BAOTAYNINH.VN trên Google News

TĂNG TUỔI NGHỈ HƯU:

Có mâu thuẫn với tinh giản biên chế ? 

Cập nhật ngày: 11/04/2019 - 11:42

BTN - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị trình dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2019. Một trong những thông tin đáng chú ý của lần sửa đổi này là tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động.

Ngày 5.4, phát biểu tại một cuộc hội thảo do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Mai Ðức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LÐ-TB&XH cho biết, có hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1, kể từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, kể từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Công nhân trong giờ làm việc.

Chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động đã được bàn đến từ nhiều năm nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định kéo dài thời gian đóng bảo hiểm thêm 5 năm, trong đó có hai nguyên nhân chính là nguy cơ vỡ quỹ BHXH và tuổi thọ của người Việt Nam tăng. Quỹ BHXH mất cân đối đã từng được cảnh báo từ nhiều năm trước, còn tuổi thọ người Việt Nam tăng khiến cho thời gian hưởng lương hưu kéo dài. Năm 2018, Bộ LÐ-TB&XH đã có đánh giá về tác động của chủ trương tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo tinh thần này, nếu giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay, sẽ dẫn tới thâm hụt quỹ hưu trí và gây mất cân đối quỹ trong tương lai gần. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), từ năm 2034, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ chi hết và Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp. Mặt khác, Việt Nam đang đối mặt nguy cơ già hoá dân số, nên cần bổ sung nguồn lao động.

Ngoài ra, cần loại bỏ các phân biệt về giới, vì với tuổi nghỉ hưu hiện nay, nữ đang chịu thiệt thòi hơn nam (nữ nghỉ hưu sớm hơn nam 5 tuổi), nên ảnh hưởng tới thu nhập, thăng tiến và tham gia các vị trí lãnh đạo. Không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến nhiều người lao động có thâm niên, kỹ năng, chuyên môn không còn đóng góp cho đất nước…

Mặc dù vậy, chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu không phải không có những bất cập nảy sinh từ những vấn đề cụ thể cho đến tầm vĩ mô. Tăng tuổi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa với tăng tỷ lệ thất nghiệp. Ðó còn chưa kể, trừ những người lao động kỹ thuật trình độ cao hoặc những người làm công việc liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm giảm năng suất lao động. Nguyên nhân là do thể trạng người Việt Nam nhìn chung là yếu, trình độ tay nghề thấp.

Nhiều ý kiến cảnh báo, ở khu vực công, nếu không có một cơ chế đánh giá năng lực cán bộ tốt, tăng tuổi nghỉ hưu có thể gia tăng gánh nặng cho khu vực Nhà nước. Lý do, tiền lương và các khoản chi khác như bảo hiểm xã hội, y tế, đào tạo… sẽ tăng, trong khi năng suất lao động giảm, sức khoẻ yếu, sức ỳ lớn vẫn tiếp tục ở lại trong hệ thống. Về phần doanh nghiệp, tăng tuổi nghỉ hưu làm cho một số doanh nghiệp thiếu hụt đội ngũ lao động trẻ, năng động, sáng tạo, sức khoẻ tốt. Ðiều này có thể tạo ra sự mất cân đối về lao động giữa các nhóm tuổi trong cơ quan, doanh nghiệp…

Mặc dù được bàn thảo nhiều nhưng có hai vấn đề ít thấy hoặc chưa thấy được đề cập. Trước hết, ở khu vực công, tăng tuổi nghỉ hưu  liên quan đến một vấn đề thời sự: tinh giản biên chế. Chủ trương tinh giản biên chế đã được cụ thể hoá qua nhiều nghị quyết của Trung ương Ðảng, trong đó có ba nghị quyết cực kỳ quan trọng, gồm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị năm 2015, Nghị quyết 18 và 19 năm 2017.

Rõ ràng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến cho việc tinh giản biên chế trở nên khó khăn hơn, trong khi bộ máy Nhà nước thời gian qua quá cồng kềnh, số người hưởng lương hoặc có tính chất lương từ ngân sách quá cao. Trong một phiên họp mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ đã ví von, khu vực Nhà nước nhiều người làm một việc, trong khi khu vực ngoài Nhà nước một người làm nhiều việc.

Chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, nếu không tính toán cẩn thận còn “đụng chạm” với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (sửa đổi) và có hiệu lực từ ngày 1.1.2018. Một trong những quy định gây nhiều băn khoăn của luật này là, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tăng từ 25 năm lên 30 năm đối với nữ và 30 năm lên 35 năm đối với nam. Quy định này đã gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Hồi năm 2017, đã xuất hiện hiện tượng nhiều người lao động trong khu vực công muốn nghỉ hưu trước tuổi để được hưởng 75% lương hưu so với mức lương khi đang làm việc.

Ở khu vực ngoài Nhà nước, dù Nhà nước có quy định tăng tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội, không phải người lao động nào cũng đủ sức khoẻ để làm việc trong môi trường lao động cường độ cao ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ðó còn chưa kể, chủ doanh nghiệp sẽ tìm cách cho người lao động tương đối lớn tuổi (thường ngoài 40 tuổi) nghỉ sớm nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Như vậy, chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu đối với khu vực ngoài Nhà nước không có nhiều ý nghĩa.

Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến nhân dân trong thời gian tới và sau đó trình Quốc hội xem xét. Việc sửa đổi này nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 28 của Trung ương Ðảng (ban hành tháng 5.2018) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Nghị quyết 28 nêu: “Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí.

Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt… Ðiều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực.

Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”.

VIỆT ÐÔNG