BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cô giáo của tôi 

Cập nhật ngày: 10/11/2018 - 19:09

BTN - Tôi là giáo viên nghỉ hưu đã nhiều năm, cũng đạt được ít nhiều thành tích trong ngành Giáo dục. Vậy mà chưa bao giờ tôi thôi tự hào khi nhắc đến cô giáo ngày xưa của mình: cô Vương Thị Hấu- nhà ở trong khuôn viên chợ Gò Dầu.

Lần này đến thăm, tôi thấy cô gầy hơn trước nhưng vẫn hoạt bát, vui vẻ, cởi mở so với cái tuổi 81. Tôi luôn “thần tượng” cô vì nhân cách của một nhà giáo. Lúc nào cô Hấu cũng vì học sinh thân yêu của mình. Không nói thời xa xôi lúc tôi còn là học trò của cô, chỉ nói thời gian cô dạy Trường phổ thông cấp I Trâm Vàng (nay là Trường tiểu học Trâm Vàng, thuộc xã Thanh Phước - huyện Gò Dầu).

Lúc đó, cô Hấu mới chuyển về dạy lớp 3- lớp học gọi là cá biệt của trường. Bởi ngay từ đầu năm, do trường thiếu giáo viên, lớp này không có giáo viên chủ nhiệm, chỉ có giáo viên cùng khối thay nhau dạy cho đủ giờ, đủ tiết. Sau khi khai giảng hơn một tháng, cô Hấu mới về trường. Nhiều em học lớp này chưa đọc thông viết thạo, nói chi đến việc thực hành phép tính hay viết chữ đẹp, đúng chính tả.

Thế là cô bắt tay vào kèm những học sinh quá yếu và rèn chữ. Ðiều kỳ diệu là chỉ hai tháng sau, các em viết chữ đều, nét thanh nét đậm rõ ràng. Có 30/32 học sinh viết giống chữ cô như đúc. Thầy cô trong trường rất đỗi ngạc nhiên, ít ai nghĩ đó là chữ viết của học trò. Cô Hấu còn thường truyền cảm hứng cho bạn đồng nghiệp, nhất là các thầy, cô giáo trẻ mới ra trường.

Cô chia sẻ kinh nghiệm rèn chữ cho học sinh: “Cần động viên các em bằng cách khen các em viết được nhưng chưa đẹp lắm. Ðừng vội chê các em viết xấu như cua bò. Cô khuyến khích nếu em nào viết đẹp nhất sẽ được tặng ngòi viết lá tre- một loại ngòi dùng tập viết. Cuối cùng, 32 em trong lớp đều có ngòi viết này”.

Chẳng những cô chăm lo cho các em chuyện học hành mà còn quan tâm cả những chuyện khác. Trong giỏ xách đi dạy của cô, ngoài sách vở, giáo án còn có cả kim chỉ, nút áo, dầu gió... để giúp các em có những bộ đồ tươm tất, lành lặn hơn. Ai cũng biết mấy năm đầu mới giải phóng, đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân cũng chật vật không kém. Một số cha mẹ học sinh bận việc mưu sinh, ít có thời gian quan tâm đến con em mình, có người còn khoán trắng việc học hành của con em cho giáo viên. Họ nghĩ cho con được đến trường là may lắm rồi.

Cô Hấu làm rất tốt công tác chủ nhiệm, thường xuyên đến tận gia đình học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh từng em rồi giúp đỡ theo khả năng của mình. Cô thường tặng quần áo- cũ có, mới có cho những hộ nghèo đông con. Bà con hàng xóm chung quanh trường có đám tiệc hoặc muốn có cái nghề “làm bánh, nấu ăn” tạm sống qua ngày cô cũng sẵn lòng hướng dẫn.

Cô chẳng những giỏi về chuyên môn mà còn thành thạo nữ công gia chánh. Phải gọi cô là giáo viên đa năng mới đúng. Tết năm đó, cô tặng tôi hai đòn bánh tét. Tôi ngạc nhiên chưa kịp hỏi thì cô đã vui vẻ: “An tâm, đây là quà của bà con ở gần trường, phụ huynh học sinh biếu nếp, lá chuối, đậu xanh... Cô chỉ có công gói thôi. Tình làng nghĩa xóm mà!”.

Bản thân tôi cũng được cô truyền cho bí quyết làm đậu phộng da cá để mấy tháng sau ăn cũng chẳng nghe gắt dầu. Ngay cả những người mua đầu chợ, bán cuối chợ ở trước nhà cô, cô cũng sẵn lòng chỉ cách làm vài món bánh dân dã để bán, cuộc sống có phần đỡ vất vả hơn. Tâm niệm cả đời của cô Hấu là: “Nuôi con cháu và dạy học là niềm hạnh phúc của đời tôi”.

Bằng lối sống và nhân cách của mình, cô Hấu đã dạy cho tôi hiểu tình cảm thầy trò thiêng liêng và sâu nặng biết chừng nào. Tôi càng thấm thía hơn việc dạy học sinh bằng tất cả tấm lòng.

NGUYÊN HẠ