BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện xử lý ô nhiễm “làm nóng” nghị trường

Cập nhật ngày: 12/12/2016 - 04:17

Đại biểu chất vấn lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường.

KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÀN LAN GÂY KHIẾU KIỆN ĐÔNG NGƯỜI

Vấn đề đầu tiên được đặt ra cho lãnh đạo ngành TN&MT cũng là vấn đề “bức xúc phổ biến” ở nhiều địa phương trong tỉnh: “Hiện nay, tình trạng khai thác đất để sản xuất gạch và vật liệu san lấp đã và đang để lại những hệ quả không tốt như cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước ngầm, sạt lở đất khu vực xung quanh, xe vận chuyển làm rơi vãi vật liệu và chở quá tải, hố khai thác dễ gây tai nạn cho người và vật nuôi... Cử tri kiến nghị quá nhiều mà tình trạng này chưa khắc phục hiệu quả. Đề nghị UBND tỉnh và ngành chức năng có giải pháp giải quyết, nếu còn xảy ra những hiện tượng như cử tri đã nêu thì trách nhiệm thuộc về những ai? Khi nào sẽ khắc phục tình trạng này?”.

Trả lời nội dung chất vấn trên, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động khai thác khoáng sản từng bước được chấn chỉnh, đi vào nề nếp. Các vị trí đã và đang được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất san lấp, đều có điều kiện tự nhiên và xã hội giống như nhau (có mực nước ngầm thấp, xa khu dân cư, đất bỏ hoang và nhiễm phèn, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả). Thời gian gần đây, chỉ có tại điểm mỏ ấp Tịnh Phong, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng của Công ty TNHH TMXD Xuân Lan xảy ra tình trạng gây khiếu kiện đông người. Xuất phát từ tình hình đó, ngày 22.11.2016, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 6269/STNMT-PQLTN về việc tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh. Nội dung văn bản đề xuất: “Trước mắt, tạm ngừng cấp phép hoạt động thăm dò và tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu san lấp trên địa bàn huyện Trảng Bàng cho đến khi rà soát lại toàn bộ quy hoạch khoáng sản cũ, lập quy hoạch khoáng sản mới”. Các huyện còn lại sẽ được rà soát cẩn thận trước khi cấp phép mới, đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

KHÔNG CÓ CƠ SỞ XỬ LÝ “Ô NHIỄM MÙI”

 “Tình trạng ô nhiễm của một số cơ sở chăn nuôi (gà, heo) trên địa bàn tỉnh được cử tri phản ánh nhiều lần, và ngành chức năng đã kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, thực tế vẫn không khắc phục được, mùi hôi vẫn nồng nặc ở khu dân cư gần cơ sở chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của người dân. Xin hỏi giám đốc vấn đề này có khắc phục được không? Giải pháp nào để người dân không phải chịu đựng một môi trường sống với tình trạng ô nhiễm như vậy”?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Xuân thừa nhận, trong thời gian qua, Sở TN&MT đã nhiều lần tiếp nhận phản ánh của cử tri về tình trạng ô nhiễm mùi hôi của một số cơ sở chăn nuôi (gà, heo) như trại gà của DNTN Thái Lợi tại xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng; trại gà Malaysia của Công ty TNHH QL Vietnam tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên; trại heo của ông Nguyễn Thành Thọ tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu. Các cơ sở này hoạt động theo quy hoạch phát triển, chăn nuôi, giết mổ của tỉnh Tây Ninh, khoảng cách từ cơ sở đến khu dân cư bảo đảm theo quy định tại QCVN 01- 14:2010/BNNPTNT về điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học là: “Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ lợn, chợ buôn bán lợn tối thiểu 1km” và QCVN 14:2009/BXD của Bộ Xây dựng quy định “Các khu vực chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp phải được quy hoạch với cự ly bảo đảm yêu cầu về khoảng cách ly vệ sinh. Khoảng cách từ nhà ở (chỉ có chức năng ở) tới các khu chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp phải lớn hơn 200m”.

Để giải quyết vấn đề trên, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các ngành chức năng có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và đo đạc các thông số đặc trưng gây mùi đối với các cơ sở, kết quả việc thực hiện các biện pháp khắc phục mùi như sau: Trại gà Thái Lợi sử dụng thuốc sát trùng, chế phẩm sinh học phun tại chuồng nuôi và xung quanh chuồng nuôi (1 lần/ngày), sử dụng men tiêu hoá sống hoà tan thức ăn cho gia cầm. Trại gà Malaysia đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sấy khô phân gà, có lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống xử lý khí thải. Trại heo ông Nguyễn Thành Thọ mùi hôi phát sinh từ phân heo được thu gom về bể biogas và xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Kết quả đo đạc các thông số gây mùi như H2S, CH4, NH3 tại các cơ sở chăn nuôi gà, heo và xung quanh cơ sở (kể cả các nhà dân phản ánh) đều nằm dưới quy chuẩn cho phép. Như vậy, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nói chung và khắc phục mùi hôi nói riêng của các cơ sở đã thực hiện theo quy định pháp luật, mùi hôi được giảm thiểu. Tuy nhiên, Cục Môi trường miền Nam (đơn vị phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường) kiểm tra thực tế tại một số cơ sở chăn nuôi và có ý kiến: Mùi được tạo ra bởi một hoặc hỗn hợp của nhiều loại hoá chất tạo mùi khác nhau, chưa có thiết bị đo mùi. Phương pháp đo đạc, phân tích từng loại khí gây mùi chỉ có tính tham khảo, không đại diện hoàn toàn cho ô nhiễm mùi phát sinh.

Vì Nhà nước chưa ban hành quy chuẩn về mùi nên việc phân tích từng đơn chất theo các quy định về môi trường không đủ cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc. Cơ quan chức năng có thể giải quyết thông qua các định chế xã hội, cụ thể, cần tổ chức khảo sát, đánh giá bằng phương pháp tham vấn cộng đồng, nếu nhận thấy cơ sở có phát sinh mùi thực sự gây ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống của con người thì cơ sở buộc phải có biện pháp xử lý triệt để mùi. Còn nếu cơ sở không xử lý triệt để được vấn đề về mùi, cơ quan chức năng cần có giải pháp di dời cơ sở đến khu vực có quy hoạch phù hợp với loại hình sản xuất của cơ sở. Như vậy, việc khắc phục mùi hôi là một vấn đề phức tạp, các cơ sở đã thực hiện theo quy định của pháp luật nhưng chưa khắc phục triệt để. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Hiện trường một địa điểm khai thác đất san lấp tại Trảng Bàng.

ĐỔ CHẤT THẢI KHÔNG ĐÚNG CHỖ BỊ PHẠT HƠN 400 TRIỆU ĐỒNG

“Nhà máy sản xuất phân bón Hồng Lam tại xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng đổ chất thải vào hầm chứa gây ô nhiễm không khí và nguồn nước cho khu vực xung quanh. Đề nghị ngành chức năng có biện pháp xử lý dứt điểm trường hợp này, vì cử tri đã kiến nghị nhiều năm mà chưa giải quyết xong. Ngoài ra, trên địa bàn còn có doanh nghiệp tư nhân Phi Trường đem chất thải không rõ ở đâu về đổ ra khu vực cánh đồng của ấp Lộc An, xã Lộc Hưng. Đề nghị kiểm tra, xử lý”.

Về vấn đề trên, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, đối với nhà máy sản xuất phân bón Hồng Lam, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra. Kết quả: nguyên liệu sản xuất của nhà máy chủ yếu là phụ phẩm của các ngành công nghiệp khác như bùn thải, bã mía từ các nhà máy chế biến đường, sản xuất sữa và từ hệ thống xử lý nước thải của một số doanh nghiệp khác được kiểm định không chứa thành phần nguy hại. Tuy nhiên, nhà máy chưa thực hiện các biện pháp che chắn đúng theo quy định, để tràn xuống hầm chứa trong nhà máy. Do đó, Sở TN&MT đã xử phạt công ty với số tiền 22,5 triệu đồng vào ngày 12.3.2015. Công ty đã nộp phạt xong cũng như thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Ngày 1.3.2016, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng, UBND xã Hưng Thuận tổ chức kiểm tra biện pháp bảo vệ môi trường đối với nhà máy đã báo cáo UBND tỉnh, kết quả, nhà máy không phát sinh nước thải, kết quả đo đạc mẫu không khí trong và ngoài nhà máy đều đạt quy chuẩn quy định.

Đối với doanh nghiệp Phi Trường, doanh nghiệp này là đại lý vận chuyển chất thải nguy hại của Công ty TNHH Tân Phát Tài có địa chỉ ở tỉnh Đồng Nai được Tổng cục Môi trường cấp phép. Quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thu gom, vận chuyển bùn thải không chứa thành phần nguy hại phát sinh từ nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Trảng Bàng nhưng không vận chuyển về địa điểm xử lý đúng quy định tại tỉnh Đồng Nai, mà đem về đổ tại cơ sở thu mua phế liệu của doanh nghiệp tại ấp Lộc An, xã Lộc Hưng. Vụ việc trên đã được Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an thụ lý và ban hành Quyết định số 31/QĐ-XPHC ngày 17.5.2016 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp với tổng số tiền là 400.000.000 đồng, biện pháp khắc phục hậu quả là phải chuyển giao số lượng bùn thải trên cho đơn vị chức năng xử lý.

Sau khi Giám đốc Sở TN&MT trả lời các câu hỏi chất vấn, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã có những phát biểu tranh luận, mở rộng thêm vấn đề, ông Nguyễn Đình Xuân cũng đã giải đáp đầy đủ.

Đ.V.T