Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiên Thuận:

Có chăng việc đất nghĩa địa được cấp sổ đỏ cho cá nhân ? 

Cập nhật ngày: 29/05/2017 - 06:02

BTNO - Nhiều năm qua, việc tranh chấp “đất của tôi” và “đất của làng” giữa 2 hộ dân ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu ngày càng trở nên phức tạp. Vụ việc đang dần hé lộ.

Ông Ngang khẳng định đây là mả của bà sơ mình.

Đất của tôi…

Theo trình bày của bà Phan Thị Hồng Hương (SN 1970, ngụ ấp B, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu), phần đất của bà được chuyển nhượng lại từ chủ đất trước là bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, ngụ ấp Vịnh, xã An Cơ, huyện Châu Thành. Đến ngày 28.7.2014, bà Hương chính thức được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Theo đó, bà Hương được cấp giấy ở 2 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 9 (trích kèm giấy chứng nhận), thửa 136 có diện tích 1.235m2, thửa 138 có diện tích 328,8m2, mục đích sử dụng của cả 2 thửa đất là trồng cây hằng năm. Tuy nhiên, qua đối chiếu với giấy chứng nhận QSDĐ cấp ngày 22.12.2008 của bà Anh thì ở thửa 138 chỉ thể hiện diện tích 183,3m2 (?). “Đất của tôi được cấp giấy chứng nhận QSDĐ hẳn hoi, nhưng ông Mai Văn Ngang (SN 1952, ngụ cùng ấp B, xã Tiên Thuận) tự ý đổ vật tư xây mộ người thân của mình trong đất do tôi đứng tên mà không cần hỏi ý kiến. Ông Ngang làm như vậy là vi phạm đến quyền sử dụng đất mà Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận cho tôi”, bà Hương bức xúc trình bày.

Bà Hương dẫn chúng tôi ra hiện trường khu đất, chỉ từng cột mốc bằng xi măng và tầm vông nhằm giải thích rõ hơn về ranh đất đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy nhiên, điều khá lạ là khu đất mà bà Hương nhận là của mình lại giống như một nghĩa địa, hiện có khá nhiều mồ mả. Có mộ đã được chôn cất từ rất lâu, thậm chí gần cả trăm năm, không ít mộ vô danh.

Khi được hỏi, tại sao đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng vào mục đích trồng cây hằng năm mà trên đất còn có quá nhiều mồ mả, và chuyện có mộ người thân của ông Ngang trong khu đất này là như thế nào? Bà Hương trả lời: “Nghe cha, mẹ tôi kể, mảnh đất này trước đây toàn là rừng.

Thời còn giặc, trong xóm có ai chết cũng đem lại đây chôn, trong đó có một ngôi mộ của người thân ông Ngang. Tôi không cho ổng xây mộ là vì một mặt tự ý làm mà chẳng thèm hỏi han gì đến ý kiến chủ đất, mặt khác ổng còn “xí” thêm một cái gò mối nữa và cho là mồ mả của người thân với dụng tâm lấn ranh đất, nên tôi phải ngăn chặn”.

Bà Phan Thị Tứ (sinh năm 1948), mẹ bà Hương cũng đồng thuận và xác nhận câu trả lời của con gái: “Nơi đây được xem như một nghĩa địa thời giặc giã loạn lạc. Sau hoà bình, anh của bà Nguyễn Thị Tuyết Anh về đây khai khẩn thấy có nhiều mồ mả nên chừa lại. Khoảng năm 2008, bà Anh được cấp giấy chứng nhận QSDĐ mới bán lại cho con tôi”.

Bà Hương cho biết: “Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Anh như thế nào tôi không biết, tôi chỉ biết khi làm thủ tục chuyển nhượng đất cho tôi, địa chính xã Tiên Thuận có vào đây khảo sát. Thời điểm đó, khu đất toàn là rừng chồi, sau này tôi phát quang mới thấy có nhiều mồ mả như vậy. Tuy nhiên, Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi thì là đất của tôi”.

Đất của làng

Ông Mai Văn Ngang quả quyết: “Đất này không của riêng ai, khu đất từ xưa đến giờ được xem như “đất của làng”. Bằng chứng là vẫn còn nhiều mồ mả đang tồn tại trên đất. Trong đó, mộ đôi (mộ chôn cất gần nhau) mà tôi đang định xây là mộ của ông cố và bà cố tôi. Còn nấm mộ bà Hương cho là cục gò mối tôi “xí” với mục đích lấn ranh đất chính là mộ của bà sơ tôi”.

Khu đất còn nhiều mồ mả như vậy mà bà Hương nói đã được cấp giấy thì vô lý quá”, ông Ngang bày tỏ. Trong đơn khiếu nại gửi cho UBND xã Tiên Thuận và Ban quản lý ấp B (ngày 2.10.2014) do ông Ngang cung cấp, có đến 9 người đồng ký đơn phản đối việc lấn chiếm và có dấu hiệu phá bỏ nhiều mồ mả- chủ yếu là mộ vô danh, hằng năm không có người tảo mộ.

Chúng tôi cùng đi khảo sát khu mộ với ông Ngang vào ngày 25.5.2017, khi đang đi thì bị sụp lún đột ngột, hình đất bị sụp giống như huyệt mộ. Ông Ngang nghi ngờ chỗ này là 3 ngôi mộ liền kề đã bị san lấp, vì cách nay không lâu ông vẫn còn thấy 3 nấm đất nhỏ nằm gần nhau tại đây. Đếm sơ qua, khu đất vẫn còn hơn 15 ngôi mộ, phần nhiều là không rõ thông tin, có mộ bia không ghi chữ quốc ngữ và được chôn cất từ năm 1937.

Ông Mai Văn Lên (84 tuổi), chú của ông Ngang kể lại: “Đất này là đất miếu, đất làng, khu dành để làng xóm chôn người chết có từ thời Pháp thuộc. Rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ để ngăn chặn việc xâm phạm và kinh động đến mồ mả ông bà”.

Việc tranh chấp giữa ông Ngang và bà Hương cũng đã được chính quyền địa phương 2 lần tiến hành hoà giải nhưng đều bất thành. Tình hình càng trở nên rắc rối khi bà Lý Thị Nơi, cán bộ địa chính xã Tiên Thuận cho biết: “Mới đây, xã đã phối hợp với cơ quan chức năng đo đạc lại đất của bà Hương, nhưng tạm thời chưa xác định được ranh đất, bởi đất trên thực tế đang có dấu hiệu bị lấn chiếm thêm ngoài diện tích được cấp”. Về việc tại sao lại cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Hương mà lại có phần dính với đất nghĩa địa? Bà Nơi phân trần: “Lúc đó do cán bộ địa chính khác phụ trách xử lý vụ việc, hiện tại cán bộ này đang đi học”.

Trao đổi qua điện thoại với ông Võ Hoàng Khang, cán bộ địa chính xã Tiên Thuận đang đi học. Ông Khang cho biết: “Tôi chỉ thụ lý hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bà Anh sang bà Hương. Tranh chấp xảy ra có thể do bà Hương đã khai phá thêm đến phần mộ của gia đình ông Ngang. Riêng việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Anh là do cán bộ địa chính trước đó nữa thực hiện”. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Thuận nêu ý kiến: “Sự việc có phần hơi phức tạp, nên chúng tôi đã chuyển hồ sơ lên huyện để giải quyết”.

Bà Hương cho rằng ngôi mộ người nhà ông Ngang đang nằm trong phần đất được cấp giấy.

Đang làm rõ nguồn gốc đất

Thực hiện Công văn số 13/UBND ngày 11.1.2017 của UBND huyện Bến Cầu về việc báo cáo đất của bà Phan Thị Hồng Hương đang sử dụng, ngày 16.3, UBND xã Tiên Thuận đã có Báo cáo số 36 gửi cho UBND huyện Bến Cầu với nội dung như sau:

Thửa đất số 136, tờ bản đồ số 9, được cấp GCNQSDĐ cho bà Phan Thị Hồng Hương có diện tích là 1.235m2. Hiện tại, trên phần đất này có 6 cái mả đã tồn tại từ rất lâu, trong đó có mả của người thân gia đình ông Ngang. Thực tế, diện tích đất mà bà Hương đang sử dụng là 2.030m2 (ngang 29m, dài 70m), nhiều hơn so với diện tích đã được cấp giấy là 795m2 (diện tích lấn chiếm).

Năm 2015, UBND xã đã đưa vụ việc ra hoà giải 2 lần nhưng bà Hương không đồng ý, vì bà cho rằng phần đất 795m2 là do gia đình bà khai phá thêm từ xưa tới giờ. Chính quyền địa phương đã thành lập đoàn làm việc, đo đạc, xác định lại thực tế ranh đất và buộc bà Hương phải trả lại phần đất đã lấn chiếm. Nhưng bà Hương không đồng ý. Do đó, UBND xã đã thống nhất chuyển hồ sơ lên huyện để tiếp tục giải quyết.

Báo cáo của UBND xã có nêu: “Do cơ sở vật chất và quá trình lưu giữ hồ sơ không đúng quy định, UBND xã không thể xác định được việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Nguyễn Thị Tuyết Anh có đúng với quy định hay không. Ngày 18.1.2017, UBND xã đã gửi công văn về Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh chi nhánh Bến Cầu, xin  trích lục hồ sơ gốc cấp giấy cho bà Anh, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời”.

Về sự việc này, ông Trần Văn Cương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Cầu cho biết: “Phòng Tài Nguyên và Môi Trường chỉ nắm được thông tin đất của bà Hương đang sử dụng được chuyển nhượng lại từ bà Anh. Việc bà Hương có san lấp mồ mả hay lấn chiếm đất hay không, chúng tôi đang làm rõ”.

Quốc Sơn

Điều 19 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực ngày 1.7.2014) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã được ban hành, sẽ có 7 trường hợp không cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, đất nghĩa trang, nghĩa địa thuộc phần đất công cộng, được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất nên không được cấp GCNQSDĐ.