Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện về những người lính Dân quân 

Cập nhật ngày: 24/01/2018 - 22:52

BTN - Đến nay, qua gần ba thập kỷ, dọc đường biên là những con đường thênh thang rộng mở, những rẫy mì, mía xanh ngát, những xóm ấp nhộn nhịp, đông đúc…

Những chiến sĩ dân quân của xã Tân Đông (huyện Tân Châu) trên thao trường tập bắn đạn thật.

Từ những năm 1990, tỉnh ta đã ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về quy hoạch dân cư, xây dựng thế trận phòng thủ biên giới. Đến nay, qua gần ba thập kỷ, dọc đường biên là những con đường thênh thang rộng mở, những rẫy mì, mía xanh ngát, những xóm ấp nhộn nhịp, đông đúc…

Và ở đó, cùng với những đồn, trạm biên phòng, còn có 28 chốt dân quân với những người lính thường trực canh gác, sẵn sàng chiến đấu, giữ cho xóm làng bình yên.

 

Vì bình yên của thôn xóm

Thời bình, có lẽ nhiều người chưa thấy hết vai trò của người lính Dân quân vùng biên. Vì khi tuần tra biên giới, lực lượng chủ trì là Bộ đội Biên phòng; khi giữ gìn an ninh vùng nội địa, Công an giữ vai trò chủ chốt. Nhưng khi bình yên của đất nước bị đe doạ, những người lính Dân quân lại là lực lượng xung kích giáp mặt với kẻ thù.

Với nhiệm vụ quan trọng đó, dẫu đang là thời bình, các anh vẫn huấn luyện nghiêm, học tập tốt để luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, làm tốt nhiệm vụ được giao. Dưới bóng những cây cao su của nông trường Bổ Túc (xã Tân Đông, huyện Tân Châu), các chiến sĩ Dân quân thường trực năm nhất của xã Tân Đông đang học tập chuẩn bị cho đợt thi bắn đạn thật lần đầu tiên.

Sau khi được giới thiệu về cấu tạo của súng, các tư thế bắn quỳ, nằm, đứng, cự ly, thước ngắm… mọi người bắt đầu thực hành. Mọi động tác từ ngắm súng, cách lên đạn đến tư thế khi bắn như thế nào đều được người chỉ huy chỉnh sửa từng chút.

Anh Nguyễn Thành Luân- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Tân Đông cho biết, hằng tuần, các anh đều có lịch huấn luyện cụ thể với các bài học về bảo quản vũ khí, cách ứng phó trong từng kế hoạch, phương án tác chiến tại chỗ.

Tất cả các thao tác phải thật nhuần nhuyễn, dứt khoát, phải nắm rõ vị trí của từng người, từng đồng đội. Ngoài ra, mỗi năm hai lần, các chiến sĩ dân quân thường trực sẽ được tham gia huấn luyện và thi bắn đạn thật. Mỗi đợt khoảng 10-15 ngày.

Chốt Cây Me (xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên) phụ trách 7km biên giới hoàn toàn là đường sông, nên những chiến sĩ tại chốt thường phải di chuyển bằng ghe khá vất vả. Mùa nước nổi, ranh giới khó phân định, còn mùa khô thì lục bình ngập cả mặt sông.

Tuy vậy, chốt Cây Me vẫn luôn là một trong những chốt đi đầu của huyện trong công tác bảo vệ an ninh biên giới. Những năm qua, khu vực chốt này phụ trách chưa hề xảy ra một điểm nóng nào.

“Để có được kết quả đó, không chỉ nhờ vào công tác tuần tra, kiểm tra chặt chẽ của anh em Dân quân, mà còn nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ người dân sống quanh vùng. Người dân sẽ thông báo ngay cho chốt sự việc xảy ra để kịp thời xử lý”- Chốt trưởng chốt Cây Me Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

Mái nhà nơi biên giới

Nói đến biên giới, nhiều người thường liên tưởng đến một vùng đất khô cằn, không bóng người, chỉ có nắng và gió. Thế nhưng suy nghĩ đó sẽ thay đổi nếu ai đó đã từng một lần đến với chốt Thành Nam.

Trên con đường đất đỏ từ UBND xã Thành Long (huyện Châu Thành) vào chốt, hai bên bạt ngàn những rẫy mía. Ven hai bên đường, những vạt hoa sam, hoa cỏ đậu nở rực rỡ, tạo hình ảnh bình yên và trù phú.

Nằm cách biên giới nước bạn 2km, chốt Thành Nam như một ngôi nhà vùng biên hơn là một căn cứ quân sự, được chăm chút bởi bàn tay của những người lính. Chung quanh ngôi nhà tôn xinh xắn nằm trên khoảng đất rộng 2 công là đủ các loại rau xanh tươi mướt, được vun trồng cẩn thận. Bên hiên nhà là dăm bụi chuối ngự thân đẫy đà, hơn chục gốc mít Thái lủng lẳng trái…

Chàng tân binh tên Binh Kia cho biết mình lên chốt từ tháng 4.2017. Hằng ngày, ngoài việc huấn luyện, học tập các kiến thức quân sự, Kia cùng các anh ở đây cùng nhau làm “việc nhà”.

Người phụ trách vườn rau, người lo việc cơm nước, quét dọn, người đảm đương chăm sóc “trại chăn nuôi” của đơn vị gồm 5 con rắn long thừa, bầy gà vịt trên dưới 20 con và 4 chú bò phổng phao chờ ngày xuất chuồng. “Ở đây cực hơn ở nhà, vì phải tập luyện thường xuyên, nhưng cũng rất vui”- Binh Kia vừa cười vừa nói.

Mới đây, UBND xã Thành Long vừa mua thêm 8 công đất nữa, nâng tổng diện tích của chốt Thành Nam lên 1 ha. Theo Chốt trưởng Trương Văn Chình, phần đất xã vừa giao có một cái đìa, chốt tận dụng thả cá, phần còn lại trồng mì. Ngoài ra, anh em còn góp tiền mua thêm bò về “vỗ béo” để bán kiếm lời. Tất cả những khoảng thu từ tăng gia sản xuất ở đây, một phần hỗ trợ anh em khó khăn, một phần bổ sung thêm vào khẩu phần ăn của mọi người.

Ông Nguyễn Văn Chủng- Chủ tịch UBND xã Thành Long cho biết, xã có 2 chốt dân quân biên giới. Ngoài nhiệm vụ trực chốt, bảo đảm vấn đề an ninh trật tự vùng biên, anh em Dân quân của xã còn tham gia rất nhiều hoạt động tại địa phương như thực hiện công tác dân vận, hỗ trợ tuyển quân trên địa bàn…

Khi xảy ra thiên tai, hoả hoạn, Dân quân đều có mặt để hỗ trợ. Như đợt lũ nặng nề năm 2016, anh em đã đến từng nhà dân hỗ trợ di dời, sửa nhà. Nhờ đó, hậu quả của thiên tai nhanh chóng được khắc phục, người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ngọc Diêu

Từ khóa
thôn xóm