BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện xây đình, miếu ở Long Thành 

Cập nhật ngày: 04/07/2018 - 09:51

BTN - Các nhà nghiên cứu Nam bộ xưa cho rằng: “Làng mới luôn luôn đòi hỏi có những cơ sở công ích. Trước hết là chợ, sau đó là xây cầu đắp lộ. Ðồng thời thiết chế văn hoá đình, chùa, miễu, võ là nhu cầu cơ bản của một làng…” (Ðình Nam bộ, xưa và nay, NXB Ðồng Nai 1998).

Bến Kéo ngày nay.

Làng xã xưa cũng có một khái niệm, gần như là một câu thành ngữ: “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”. Chữ “khai khẩn” ở đây có nghĩa là công khai hoang, xin phép lập làng. Còn “khai cơ” có nghĩa là mở chợ, xây cầu, đắp lộ… thực hiện những công trình phục vụ cho đời sống dân sinh ở thôn làng ấy.

Cứ theo những khái niệm vừa kể của dân gian Nam bộ thì cụ Trần Văn Thiện thật xứng với công lao của cả hai vị tiền hiền và hậu hiền. Bởi cụ là người “đệ đơn xin mở đất lập làng”… được chấp thuận ngày 11.7 trào vua Thiệu Trị thứ 4 (1844). Ðơn có “khai mở gắn tứ cận” hẳn hoi (bản Tiểu sử Thành hoàng bổn cảnh đình thần Bến Kéo xã Long Thành).

Tiếc rằng một trong tứ cận ấy đã sai, do đã kể đến quốc lộ 22 ở cận phía Ðông. Ðúng ra thì chỉ có thể là con đường sứ, nay là tỉnh lộ 784. Vì thời điểm ấy còn chưa có đường quốc lộ 22. Và như vậy thì đất Long Thành quá hẹp không đúng với thực tế xưa, nay.

Mặt khác, cụ Thiện cũng chỉ huy: “10 vị đồng ký tên với cụ, lo tận tâm khai phá rừng làm ruộng rẫy, lấy Bến Kéo làm trung tâm điểm, khởi đắp đê đặng cản nước cho dân canh tác làm ruộng…”.

Người dân địa phương ở Long Thành Trung hiện nay còn gọi những con đê đắp là những bờ sa lớn và sa nhỏ, do việc tận dụng đê làm sa bắt cá. Có người nhớ vị trí bờ sa ấy là ở khu ruộng gần chùa Gò Kén. Có người lại chỉ bờ sa ở bên kia quốc lộ 22B trong ấp văn hoá Long Trung.

Nhưng tất cả đã bị chiến tranh và công cuộc phát triển kinh tế sau 1975 làm khuất lấp. Trong ấp Long Trung chỉ còn một đoạn đê nhỏ lớn hơn bờ ruộng, chạy bên một vườn tầm vông có vài cây thốt nốt đứng chơ vơ (gần hầm cá nhà ông Sáu Nhiệm).

Còn ở khu ruộng quanh Gò Kén đã hiển hiện bề thế dọc ngang những công trình thuỷ lợi. Ðể hình dung quy mô làng Long Thành thời cụ Thiện, có thể tham khảo bản viết tay của cụ Bùi Hữu Ðịch, viết năm 1923 khi cụ Ðịch 78 tuổi. Cụ Ðịch gọi cụ Thiện là “ông ngoại tổ tôi”. Bản viết này có trong cuốn sổ việc làng Long Thành do hậu duệ đời thứ 6 của cụ Thiện còn lưu giữ.

Theo đó, làng Long Thành có tứ cận là: “Ðông= bàu Cóp trực chỉ bàu Sen, bàu Cỏ Ðỏ, ngã tư đường xe chính, Trảng Nhớt ra Cây Cốc; Tây= kinh rạch Tây Ninh, miễu Bà vô kinh nhỏ, bàu Cây Cám vô Hóc kè qua bàu Cà Na. Nam= rạch Cây Cốc theo sông cái lên miễu Bà. Bắc = đường đắp giây thép qua Bàu Cóp”. Ða số những địa danh này vẫn còn tới ngày nay.

Sau khi chính thức có tên làng, cũng như xác định mở mang những cơ sở hạ tầng thiết yếu mới đến việc xây dựng cái mà ngày nay ta gọi là thiết chế văn hoá. Như ngày nay ta thấy đình ở xã Long Thành Nam, nơi được coi là “trung tâm điểm” của Long Thành.

Chùa chính là Thiền Lâm - Gò Kén, nay thuộc về xã Long Thành Trung. Ðình và chùa mới có sau khi cụ Thiện mất. Duy nhất chỉ có ngôi miếu ở ấp Long Trung, xã Long Thành Trung là do cụ xây dựng lên ngay lúc sinh thời. Ðấy là miếu thờ Quan Thánh (Quan Công), được xác định là xây năm 1848, sau khi lập làng Long Thành mới chỉ 4 năm.

Miếu nằm ngay bên đường xuyên qua ấp Long Trung, nối quốc lộ 22B vào phía trung tâm huyện. Vừa được trùng tu cuối năm 2017, ngôi miếu đã nổi bật lên màu ngói đỏ, tường vàng. Cổng ngõ khang trang, có cả mái ngói cong cong gắn đôi rồng vàng chầu mặt trời đỏ thắm.

Trụ tường vuông kích cỡ lớn đỡ mái, đắp đôi câu đối hình chữ triện nhưng lại là chữ Việt. Một bên là: “Nghĩa khí lừng danh hào kiệt khắp đông, tây”. Bên kia “Trung can nổi tiếng anh hùng trong trời đất”. Có lẽ vào thời mở đất, con người cũng rất cần những tấm lòng trung can, nghĩa khí, quy tụ bên nhau để cùng mở mang và xây dựng miền quê mới. Vậy nên, cụ Trần mới lập ra ngôi miếu này chăng? Lần trùng tu này, ngôi miếu vẫn giữ lại vuông nền xưa cũ, vuông mỗi chiều 5m20.

Nhưng tường xây đã cao hơn, để xứng với con đường đá nhựa mới xây sửa trong phong trào nông thôn mới. Ðặc biệt là mái tôn cao, lợp ngói đỏ tươi hình bánh ít kiểu đình chùa dân gian Nam bộ. Ðỉnh mái cũng có đôi rồng chầu Nhật. Như một sự lưu luyến với những gì xưa cũ, ngôi võ ca vẫn giữ nguyên vẹn như trước là hai mái nhà tôn cũ trên vài hàng cột bê tông đúc sẵn.

Vào trong miếu, giữa những màu sắc vàng son tươi mới của ngai thờ, dàn lỗ bộ cùng những đồ thờ, ta vẫn thấy vài tấm bảng chữ viết trên giấy đã ngả màu, khó đọc. Một trong hai bảng ấy ghi là: “Vạn cổ danh lưu hữu công sáng lập”. Bảng chữ ghi rằng: “Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), cai tổng Trần Minh Thiện tạo lập Long Thành thôn.

Ðến năm Thiệu Trị thứ tám, Tây lịch 1848 tân lập Quan Thánh miếu (cây lợp tranh)”. Các lần trùng tu chính cho miếu là vào các năm 1918, 1944. Cho đến năm 1968 lại thêm một lần trùng tu có “cột xây, mái đổ”. Tấm bảng này cũng được viết vào năm 1968, khi cuộc xây sửa vừa xong.

Có thể nói, miếu Quan Thánh ấp Long Trung là ngôi duy nhất có dấu vết về công tích của cụ Trần Văn Thiện. Còn những ngôi thờ tự khác như đình, lăng mộ đều do người sau lập ra để tôn vinh, thờ cúng cụ.

Ðình Long Thành nay đã được công nhận di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia. Không có văn bản đã phát hành nào ghi chép về thời điểm lập đình; ngoài sách Di tích lịch sử, văn hoá tỉnh Tây Ninh, Sở VH,TT&DL in năm 2014.

Mà căn cứ cũng chỉ là do: “ngày 18.9.1883 cụ Trần Văn Thiện từ trần”, nên: “Năm 1883 đình Long Thành được xây cất… đến năm 1907-1910 sửa sang lần thứ nhất bằng mái ngói vách ván. Trong các năm 1929, 1938 tu sửa lại, nhưng phải đến năm 1957, 1963 đình Long Thành mới được đại tu và giữ nguyên như ngày nay…”.

Thật ngạc nhiên vì ngôi đình “như ngày nay” ấy đã được xây dựng lại toàn bộ bằng bê tông, gạch ngói kiên cố trong năm 2004 và hoàn thành năm 2005 đã không được cập nhật trong sách này, dù sách in sau gần chục năm trời (2014).

Cũng như các lần tu sửa lớn được ghi chép trong sổ việc làng Long Thành lại không được nhắc đến. Ðấy là vào năm 1922, ngày 29 October, Hương chức hội tề làng Long Thành có đơn lên “Quan lớn” xin sửa đình, do “cả 2 nóc đình này đã hư tệ cây cột mục hư hết…”. Ðể: “Xin Quan lớn mở lòng rộng rãi cho làng tôi xin những cây điều mộc miễng (miễn) thuế như sau này đến tại rừng làng KéÐol thuộc tổng Chơn Bà Ðen…”. Theo liệt kê thì có tới 40 cây gỗ quý gồm gõ, sao và sến.

Vào năm 1942, cũng có một cuộc xây sửa lớn ngôi đình. Trong văn tự xin phép lần này có kể đến việc: “đình được cất hồi năm 1915 đến nay đã bị mối ăn hư tệ và bị gió xiêu”, do vậy mà: “cúi xin Quan lớn cho phép làng chúng tôi triệt xuống đặng làm lại một nóc đình mới.

Việc làng tổn hao hương chức chúng tôi đồng chung chịu, không xin số tiền chi hết…”. Trang tiếp theo của cuốn sổ này còn ghi rõ tiến độ xây đình, đến “ngày 6 tháng 11 An Nam năm Quý Mùi, nhằm ngày 3 December 1943, thì thỉnh thần về đình mới”.

Sách và tư liệu gốc hoàn toàn không khớp nhau. Vậy biết tin vào tài liệu nào đây, với những người sau?

TRẦN VŨ