xét tuyển vào bất kỳ trường nào các em thấy mình có cơ hội.

Do vậy, đối với việc tuyển sinh vào lớp 10, không thể căn cứ vào hộ khẩu”- vị phó phòng giáo dục phân tích. Người này nói tiếp, học sinh ở khu vực nông thôn hoàn toàn có quyền thi tuyển vào học ở những trường thuộc khu vực đô thị, nếu các em tin tưởng vào học lực của mình. Ví dụ, ngay ở trường trung học phổ thông chuyên, nơi được hiểu là tuyển chọn những học sinh có năng khiếu, vẫn có nhiều em ở khu vực nông thôn theo học.

Trong khi đó, một vị phó trưởng phòng khác lại nhìn nhận, việc duy trì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đối với một số trường có lượng hồ sơ đăng ký dự thi cao để lọc ra những thí sinh có kết quả thi cao nhất, là cần thiết. Tuy nhiên, theo vị này, việc cho phép tuyển sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như thi tuyển, thi kết hợp với xét hoặc chỉ xét tuyển nhìn qua có vẻ sát thực tế nhưng lại không bảo đảm tính công bằng. Lý do, chương trình học, đối tượng học, đối tượng tuyển sinh, mục đích tuyển sinh hoàn toàn như nhau, vậy, tại sao hình thức tuyển sinh vào lớp 10 lại khác nhau?

Nhân tiện bàn về bỏ hay không bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, vị này nêu kiến nghị: các cấp quản lý Nhà nước về giáo dục nghiên cứu xem có nên cho phép học sinh lớp 9 vào học (bổ túc văn hoá) ở các trung tâm giáo dục thường xuyên nữa hay không. Theo vị này, hệ thống trường trung học phổ thông hoàn toàn đáp ứng cho tất cả học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở.

Những em nào thấy học lực của mình khá, giỏi thì đăng ký thi tuyển, còn lại đăng ký tuyển sinh vào các trường bằng cách xét tuyển. Theo quy chế hiện hành, kỳ thi THPT quốc gia không phân biệt học sinh khối giáo dục phổ thông với khối giáo dục thường xuyên. Việc tổ chức dạy học, học lực của hai nhóm đối tượng này khác nhau nhưng khi thi lại thi đề chung.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia của học sinh khối giáo dục thường xuyên luôn thấp, thậm chí rất thấp so với học sinh khối phổ thông. Vị lãnh đạo kiến nghị, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện không nên tuyển sinh, đào tạo các môn văn hoá dành cho học sinh phổ thông, thay vào đó, trung tâm cần tập trung cho mảng dạy nghề.

Đề xuất bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thực ra không phải quá mới. Từ nhiều năm trước, trong ngành Giáo dục có nhiều kiến nghị thay thi tuyển bằng xét tuyển. Thực tế, hiện nay, nhiều địa phương đã dần chuyển từ thi tuyển đơn thuần sang kết hợp với xét tuyển hoặc chỉ xét tuyển, không tổ chức thi. Như vậy, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 đã trở nên linh hoạt hơn.

Đối với ý kiến cho rằng, vì đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS nên cần bỏ luôn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là một lập luận thiếu cơ sở, tính thuyết phục không cao.

Trước hết, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS là vì cấp học này đã được phổ cập giáo dục. Khi một cấp học nào đó đã được phổ cập, việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp không còn cần thiết nữa. Trước khi bỏ thi tốt nghiệp ở cấp THCS, Nhà nước đã bỏ thi tốt nghiệp đối với cấp tiểu học, vì cấp học này hoàn thành phổ cập giáo dục.

Thứ hai, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, dù không phải không có những bất cập nhưng vẫn cần thiết phải tổ chức thi, vì cấp học này chưa được phổ cập giáo dục. Với những trường có số lượng thí sinh đăng ký cao hơn chỉ tiêu được giao thì thi tuyển là phương thức bảo đảm tính khách quan, công bằng hơn so với xét tuyển. Tổ chức thi tuyển một cách thật nghiêm túc chính là thước đo về chất lượng dạy và học.

Ngay tại Tây Ninh, cứ sau mỗi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, vào trường chuyên, rất nhiều thí sinh bị điểm liệt, dù học lực ở cấp trung học cơ sở được xếp loại khá, giỏi. Thiết nghĩ, đến một giai đoạn nào đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ được bãi bỏ vì không còn cần thiết nữa, nhưng hiện nay chưa phải thời điểm để làm việc đó.

VIỆT ĐÔNG


Liên kết hữu ích