BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có một Trường Sa ngay trong lòng đất liền

Cập nhật ngày: 03/02/2014 - 01:08

Nhìn hình ảnh những con tàu Hải quân rẽ sóng ra khơi mang theo tình yêu của đất liền ra với biển đảo Tổ quốc vào độ cuối năm Tết đến xuân về, hay những khối đá mang hình hài Tổ quốc được đặt trang trọng tại Bảo tàng Nghệ An, lòng người lại thấy Trường Sa như đang ở ngay cạnh mình.

Những khối đá mang dáng hình Đất nước

Vẫn còn nhớ như in buổi sáng nắng nhẹ ngày 27/5/2010, tại Bảo tàng Nghệ An, Quân chủng Hải Quân do Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa dẫn đầu đã trao tặng 21 hòn đá san hô được lấy từ quần đảo Trường Sa cho tỉnh Nghệ An.

Trong không khí trang nghiêm, lòng người xứ Nghệ hôm ấy như thắt chặt lại khi được tận mắt chứng kiến những hòn đá đã ngàn năm mặn chát muối biển, với những người con thân yêu của Tổ quốc để gây dựng nên những hòn đảo quê hương. 21 hòn đá tượng trưng cho 21 hòn đảo và 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa được dựng trang trọng tại Bảo tàng Nghệ An như một chứng tích về chủ quyền về biển đảo không bao giờ thay đổi của nước ta.
Có một Trường Sa ngay trong lòng đất liền

Vào ngày 27/5/2010, lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tiếp nhận 21 hòn đá tượng trưng cho 21 hòn đảo và 33 điểm đóng quân của Hải quân Việt Nam

Việc trao tặng, đặt đá chủ quyền quần đảo Trường Sa tại Nghệ An là sự kiện chính trị xã hội sâu sắc hướng về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự kiện này sẽ góp phần giáo dục về quyền làm chủ biển đảo quốc gia cho các thế hệ mai sau. Và, 21 hòn đá kia đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Nghệ An như một lời nhắn của những người lính Hải quân đang ngày đêm cầm chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương tới đất liền rằng dù phong ba bão táp cũng sẵn sàng vượt qua.

Trường Sa, tiếng gọi từ xa xưa đã gắn liền với chính gốc tích của một thời lịch sử cha ông ta cưỡi sóng, cưỡi gió đem hạt ươm mầm xanh tươi giữa trùng khơi. Ngược dòng lịch sử gần 30 năm trước, nhiều người vẫn không quên được hình ảnh 64 chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1988 tại hòn đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa khi giành giật chủ quyền với kẻ thù. Trong số các Anh, 8 người con xứ Nghệ đã mãi mãi không trở về vì chủ quyền biển đảo quê hương.

Và, hiện nay, tại Trường Sa, hàng trăm con em người Nghệ đang chắc tay súng bảo vệ biển trời Tổ quốc. Nơi đất liền, triệu triệu trái tim vẫn hướng về đảo, nhắn nhủ qua tiếng thì thầm của sóng biển tới các Anh hãy bền gan vững chí nơi đảo xa.

Có một Trường Sa ngay trong lòng đất liền

Những hòn đá san hô từ Trường Sa được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An hôm nay là biểu tượng chủ quyền Quốc gia của Việt Nam

Chẳng những thế, qua chiều dài của lịch sử, quân và dân Nghệ An luôn sẵn sàng góp người, góp của để giữ vững độc lập, tự do cho Tổ quốc. Kỷ niệm 120 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2010), Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã dựng xây, khánh thành nhà thờ Bác ở đảo Trường Sa như hun đúc thêm lòng yêu nước của cả dân tộc.

Đến hôm nay, những hòn đảo như Gạc Ma, Sinh Tồn, Nam Yết, Bình Nguyên... đã trở nên lắng sâu hơn trong trái tim mỗi người dân xứ Nghệ. Gần hơn nữa là những chuyến tàu từ đất liền được tổ chức hàng năm ra Trường Sa, mang theo tấm lòng của người dân Nghệ An với đảo. Đó là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nơi đó có các Anh đang canh giữ nơi đầu sóng, ngọn gió, giữa trùng khơi vẫn chứa đầy tình thương của đất liền.

Bỗng thấy gần hai tiếng... “Trường Sa”

Trường Sa, 2 tiếng gọi đã trở nên thân thương và gẫn gũi với người dân tự ngàn đời nay. “Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên Anh. Vẫn gần bên Anh vì Trường Sa luôn bên em…” bài hát Gần lắm Trường Sa của nhạc sỹ Huỳnh Phước Long mỗi lần nghe vẫn còn ngân vang cảm xúc trong lòng mỗi người. Trường Sa hôm nay vẫn sừng sững giữa điệp trùng biển khơi, được ôm ấp trong lòng dân tộc. Với mỗi người dân sống nơi đất liền, 2 tiếng Trường Sa luôn gợi cho họ nhiều điều thương nhớ. Trong thời gian qua, hàng triệu con tim cả nước đã đồng hành cùng Trường Sa, nơi đó có một phần máu thịt của Tổ quốc.

Tại Nghệ An, để Trường Sa sống mãi với mỗi người, đặc biệt, thế hệ trẻ hôm nay đã tiếp bước, gây dựng thêm cho nơi đảo xa một tình cảm rất đỗi thiêng liêng và tự hào. Nhiều chương trình như “Góp đá xây Trường Sa”, “Biên giới, hải đảo trong trái tim tôi”, “Tuổi trẻ Nghệ An với biển đảo quê hương”, “Hoàng Sa - Trường Sa trong trái tim tôi”... đã thực sự đi đem lại những kết quả thiết thực ban đầu bằng hành động.
 

Những viên đá san hô nằm ở bảo tàng Nghệ An như một chứng tích sống để bảo vệ biển đảo Việt Nam

Những viên đá san hô nằm ở bảo tàng Nghệ An như một chứng tích sống để bảo vệ biển đảo Việt Nam.

Cũng thông qua các hoạt động và các cuộc thi, cơ bản thanh thiếu nhi đều nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng của biên giới và hải đảo, có nhiều việc làm thiết thực để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuổi trẻ Nghệ An thường xuyên được tham gia và tham gia tốt các hành trình vì Biển đảo Quê hương do TW Đoàn tổ chức: Hành trình đến với Trường Sa (năm 2011, 2012); Hành trình vì Biển đảo Quê hương - Lý Sơn Quảng Ngãi (Tháng 5//2013); Phối hợp tốt với Báo Thanh niên tổ chức tặng quà cho thân nhân 8 gia đình liệt sỹ Đảo Gạc Ma tổng trị giá 80 triệu đồng.

Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ Nghệ An với biển đảo quê hương” ngoài các hoạt động tổ chức cấp tỉnh, các cấp bộ Đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về Biển đảo như: Tặng cờ cho thuyền đánh cá (Thị xã Cửa Lò); tổ chức giao lưu nghệ thuật “Tổ quốc nhìn từ biển” (Đại học Vinh); giao lưu tặng quà với cán bộ, chiến sỹ Đảo Mắt (Thành đoàn Vinh, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh); phát động vệ sinh môi trường biển (Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò)… Đến ngày 15/4/2012, toàn tỉnh đã “Góp đá xây Trường Sa” (đợt 1) với tổng số tiền là: 187 triệu đồng, gồm 7 đơn vị: Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Cửa Lò, Thái Hoà, Nghi Lộc, CĐ Việt Đức… Và còn rất nhiều những nghĩa cử cao cả của đất liền hướng về Trường Sa trong thời gian qua.

Trường Sa bây giờ đang được nâng niu, bảo vệ như chính trái tim của mỗi con người. Để rồi hôm nay và mai sau, khi nhắc đến Trường Sa, mỗi người con đất Việt lại thấy như rất gần trong tâm khảm của sự trường tồn cùng dân tộc. Ở nơi đảo xa, khi thời khắc giao thừa gõ cửa đón xuân sang nhưng những người lính vẫn không rời nhiệm vụ để bảo vệ vẹn tròn lãnh thổ của Tổ quốc. Còn ở đất liền, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, không được sống trong cái nắng, cái gió nơi biển cả nhưng mỗi người như vẫn luôn có một Trường Sa đang hiện hữu.

Nguyễn Phê - Ngọc Thái

Báo Dân trí