BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện cũ ở cầu Quan 

Cập nhật ngày: 22/05/2017 - 18:45

BTNO - Ngày nay, ai có dịp đi trên tỉnh lộ 787A, đoạn từ địa phận xã An Hoà, huyện Trảng Bàng qua Khu công nghiệp Thành Thành Công đến xã Lộc Giang thuộc huyện Đức Hoà, tỉnh Long An đều đi qua cầu Quan. Đây là chiếc cầu bê tông cốt thép vững chắc, bắc qua dòng rạch Trảng Bàng. Hằng ngày, xe cộ qua lại cầu tấp nập, có cả xe tải và xe công nhân vào ra khu công nghiệp.

Cầu Quan xưa, nay chỉ còn lại trong ký ức người dân xã An Hoà.

Cầu Quan có từ lâu lắm rồi. Trước kia, thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nó chỉ là một chiếc cầu sắt lênh khênh. Phía trên cầu có giàn rớ kềm khung sắt hai bên thành cầu.

Theo một bậc cao niên ở địa phương kể lại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân đội Sài Gòn cho làm hai cái bót ở hai bên đầu cầu Quan, tại đây luôn có một trung đội lính dân vệ trú đóng. Trên nóc cầu có một cái “lồng cu” (tháp canh) để quan sát từ xa.

Hằng ngày, từ sáng sớm đến chiều tối, chúng phân công lính túc trực trên lồng cu. Hồi đó, cánh đồng bưng An Hoà, mỗi năm làm có một vụ lúa mùa. Tháng tư, tháng năm âm lịch, khi trời bắt đầu đổ mưa là nông dân ra đồng dọn ruộng, cấy lúa. Để giảm bớt chi phí trong sản xuất và công việc được nhanh hơn, nhất là khâu cấy lúa, một số nông dân lập tổ vần đổi công, đi cấy qua lại cho nhau.

Năm ấy, cũng vào mùa cấy, lúc xế chiều có một tốp nông dân trong tổ vần đổi công lom khom cấy lúa trên cánh đồng An Hoà. Trong lúc bà con đang bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm sống, bọn lính nguỵ ở bót cầu Quan, cách đó chưa đầy một cây số, ngồi không rửng mỡ, thú tính nổi lên. Chúng cá độ thi tài bắn súng với nhau để mua vui.

Và mục tiêu để bắn của chúng chính là một người trong tốp cấy lúa trên đồng. Nghe nói, phần thưởng cá độ của chúng chỉ là một gói thuốc lá thơm nhãn hiệu thịnh hành lúc đó. Bị chúng biến thành tấm bia ngắm bắn cho chúng hôm ấy là một người đàn ông ở trần đang lom khom phía trước những người khác trong tốp công cấy. Thế rồi, súng nổ, người đàn ông ngã xuống ruộng, kêu la thảm thiết.

Bọn lính ở cầu Quan hí hửng vỗ tay, vui mừng vì bắn trúng mục tiêu. Nhưng có lẽ nhờ trời thương, nạn nhân thoát chết trong gang tấc, vì viên đạn của kẻ sát nhân chỉ xuyên qua đùi ông. Trong lúc nhóm công cấy đang hốt hoảng và khẩn trương tìm cách đưa người bị thương đi cấp cứu bọn lính gian ác ở bót cầu Quan vẫn ung dung phì phèo thuốc lá, mừng “thắng độ” .

Ông bà ta đã dạy “ác giả ác báo” (làm điều ác sẽ gặp ác) quả chính xác với trường hợp tên lính nguỵ dám đánh đổi mạng sống con người lấy một gói thuốc lá thơm như đã kể trên. Với bản tính hiếu chiến, tàn ác cộng với sự dốt nát, tên lính ấy cuối cùng đã phải đền mạng. Mà cái chết của hắn thật thảm hại.

Câu chuyện được kể tiếp rằng: sau khi nhắm bắn người nông dân vô tội, vài ngày sau, tên lính ác ôn ấy được phân công lên trực lồng cu. Cùng trực với hắn hôm đó còn có một người lính khác. Trong lúc cả hai đang ngồi trên lồng cu, tên lính ác ôn lấy trái lựu đạn ra tò mò ngắm nghía, rồi còn táy máy tay chân nghịch dại. Thấy nguy hiểm, anh lính trực chung liền can ngăn nhưng gã kia không nghe. Hoảng quá, anh này nhanh chân ra thang, tuột khỏi lồng cu. Còn lại một mình với trái lựu đạn trên tay, không rõ gã hí hoáy thế nào mà trái lựu đạn nổ tung, một mình hắn hứng trọn…

T.L