Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện xây dựng nông thôn mới ở xã Thái Bình 

Cập nhật ngày: 18/06/2019 - 18:56

BTNO - “Phải gần dân, giải thích và tuyên truyền kịp thời cho dân hiểu”, Bí thư Đảng ủy xã Thái Bình (huyện Châu Thành) Nguyễn Tiến Quân đã đúc kết từ cách làm của địa phương trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thay đổi tư duy, đổi mới cách làm

Xã Thái Bình được công nhận xã đạt chuẩn đã gần 1 năm, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Quân cho rằng, thành công này là sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền cũng như sự chung sức, chung tay của mọi người dân trên địa bàn xã. Bởi lẽ, xây dựng nông thôn mới là cho dân, người dân mới là người thụ hưởng nên mọi việc có được thuận lợi hay không là do sự đồng thuận của người dân.

Một trong những tiêu chí khó khăn và không kém phần quan trọng xây dựng nông thôn mới là tiêu chí về hạ tầng giao thông, vốn dĩ là một trong những tiêu chí sử dụng ngân sách nhiều nhất và gay go nhất. Thông thường, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn sẽ được “phân chia” theo tỷ lệ 7:3, tức là mỗi con đường giao thông thi công thì kinh phí nhà nước bỏ ra 70%, còn lại 30% huy động từ sự đóng góp của người dân sinh sống trên tuyến đường này.

Tuyến đường nhựa khang trang ở ấp Bình Long, xã Thái Bình do người dân tự bỏ tiền để thực hiện.

Tùy loại đường được đầu tư mà kinh phí được huy động khác nhau, đây là cách làm của nhiều địa phương khác trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. “Với cách làm này, có địa phương đến nay vẫn ôm nợ đọng phần vốn đối ứng trong thi công các con đường” - ông Quân nói.

Đến lượt xây dựng nông thôn mới của xã, Đảng ủy xã Thái Bình cùng chính quyền địa phương cho rằng, phải tìm một giải pháp khác để có thể hoàn thành xây dựng các công trình, tránh “ôm nợ” khi không thể huy động vốn đối ứng trong dân do nhiều lý do khác nhau, trong đó có chủ quan lẫn khách quan có thể xảy ra.

Nhiều cuộc họp được tổ chức, nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới được tổng hợp, Đảng ủy xã Thái Bình đã tập trung nghiên cứu tính khả thi của những giải pháp nhằm giải quyết bài toán này một cách hài hòa, đúng quy định.

Giải pháp được Đảng ủy, UBND xã đề ra là tập trung nguồn kinh phí cho những tuyến đường thưa thớt người dân sinh sống, khả năng thu hồi vốn đối ứng không cao do nhiều điều kiện khách quan khác, nhưng là con đường quan trọng, phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Còn những tuyến đường đông đúc dân cư thì vận động người dân tự làm “chủ đầu tư” thực hiện.

Quyết tâm làm theo cách của riêng mình, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Thái Bình tổ chức họp rà soát tại các tuyến đường trên địa bàn cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc làm mới để phục vụ việc đi lại cho người dân. Kết quả, trên địa bàn xã có 162 tuyến đường thì có 80 tuyến cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Trong 80 tuyến đường này, kinh phí nhà nước đầu tư toàn bộ cho 59 tuyến, còn lại 21 tuyến sẽ do người dân trên địa bàn thực hiện bằng nguồn tiền của chính mình.

Những con đường đẹp từ sự đồng thuận

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Tiến Quân nhớ lại, xác định được cách làm, xã bắt tay vào thực hiện một nhiệm vụ không kém phần quan trọng nữa là tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ và đồng lòng thực hiện cách làm này. Đảng ủy xã cùng chính quyền thành lập Ban tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới do Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã làm Trưởng ban tuyên truyền, đồng thời phân công thêm đảng viên phụ trách địa bàn cùng vào cuộc với địa phương để đẩy nhanh tiến độ.

Bằng những nỗ lực này, xã Thái Bình đã nhận được sự chia sẻ, đồng hành của người dân trong xây dựng các tuyến đường giao thông theo kế hoạch đề ra. “Thậm chí, nhiều tuyến đường dự kiến làm đường sỏi đỏ, người dân “không đồng ý” với hiện trạng mà tự đóng góp để nâng lên thành đường nhựa luôn” – ông Quân chia sẻ thêm.

Để khích lệ và động viên, Đảng ủy xã cùng chính quyền thường xuyên tổ chức thưởng “nóng” cho những con đường có kinh phí đóng góp từ 50 triệu đồng trở lên. Việc khen thưởng này được Đảng ủy, chính quyền tổ chức xuống trực tiếp ngay hiện trường thi công. Nhờ đó, một không khí thi đua lan tỏa ở địa phương này để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong xây dựng nông thôn mới.

Một tuyến đường bê tông xi măng trên địa bàn ấp Suối Muồn cũng do người dân đóng góp.

Đi trên một số tuyến đường do người dân tự thi công thực hiện với nhiều loại như: đường trải sỏi đỏ đường bê tông xi măng, thậm chí có những đường được thảm nhựa… điều dễ nhận thấy nhất là sự khang trang, sạch sẽ. Có lẽ, khi giữa chính quyền và người dân cùng một tư tưởng, suy nghĩ và chia sẻ cùng nhau thì mọi việc đều trở nên dễ dàng và thuận lợi.  

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Tiến Quân đúc kết, trong xây dựng nông thôn mới, việc phát huy sức mạnh của người dân tham gia cùng với địa phương là điều hết sức quan trọng, tạo thành công trong quá trình thực hiện. Khi mọi việc đều công khai, dân chủ, lắng nghe ý kiến cùng sự giám sát của người dân thì luôn “về đích” như mong muốn.

Trong quá trình xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn xã này, việc để người dân hiểu, chung tay chung sức cùng chính quyền, chia sẻ khó khăn với địa phương đã góp phần làm rõ thêm ý nghĩa của chủ trương đúng đắn này, xây dựng nông thôn mới nhằm làm cho người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhiều hình ảnh đẹp trong quá trình thực hiện như người dân tự nguyện hiến đất làm đường, thậm chí có người còn tình nguyện góp số tiền nhiều hơn quy định để bớt đi phần đóng góp của các hộ khác còn khó khăn hơn mình. Sự chung tay ấy thắm tình đoàn kết, chia sẻ trong cuộc sống cộng đồng.

Sự đồng lòng, đồng thuận và chung sức của nhân dân làm cho những tuyến đường này trở nên đẹp hơn bao giờ hết, đẹp về chất lượng công trình cũng như về lòng dân, cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của địa phương này trong xây dựng nông thôn mới vừa qua.

Đức An


Liên kết hữu ích