Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU:

Cơ hội mới cho hàng hoá Việt Nam 

Cập nhật ngày: 30/07/2019 - 19:27

BTNO - Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu gặp gỡ, trao đổi và cung cấp các thông tin hữu ích về thị trường EU, cập nhật chính sách trong hoạt động thương mại.

Ngày 30.7, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Công thương phối hợp với Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) và Đại sứ quán các nước thành viên EU tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU, với chủ đề “EVFTA - chân trời mới hợp tác rộng lớn toàn diện”. Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, các tỉnh, thành phố phía Nam tham dự.

Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong vòng 18 năm, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 13 lần (năm 2000  4,1 tỷ USD, năm 2018 lên 55,84 tỷ USD), trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 13,9 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp, đến hết 6 tháng năm 2019, EU có 27 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.205 dự án.

Với việc Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVFTA và EVIPA) vào tháng 6 vừa qua, dự kiến có hiệu lực đầu năm 2020, thì việc gỡ bỏ các hàng rào thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia EU sẽ tạo thêm cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ giữa Việt Nam với các nước EU.

Hiệp định EVFTA và EVIPA được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên cũng như tạo ra nhiều ưu đãi cho các mặt hàng xuất khẩu của hai bên.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại diễn đàn.

Tuy nhiên, việc vận dụng được các ưu đãi này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác nhiều bên, như chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và tư vấn quý giá của các chuyên gia.

EU là đối tác xuất khẩu hàng lớn thứ 2 của hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng  như dệt may, giày da, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường EU.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã giới thiệu Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam- EU; các khuyến nghị và hỗ trợ thương mại từ EU, cơ hội cho các doanh nghiệp hai bên. Các đại biểu cũng đưa ra góc nhìn từ phía doanh nghiệp về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên EU mà Hiệp định mang lại.

Các chuyên gia đến từ Phái đoàn EU, Đức, Tây Ban Nha, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) và của Bộ Công thương đã chia sẻ cơ hội đưa hàng xuất khẩu vào EU, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước EU; quy tắc xuất xứ, cơ chế thu mua cũng như các xu hướng thị trường sắp tới, cơ hội đột phá từ EVFTA.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đưa ra những cơ hội thách thức đối với ngành hàng rau củ quả của Việt Nam. Theo đó, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa...; 24 dòng thuế chuyển thành phí thâm nhập thị trường, 8 dòng thuế chuyển sang chế độ hạn ngạch và 1 dòng thuế duy trì thuế nhập khẩu. Như vậy, mức cam kết này của EU tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU.

Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại diễn đàn.

Tuy nhiên, EU là thị trường xuất khẩu lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau củ quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra. Hiện sản xuất rau quả tại Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP đã làm tương đối tốt ở khâu gieo trồng, sản xuất. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam phải áp dụng GlobalGAP hoặc EuroGAP.

Hơn nữa, rau quả tươi Việt Nam chủ yếu bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ châu Á, chưa có mặt nhiều trong các siêu thị lớn. Như vậy có thể thấy, việc mở và giữ được thị trường cho từng loại rau quả tại thị trường EU là không hề đơn giản.

Theo số liệu của Hải Quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với EU đạt 27,45 tỷ USD, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó xuất khẩu đạt 20,51 tỷ USD, giảm 0,65% và nhập khẩu đạt 6,94 tỷ USD, tăng 9,07%.

Vì vậy, việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hay vượt qua được các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là các vấn đề đáng quan ngại đối với nhiều doanh nghiệp. GobalGAP  hiện là tiêu chuẩn tối thiểu để các sản phẩm vào được các siêu thị ở EU, vì thế doanh nghiệp Việt phải bảo đảm tiêu chuẩn này, đồng thời từng bước phát triển sản phẩm hữu cơ.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quốc Vượng- Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ mong muốn tổ chức thường xuyên các hoạt động nhằm tăng cường sự kết nối giữa Việt Nam và EU, coi đây là đầu nối quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng mong rằng, sự kiện thường niên Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU sẽ là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam và EU, cũng như lãnh đạo các địa phương gặp gỡ, trao đổi và cung cấp thông tin hữu ích về thị trường EU, cập nhật chính sách trong hoạt động thương mại, cảnh báo phân tích tác động của thị trường tới hoạt động xuất khẩu, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược dài hạn trong việc tiếp cận khu vực này.

Nhi Trần