Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Cò đất”: Lợi bất cập hại 

Cập nhật ngày: 12/07/2019 - 17:00

BTN - Đối với những người môi giới bất động sản tự do mà người dân gọi là “cò đất” thì rất khó quản lý, kiểm soát về trình độ, kiến thức - mà nhất là đạo đức hành nghề. Do đó mà “cò đất” không phải chịu trách nhiệm về những thông tin sản phẩm mà họ rao bán.

Khi chủ đất đăng bảng bán đất, lập tức “cò đất” tìm đến để đặt vấn đề môi giới (ảnh minh hoạ).

Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài viết “Cẩn trọng khi mua, bán đất”, phản ánh những trường hợp môi giới nhà đất đưa thông tin thất thiệt có thể gây thiệt thòi cho người mua. Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được phản ánh của bạn đọc bức xúc về việc một số “cò đất” gây nhiễu loạn thông tin thị trường khiến nhiều người có nhu cầu mua bán đất thật sự rất phiền toái và chịu những hệ luỵ không đáng có. 

Anh K.L (ngụ thị trấn Hoà Thành) cho biết, không thể phủ nhận mặt tích cực của “cò đất” trong việc môi giới cho người có nhu cầu được mua bán đất nhanh chóng, thuận tiện. Số tiền hoa hồng mà các “cò đất” được hưởng cũng xứng với công sức và kỹ năng mua bán của họ. Thế nhưng, có nhiều người đi làm “cò đất” đã dẫn tới sự cạnh tranh, từ đó gây ra nhiều bất lợi cho người dân có nhu cầu mua bán đất. Cụ thể như cùng một mảnh đất nhưng “cò đất” kêu bán, rao bán trên mạng xã hội với nhiều giá khác nhau. Hay có trường hợp, chủ đất không nhờ “cò” bán thì “cò” liền đăng thông tin lên mạng xã hội với nội dung “đã bán” nhằm “chơi khăm” người bán.

Chị A.T (ngụ xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành) cho biết, mới đây, chị muốn bán nhà và đất của gia đình. Tuy không hề chủ động mời “cò” môi giới nhưng một “cò” vẫn tìm đến. Dù chưa được chị T đồng ý, người này đã đăng hình ảnh nhà đất của chị rao bán trên trang cá nhân của “cò” nọ với giá cao hơn giá chị kêu bán 50 triệu đồng. Bực mình, chị T yêu cầu “cò” gỡ thông tin trên xuống thì bị người này “chơi xấu” bằng cách đăng thông tin “đã bán”. Chị A.T bức xúc vì khi bị “cò” quấy nhiễu như thế khiến nhà đất của chị rất khó bán.

Bà K.C (ngụ phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) cũng bức xúc về những gì xảy ra sau khi đã lỡ nhờ “cò đất” bán phần đất rẫy hơn 10 ha ở huyện Dương Minh Châu. Bà C cho biết, khi rao bán đất, nhiều “cò” đã liên hệ với bà để lấy thông tin và thoả thuận tiền hoa hồng 2% trên giá bán. Do cần bán gấp nên bà C đồng ý mà không nghĩ đến hệ luỵ khi có quá nhiều “cò” cùng kêu bán phần đất của bà.

Hậu quả là khi có người đến coi đất, các tay “cò” tranh nhau tìm cách lôi kéo khách hoặc “chơi xấu” bằng cách chê bai đất của bà C đủ điều để bà C không bán được, chờ “cò” đưa khách của họ tới mua. Ðến nay, sau hơn 1 năm, bà C vẫn chưa bán được đất. 

Nghề môi giới bất động sản được quy định rất cụ thể về điều kiện để được hành nghề tại khoản 1 Ðiều 68 Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Theo đó, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khi có đủ các điều kiện như: năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên; đã qua sát hạch về kiến thức hành nghề môi giới bất động sản...

Thế nhưng, đối với những người môi giới bất động sản tự do mà người dân gọi là “cò đất” thì rất khó quản lý, kiểm soát về trình độ, kiến thức - mà nhất là đạo đức hành nghề. Do đó mà “cò đất” không phải chịu trách nhiệm về những thông tin sản phẩm mà họ rao bán.

NGHĨA NHÂN

Tin liên quan
  • Cẩn trọng khi mua bán nhà đất 

    Cẩn trọng khi mua bán nhà đất

    Nếu người mua không tỉnh táo, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin thì có thể dễ dàng mua phải bất động sản không như ý muốn. Đồng thời, người bán nhà đất cũng có thể bị tác động tiêu cực từ thông tin thất thiệt do cò lái tung ra.