BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện ở xóm Bình An

Cập nhật ngày: 29/03/2020 - 15:50

BTN - Má Hai trằn trọc không thể nào chợp mắt. Tuổi già khó ngủ cũng là một phần. Má thao thức vì thằng Tú, con trai của má. Má nghĩ tới nghĩ lui coi có lý nào để bào chữa cho con. Má Hai chờ Tú từ đầu mùa củ lùn, khoảng chớm đầu tháng mười một đến gần hết tháng ba âm lịch.

Tú không về, má vẫn chờ, chờ mãi. Đầu vụ má nhất quyết không bán củ lùn vườn nhà vì có ý để dành cho thằng con. Mãi cho đến gần cuối vụ, má phải kêu người bán bớt.

Má chừa lại hai liếp củ cho thằng Tú về có cái để ăn rồi đem lên Sài Gòn tặng cho bạn bè. Chờ mãi cuối cùng cũng đành phải dỡ lên đem bán. Má biết chờ là chờ vậy thôi chứ thằng Tú chắc còn lâu lắm mới dám về lại xóm này.

*

Má sinh ra thằng Tú ở độ tuổi quá nửa đời người, trước đó má trải qua ba lần mừng rồi tê tái buồn, thất vọng. Mãi đến lần thứ tư, má thấy trong người khác lạ nhưng niềm vui không dám thể hiện cho mọi người biết như những lần trước, chỉ rón rén vui trong lòng.

Đó cũng là lần sinh nở cuối cùng. Vì khi sinh con tuổi đã cao nên má nâng niu thằng con như báu vật. Tình mẹ dành cho con của má cũng như những người mẹ hiếm muộn khác. Đứa con luôn là thiên thần trong mắt mẹ.

Nghĩ đến thằng con, má chắt chiu dành dụm từng đồng để con có thể học hành. Bà không nói ra nhưng chí đã quyết. Thằng con phải học tới nơi tới chốn. Chỉ có học mới có thể đưa nó đến những chân trời rộng mở với bao điều mới lạ. Không như nơi này đường chân trời cũng chỉ là đường phân định giữa màu xanh da trời vời vợi với màu xanh bao la của những cánh đồng bạt ngàn lúa, bạt ngàn khoai.

“Thằng mất dạy” - người ta chửi thằng con của bà.

Chửi ngay trước mặt bà không kiêng dè mà cũng chỉ có bà nghe vì thằng con trốn biệt.

Má Hai thắt lòng. Phải chi người ta chửi bà, nguyền rủa bà, có lẽ bà sẽ đỡ tủi hơn rất nhiều. Thằng con trai bà thương yêu hết mực, chưa bao giờ quát mắng hay roi vọt.

Bà tin những gì xuất phát tận tấm lòng thì sẽ được đón nhận. Bà biết trẻ con luôn nhìn vào người lớn làm tấm gương phản chiếu. Mỗi hành động, lời nói, cử chỉ của người lớn sẽ như bút mực hằn trên trang giấy trắng không thể nào xoá được.

Chính vì vậy, bà luôn cố gắng để ý từng lời nói, cử chỉ của mình. Bà đã uốn nắn rèn giũa con trai từ lúc vừa lên ba. Dạy từ cách nói phải dạ ở đầu câu khi nói chuyện cùng người lớn; dạy cả nết ăn, nết ở “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Vậy mà giờ người ta kêu nó là thằng mất dạy. Má cúi mặt trong lòng rưng rức thương tổn.

Má ngồi bên bếp lửa. Nồi củ lùn sôi ục ục trên bếp. Mùi củ lùn vừa chín tới dậy hương lá dứa má hái ngoài vườn rửa sạch cột thành lọn bỏ vào nồi nấu cùng. Lát nữa má gửi xe đem xuống Sài Gòn cho thằng con. Nhà đã hết củ lùn, má phải qua nhà hàng xóm mua.

Tự tay dỡ từng gốc. Đang cuối mùa khô, đất cằn cỗi, nhát cuốc chạm đất cứng đanh dội lên, toé lửa. Vật vã mãi mới đào được một gốc. Búi củ đầy rễ và đất. Bà nhặt nhạnh từng củ tránh bỏ sót lại mang tội với người trồng. Chắt chiu tỉ mẩn rửa từng củ nhỏ xíu nấu chín, rồi lựa những củ no tròn gửi đi. Nghĩ tội nghiệp thằng con lầm lỡ đến nỗi không dám về thăm quê, thăm mẹ.

Mấy bữa rày trái gió trở trời bà thấy đau lưng. Ngoài vườn vẫn còn ngổn ngang trói củ chưa trồng. Bà cũng mang tâm sự ngổn ngang trăm mối. Lại nghĩ đến thằng con. Giờ này đang làm gì ở Sài Gòn. Gần bốn mươi tuổi đầu rồi mà vẫn còn dại dột.

Con ơi!

Sao mấy nay má gọi con không bắt máy.

Con có lỗi thì phải đối mặt một lần để sửa sai, con tính trốn tránh đến bao giờ?

Má rầu thằng con gây ra bao nhiêu sóng gió trong con hẻm mang tên Bình An. Không biết ai đã làm cái biển nhỏ có ba chữ “Hẻm Bình An” treo đầu hẻm. Người trong xóm thấy tên cũng hay, đúng tâm tư họ nên không thắc mắc gì. Con hẻm từ đó mang mong ước của mọi người trong hẻm đó.

Cái hẻm nhỏ xe hơi không thể đi vào, chẳng ồn ào đông đúc. Người dân đa số sống bằng nghề nông, những lúc nông nhàn quay qua làm đủ thứ công việc khác để tìm kế sinh nhai và lo cho con cái học hành.

Má Hai cũng vậy. Dạo còn khoẻ, cuối tháng hai, đầu tháng ba khi chưa vào vụ lúa, củ lùn đang mùa, bà đào củ lùn để bán, lớp nấu củ để bán, lớp bán củ còn sống để bà con mua về nấu ăn. Tưởng là không bao nhiêu mà “năng nhặt chặt bị” cũng đủ tiền mua cho con ít tập, vở, có khi còn đủ đóng cả tiền trường.

Nhưng xóm Bình An không còn bình an nữa mà đã dậy sóng. Người làm ra cớ sự đó chính là thằng con trai độc nhất của bà.

Má Hai vẫn còn nhớ như in. Giá củ lùn đầu vụ thật cao. Người ta đến mua rất đông. Nhưng chỉ được ít hôm rồi chựng lại. Không còn ai đến mua nữa. Bà con trong xóm đào củ lên, nấu đem ra chợ bán nhưng cũng không nhiều người mua như mọi năm. Mọi người chưng hửng không hiểu vì sao.

Cô Năm xót thành quả thu hoạch được sau gần một năm trời, nấu củ lùn đạp xe đi bán chợ xa. Tình hình vẫn không khả quan hơn. Có những bữa phải đem củ lùn về chia cho cả xóm ăn. Củ lùn vẫn ngon như bao mùa, củ chưa già ngọt, giòn. Củ đã già bùi, xốp do có nhiều tinh bột.

Vị củ lùn rất đặc biệt, bột nhiều nhưng không bị khô như củ môn hay củ lang. Vị ngọt của củ cũng chỉ là chút dư vị thoảng qua, không quá ngọt như khoai lang lại không bị sượng như một số củ mì.

Cô Năm nói nghe người ở thị trấn kháo nhau rằng củ lùn dạo này không an toàn vì người ta xài phân bón và xịt thuốc trừ sâu.

Thằng Tú về thăm nhà giải toả tình hình ế ẩm như cơn mưa rào cứu cánh đồng đang hạn, mặn. Tú thu mua hết những củ lùn thu hoạch trong vụ. Bà con cũng bán giá thật thấp cho Tú vì nghĩ có để lại cũng đâu có người mua. Hơn nữa, cây củ lùn này không nặng vốn đầu tư.

Má Hai vui vì thằng con của mình biết yêu thương bà con làng xóm. Việc làm của nó làm má hãnh diện. Ừ, thì con mình không có là ông cống, ông nghè, nhưng biết sống vì mọi người, biết đem đến điều tốt lành cho cộng đồng. Người biết chia sẻ, cảm thông với mọi người không thể nào là người xấu. Không thành công nhưng thành nhân là bà mãn nguyện lắm rồi.

- Tôi xin nhận hết những sai sót của thằng con tôi. Con dại cái mang. Có tức giận buồn phiền gì xin cứ trút hết lên tôi.

Má Hai muốn khóc nhưng hai mắt đanh lại. Giá mà má có thể khóc. Khóc không phải vì để được rủ lòng thương mà xá tội của thằng con. Những tâm sự chất chứa trong lòng người mẹ quá đầy. Nước mắt cứ chực chờ rơi. Vậy mà không khóc được. Chỉ khi đêm về, đèn đã tắt, nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp, nước mắt bà chảy tràn trên hai gò má nhăn nheo như mưa chảy qua thớ đất ruộng nứt nẻ.

Nhưng nước mắt không thể như nước mưa làm dịu đi lớp đất cằn. Nước mắt không giúp bà xoa dịu đi nỗi buồn. Bà phải đối diện cùng thằng con mang nặng đẻ đau, dày công nuôi dưỡng. Bà chưa bao giờ nghĩ sau này già đi sẽ trông cậy vào con. Bà chỉ có một mong muốn là con nên người mà cũng khó vậy sao.

Má đón chuyến xe tốc hành tức tốc xuống Sài Gòn gặp Tú.

Tú nhìn má. Đôi mắt má sưng húp, thâm quầng.

“Con đã sai. Dù lý do gì đi nữa cũng là sai. Không ai lại đi làm những chuyện động trời như vậy con ơi. Nếu má là bà con ở quê, má cũng không bao giờ chấp nhận nổi chuyện làm của con” - má nghẹn lời.

Tú cúi gầm mặt.

Trước khi về má dặn: “Mình làm lỗi thì phải biết khắc phục lỗi lầm của mình, đâu thể trốn chạy mãi được. Con tự biết mình nên làm gì”.

*

Người trong xóm Bình An đưa cho má đoạn status facebook, nói của thằng Tú viết. Rồi họ đọc cho má nghe:

“Tôi xin cúi đầu nhận lỗi vì đã dựng ra câu chuyện không có thật. Tôi là người con được sinh ra và lớn lên trong xóm Bình An, một xóm nhỏ mà mọi người dân sống hiền lành chất phác nơi tôi có những tháng ngày êm đềm lớn lên bên má dù vất vả trăm bề nhưng đong đầy yêu thương.

Tôi đã không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền khi bịa nên câu chuyện người dân dùng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu để cây củ lùn cho củ to hơn. Trong khi là một người con của quê hương này, tôi biết chắc rằng người dân mình chỉ gieo trồng củ lùn rồi giao cho nắng mưa đến tận ngày thu hoạch.

Tôi xin chân thành nhận lỗi và lỗi hoàn toàn thuộc về tôi. Xin đừng trách phiền má tôi. Tôi là một người con bất hiếu khi không cho má được bình an an hưởng tuổi già…”.

Má Hai ngồi trong nhà ngó mông ra vườn. Qua mấy trận mưa, những liếp củ lùn đã lên xanh. Bà con cũng sẽ nguôi ngoai rồi tha thứ cho thằng Tú. Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Còn với bà, Tú dù có lỗi lầm lớn đến đâu vẫn là đứa con của bà.

Bà mong con từ những va vấp mà nhìn lại bản thân để sống tốt hơn. Rồi khi bà đã trăm tuổi, con tự biết chăm sóc bản thân mình, tự rèn giũa để sống có ích, vì bà đâu thể ở mãi bên con để mà dạy dỗ, nhắc nhở. Như cây củ lùn ngoài kia tự biết vượt qua những ngày nắng dội, mưa dầm để cho những mùa củ thơm ngon.

T.Q.T