BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cơ cấu lại cây trồng: Một ha đất cho lợi nhuận 300 triệu đồng/năm 

Cập nhật ngày: 16/08/2017 - 21:11

BTNO - Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết, hiện tỉnh đang tập trung cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng sản phẩm đặc trưng có thương hiệu riêng và xây dựng cánh đồng lớn của địa phương.

Trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt 4 đề án phát triển nông nghiệp, gồm: Đề án phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh theo hướng VietGAHP đến năm 2020; Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2016-2020; Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chất lượng cao đến năm 2020; Đề án sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Đến nay, ngành nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các đề án trên.

Mãng cầu- loại trái cây đang được tỉnh khuyến khích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

UBND tỉnh, ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc; tổ chức cho nông dân tham quan học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Đài Loan và các địa phương trong nước.

Bên cạnh đó, một số địa phương như huyện Dương Minh Châu, Tân Biên đã chủ động phối hợp ngành chuyên môn tổ chức hội nghị về chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp thực hành tốt (GAP).

Vừa qua, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch 14 vùng và 2 điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với diện tích trên 5.000 ha; xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất phát triển thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kế hoạch triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp đến năm 2021.

Nông dân trồng hoa màu theo kiểu truyền thống đầy may rủi, hiệu quả thấp.

Trong quá trình triển khai thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, tỉnh đã bước đầu tổ chức cơ cấu lại cây trồng.

Trong đó, một số địa phương chuyển đổi dần nhiều diện tích trồng cao su, mía, mì.. sang các loại cây ăn trái có giá trị cao, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu như: chuối (khoảng 385 ha), chanh dây (130 ha), cây có múi (250 ha).

Theo kết quả khảo sát ban đầu, các loại cây trồng này cho doanh thu từ 300 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận tăng 2-5 lần so với các sản phẩm cây truyền thống như mía, mì, cao su.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thu hút một doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Lavifood) đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả, cây ăn trái với công suất 50.000 tấn sản phẩm/năm, có công nghệ và thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn Châu Âu.

Doanh nghiệp này bước đầu đã liên kết với nông dân ký thỏa thuận, hợp đồng sản xuất - tiêu thụ nông sản (chanh dây, khóm).

Trong thời gian tới, khi quá trình tổ chức cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng  nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dần được triển khai đồng bộ, sâu rộng, quyết liệt thì hiệu quả sản xuất nông nghiệp sẽ ổn định và được nâng cao đáng kể so với trước đó.

Hoàng Thi


Liên kết hữu ích