BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chúng ta có cô đơn trong vũ trụ không? 

Cập nhật ngày: 18/10/2018 - 19:28

Chúng ta có hoàn toàn cô đơn trong vũ trụ, hay liệu có tồn tại những nền văn minh khác bên ngoài Trái Đất? Đây là những câu hỏi được lý giải xuyên suốt trong cuốn sách Bầu trời tuổi thơ của của Giáo sư- nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu vừa ra mắt độc giả nhí.


Mỗi trang sách mở ra một thế giới kiến thức rộng lớn về vũ trụ.

Bầu trời tuổi thơ lý giải dưới góc nhìn khoa học về tự nhiên đối với vũ trụ. Theo tác giả những sự kiện xảy ra trên bầu trời đều có thể tác động đến môi trường và đời sống của nhân loại. Vẻ đẹp của bầu trời luôn gợi cảm hứng khám phá cho bất kì ai, ở bất kì lứa tuổi nào. Có gì trên nền trời đầy sao lấp lánh? Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì tinh tú ảnh hưởng gì đến con người?

Hơn 140 trang khổ lớn, tập trung lí giải sự hình thành của Vũ trụ và những vấn đề cơ bản của khoa học thiên văn. Mong mỏi của ông là truyền tải những kiến thức khoa học, qua chân dung những vì sao và thiên thể xa xôi. Lồng ghép trong các trang kiến thức là hệ thống ảnh minh họa đặc sắc những bức ảnh màu do chính tác giả dày công tuyển chọn; đem đến cảm nhận phong phú, rộng mở về những điều kì diệu trong Vũ trụ.

Giáo sư - Nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu (sinh năm 1932, hiện định cư tại Pháp) đã được quốc tế biết đến qua những công trình nghiên cứu vật lí thiên văn hàng đầu, có uy tín và giá trị cao. Năm 1973, ông vinh dự nhận Giải thưởng Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Không chỉ đạt thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, ông còn là nhà khoa học say mê viết sách phổ biến kiến thức thiên văn, bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Là nhà khoa học, nhưng với tác phẩm có ý nghĩa phổ biến tri thức, Giáo sư Nguyễn Quang Riệu thể hiện câu chữ rất trong sáng, dễ hiểu, tạo sự đồng cảm và thu hút người đọc.

Trong Bầu trời tuổi thơ tác giả còn đề cập đến các vấn đề có tính thời sự đang được tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn như: Khí thải công nghiệp, Hiệu ứng nhà kính, Khí hậu trái Đất… Ông cũng đưa ra các cảnh báo ngăn chặn ô nhiễm môi trường, vạch rõ xu hướng phát triển của khoa học thiên văn trong thời đại mới.

Nguồn SGGPO