Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khiếu nại giá thuê mặt bằng tại Trung tâm Thương mại Long Hoa:

Chưa tìm được tiếng nói chung

Cập nhật ngày: 12/12/2016 - 04:16

BQL dự án BOT TTTM Long Hoa thông báo quyết định giảm giá của Giám đốc công ty.

Vừa qua, Báo Tây Ninh đăng bài “Trung tâm thương mại Long Hoa: giá thuê mặt bằng quá cao”, phản ánh những bức xúc của các tiểu thương TTTM Long Hoa về việc Công ty cổ phần Xây dựng & Phát triển đô thị (gọi tắt là Công ty) Tây Ninh nâng giá thuê mặt bằng sạp, ki-ốt lên quá cao khi ký hợp đồng giai đoạn 2014 – 2016, trong khi hiện nay, tiểu thương buôn bán ế ẩm. Nguyên nhân của tình trạng trên do nhiều yếu tố, trong đó có việc chợ xây dựng chưa hoàn thiện, tình trạng ô nhiễm môi trường, điều kiện kinh doanh không thuận lợi do có nhiều nhân tố mới cạnh tranh. Tuy nhiên, Công ty vẫn kiên quyết không xem xét giảm giá, ra thông báo, nếu hết hợp đồng không thuê lại thì sẽ “hỗ trợ dọn hàng” để niêm phong sạp.

Bức xúc trước cách xử sự này, tiểu thương tiếp tục phản ứng, mong muốn được đối thoại “tay ba”. Vì vậy, vào ngày 5.12.2016, tại hội trường UBND huyện Hoà Thành đã diễn ra buổi đối thoại giữa đại diện Công ty, đại diện UBND huyện và 53 hộ kinh doanh. Một tiểu thương cho biết, tại buổi đối thoại này, đại diện các hộ kinh doanh đã trình bày những bức xúc của mình. Các tiểu thương cho rằng, việc “làm giá” thuê mặt bằng của công ty trong từng giai đoạn chưa hợp tình, hợp lý, còn  mang tính áp đặt, đẩy khó khăn về phía họ. Vì vậy, tiểu thương đề nghị công ty tính giá thuê sạp, ki-ốt giai đoạn 2016 – 2018, phải căn cứ giá thuê sạp giai đoạn 2014 – 2018, giảm 30%. Tuy nhiên, công ty không đồng ý.

Sáng 10.12, Ban quản lý BOT TTTM Long Hoa mời các tiểu thương đến thông báo quyết định của Giám đốc Công ty về chính sách giảm giá thuê mặt bằng sạp/ki-ốt. Theo đó, ngày 9.12, ông Nguyễn Tấn Thông– Giám đốc Công ty ký Công văn số 114-CV-Cty về việc “Hỗ trợ chi phí lãi suất trả góp nhằm giảm giá hợp đồng cho các hộ kinh doanh tại TTTM Long Hoa” gửi các tiểu thương với nội dung như sau:

Tại buổi đối thoại (ngày 5.12), các hộ kinh doanh xin được giảm giá tiền thuê mặt bằng giai đoạn 2016-2018. Ban Giám đốc Công ty đưa 3 nội dung giải quyết như sau:

Trường hợp 1: các sạp/ki-ốt đã hết hạn hợp đồng thuê vào ngày 31.10.2016 và thực hiện việc tái ký hợp đồng thuê giai đoạn 2 năm (2016-2018) theo quy chế cho thuê sạp/ki-ốt TTTM Long Hoa giai đoạn 2015-2018, Công ty thống nhất điều chỉnh hỗ trợ chi phí lãi suất trả góp bằng cách giảm 10% giá thuê sạp/ki-ốt so với bảng công bố giá đã niêm yết vào ngày 16.10.2016.

Trường hợp 2: các sạp/ki-ốt đã ký hợp đồng thuê giai đoạn 4 năm (2014-2018) theo phương thức trả góp, công ty hỗ trợ chi phí lãi suất trả góp bằng cách giảm 10% giá thuê sạp/ki-ốt đã thực hiện ký hợp đồng cho thuê 2 năm trả góp còn lại (2016-2018).

Trường hợp 3: các sạp/ki-ốt đã ký hợp đồng thuê giai đoạn 4 năm (2014-2018) theo phương thức trả một lần, công ty hỗ trợ giảm 2% trên giá thuê sạp/ki-ốt đã thực hiện ký hợp đồng cho thuê 2 năm trả góp còn lại (2016-2018).

Tuy nhiên, hầu hết các tiểu thương cho rằng, công ty chưa xem xét giải quyết đơn xin giảm giá của các tiểu thương đề ngày 5.8.2016. Cụ thể, các tiểu thương đề nghị được giảm giá 30%, theo giá năm 2014. Đại diện các tiểu thương, bà Lưu Thị Mai đề nghị Công ty xem xét “quy chế làm lại giá” của Công ty thực chất có bảo đảm, hài hoà quyền lợi giữa các tiểu thương và Công ty hay chưa?

Trao đổi với Báo Tây Ninh, các tiểu thương cho biết, trong những lần ký hợp đồng thuê sạp trước đây, rất nhiều điều khoản trong hợp đồng mà phía Công ty CPXD&PTĐT đưa ra rất bất lợi cho bà con, như: “Các bên cùng thống nhất ký kết hợp đồng dựa vào khả năng cho thuê sạp”, “hết thời hạn cho thuê sạp, bên B (hộ kinh doanh – NV) sẽ được quyền ưu tiên ký hợp đồng thuê tiếp tục”, “thời gian hợp đồng tiếp theo do công ty quy định và giá thuê sẽ được tính theo giá tại thời điểm năm đăng ký ký kết hợp đồng”. Vì vậy, các tiểu thương cho rằng, họ hoàn toàn bị động, lệ thuộc và bất lợi trước đối tác làm ăn của mình. Các tiểu thương có thể bị đuổi ngay ra khỏi chợ, nếu hết hợp đồng mà không ký lại.

Những lo lắng trên của các tiểu thương là hoàn toàn có cơ sở. Được biết, khi ký hợp đồng thực hiện dự án BOT giữa đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với Công ty, UBND huyện Hoà Thành có trách nhiệm “giám sát việc thu phí sử dụng công trình BOT”. Thiết nghĩ, UBND huyện cần là “cầu nối” để các hộ kinh doanh và Công ty Tây Ninh tìm được tiếng nói chung.

Bức xúc của tiểu thương TTTM Long Hoa sẽ được giải quyết như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc trên các số báo sau.

SÔNG NINH - ĐỨC TIẾN