Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Huyện Trảng Bàng:

Có tiềm năng thuỷ sản nhưng chưa được đầu tư 

Cập nhật ngày: 20/03/2017 - 14:41

BTNO - Để khai thác tiềm năng này, lãnh đạo Phòng NN và PTNT huyện Trảng Bàng kiến nghị cấp trên kêu gọi nhà đầu tư có hướng liên kết bao tiêu sản phẩm thuỷ sản; đồng thời, có những dự án phát triển nuôi trồng thuỷ sản một cách thích hợp trên địa bàn huyện Trảng Bàng.

Một điểm nuôi cá bè ở Trảng Bàng.

Bấp bênh nghề cá

Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (nhà ở ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ- Trảng Bàng) có 4 vèo với 15.000 con cá lóc. Anh Sơn cho biết, giá cá bán ra mỗi năm một giảm, trong khi đó thức ăn cho cá (cá mồi) ngày càng khan hiếm, phải mua thêm thức ăn nên vốn đầu tư ngày càng cao. Năm 2015, anh bán cá được 50.000 đồng/kg, qua năm 2016 còn 45.000 đồng/kg và từ đầu năm 2017 đến nay chỉ còn 32.000 đồng/kg. Bán với giá này xem như anh chẳng thể có lời.

Anh Võ Tấn Lực (45 tuổi, nhà ở ngay bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, thuộc ấp Phước Giang, xã Phước Lưu- Trảng Bàng) cũng cho biết, cách đây 5 năm, gia đình anh đầu tư làm hơn một chục cái vèo và 2 cái bè nuôi cá lóc. Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình anh thả nuôi từ 100.000 đến 150.000 con cá lóc và cá trê. Hiện anh đang nuôi 8 vèo và 2 cái bè, tổng cộng 100.000 con cá lóc. So với năm rồi, giá cá lóc nuôi năm nay giảm từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg. Với giá cá như hiện nay, anh cũng chẳng thể có lời.

Bên cạnh nỗi lo giá bán thấp trong khi chi phí đầu tư cao, theo anh Lực, nỗi lo nhất của người nuôi cá trong vèo, trong bè dưới sông là nguồn nước bị ô nhiễm, nếu không kịp thời xử lý, cá bị chết là trắng tay. Chính vì vậy mà những năm gần đây, số lượng người nuôi cá vèo, cá bè ở các xã Phước Chỉ, Phước Lưu ngày càng giảm.

Hiện nay ở cánh Tây của huyện, người dân chỉ còn nuôi có 68 vèo cá dưới sông Vàm Cỏ Đông, giảm gần phân nửa so với những năm trước đây. Các vèo này chủ yếu nuôi cá lóc.

Nhiều tiềm năng đang chờ khai thác

Có ý kiến cho rằng, có lẽ do vốn nuôi cá lớn, mức độ rủi ro cao, mà đầu ra thì bấp bênh, không có nhà đầu tư bao tiêu sản phẩm, nên tiềm năng về thuỷ sản ở Trảng Bàng rất lớn mà ít được quan tâm khai thác. Trảng Bàng có sông Vàm Cỏ Đông chảy qua một đoạn thuộc các xã An Hoà (ấp An Thới), xã Phước Lưu (ấp Phước Giang) và xã Phước Chỉ (có 4 ấp ven sông).

Ngoài ra còn có những con rạch lớn (phụ lưu sông Vàm Cỏ Đông) như rạch Trảng Bàng, rạch Tràm, rạch Trà Cao, rạch Bình Thuỷ… tạo nên nhiều vùng trũng ven sông rạch thuộc các xã An Hoà, An Tịnh, Gia Bình, Phước Lưu, Phước Chỉ rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản. Còn ở cánh Đông, Trảng Bàng tiếp giáp với dòng sông Sài Gòn, tạo nên vùng trũng ven sông thuộc địa bàn hai xã Đôn Thuận và Hưng Thuận. Đây cũng là nơi có tiềm năng lớn về phát triển chăn nuôi thuỷ sản.

Giữa huyện lại có thêm hệ thống kênh Đông chảy qua các xã Đôn Thuận, Lộc Hưng, Hưng Thuận luôn bảo đảm nguồn nước tốt cho nuôi trồng thuỷ sản ven kênh. Được biết, đến nay, ngoài Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Miền Đông đầu tư nuôi cá tra ở vùng trũng ven sông Sài Gòn, còn lại chưa có nhà đầu tư nào khác nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện.

Theo lãnh đạo Phòng NN và PTNT Trảng Bàng, cách đây khoảng 10 năm, có nhà đầu tư từ tỉnh khác đến sang nhượng ruộng đất vùng trũng ven rạch Trảng Bàng thuộc các xã An Hoà, An Tịnh, với tổng cộng 88 ha, dự kiến nuôi trồng thuỷ sản. Nhưng sau đó, không hiểu vì sao nhà đầu tư này đã bỏ đi.

Qua khảo sát của ngành Nông nghiệp huyện, toàn huyện có đến 206 ha diện tích mặt nước có điều kiện để nuôi trồng thuỷ sản. Để khai thác tiềm năng này, lãnh đạo Phòng NN và PTNT huyện kiến nghị cấp trên kêu gọi nhà đầu tư có hướng liên kết bao tiêu sản phẩm thuỷ sản; đồng thời, có những dự án phát triển nuôi trồng thuỷ sản một cách thích hợp trên địa bàn huyện Trảng Bàng.

N.H


 
Liên kết hữu ích