BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập:

Có tiết kiệm, nhưng vẫn còn lãng phí 

Cập nhật ngày: 19/10/2018 - 06:02

BTN - Mới đây, Thường trực HÐND tỉnh tổ chức đoàn giám sát “Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Ðoàn đã làm việc với UBND tỉnh, Sở Tài chính và một số cơ quan, đơn vị… Qua đó cho thấy, dù đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh, nhưng vẫn còn dấu hiệu lãng phí, cần khắc phục kịp thời.

Ông Nguyễn Thành Tâm- Chủ tịch HÐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

Nhiều giải pháp tiết kiệm hiệu quả

Ðợt giám sát này nhằm đánh giá kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về THTK, CLP trong giai đoạn 2016-2018, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực, gồm: việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước; hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016-2020; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công.

Công tác lập, thẩm định phê duyệt, phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị được thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế quản lý, sử dụng tài sản công. Các chế độ về chi quản lý hành chính đều được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm chi tiêu tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách.

Thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng kinh phí từ NSNN đã tạo động lực thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng kinh phí, nâng cao trách nhiệm quản lý tài chính của các đơn vị, góp phần chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Ðối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, kết quả đã mang lại sự cải thiện rõ nét về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, điều kiện sản xuất, sinh hoạt, đời sống của khu vực nông thôn. Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả, tiếp thu, điều chỉnh những bất cập để tăng hiệu quả đầu tư, sử dụng công trình phù hợp điều kiện thực tế địa phương.

Ðối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ hộ nghèo đã góp phần quan trọng giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, tạo công ăn việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương qua các năm.

Về cơ bản, việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định. Ðịa phương đã quán triệt, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Hạn chế mua sắm xe ô tô, tiến hành rà soát, có kế hoạch thanh lý và điều chuyển, sắp xếp lại xe công theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; tập trung rà soát, sắp xếp lại nhà, đất công thuộc sở hữu Nhà nước để đưa vào khai thác, sử dụng nhằm phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Một số tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công đã được khắc phục bước đầu (khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành Giáo dục, Y tế...).

Nhìn chung, hầu hết các giải pháp THTK, CLP được các cơ quan, đơn vị triển khai kịp thời, đồng bộ. Việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị về cơ bản bảo đảm đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ và tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao; việc áp dụng cơ chế khoán chi thường xuyên đã được triển khai ở hầu hết các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần tiết kiệm kinh phí và nâng cao thu nhập cho trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Các cơ quan, đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành các định mức, tiêu chuẩn chế độ quy định trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc, xe ô tô công…

Những chiếc xe ô tô này trị giá bạc tỷ, nhưng thi hành án chậm để xuống cấp gây lãng phí .

Còn lãng phí

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong THTK, nhưng vẫn còn dấu hiệu lãng phí. Cụ thể như trang bị hệ thống thiết bị công nghệ thông tin như máy vi tính, máy in... cho một số cơ quan, đơn vị; chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; chi hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chi hỗ trợ hoạt động của một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp... Việc khai thác, sử dụng một số thiết chế văn hoá, được đầu tư theo tiêu chí xây dựng nông thôn, còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với kinh phí đầu tư.

Một số cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc kém hiệu quả. Có tình trạng một số hạng mục công trình đầu tư từ ngân sách nhưng không sử dụng hoặc khai thác không hết công năng, công suất dẫn đến lãng phí (Ở trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh: khối phòng thư viện, ký túc xá, phòng thí nghiệm, nhà ăn…  chưa sử dụng hết công năng, riêng sân vận động đã không sử dụng từ năm 2013 đến nay); một số phương tiện, trang thiết bị đầu tư cho các cơ sở giáo dục, y tế được khai thác, sử dụng kém hiệu quả, nhưng công tác xử lý, khắc phục còn chậm; một số hạng mục công trình không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời dẫn đến hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí nguồn lực đầu tư; việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công, trụ sở làm việc của một số cơ quan, đơn vị còn chậm.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Thành Tâm- Chủ tịch HÐND tỉnh cho biết, từ thực tế hiện nay, Thường trực HÐND tỉnh kiến nghị Trung ương sớm bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2015/NÐ-CP, ngày 14.2.2015 của Chính phủ, về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập- nhất là đối với lĩnh vực giáo dục, y tế.

Ðối với UBND tỉnh, chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng xây dựng chương trình, kế hoạch và báo cáo định kỳ về THTK, CLP mang tính hình thức, đối phó, xem xét trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị không chấp hành, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về THTK, CLP.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc THTK, CLP; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, xã; chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, định mức trong sử dụng kinh phí, tài sản công; các định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ công, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế địa phương.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khi tham mưu, quyết định đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cần đặc biệt lưu ý việc khảo sát, đánh giá đúng thực trạng và dự báo nhu cầu khai thác, sử dụng để xác định quy mô, kinh phí đầu tư phù hợp; tập trung rà soát, đánh giá lại công năng, hiệu suất sử dụng đối với các công trình, dự án đã đầu tư để có biện pháp khai thác đầy đủ, tránh lãng phí.

Có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên, khai thác, sử dụng trang thiết bị ở một số ngành, cơ quan, đơn vị, trong đó cần đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả đầu tư trang cấp máy vi tính cho các cơ quan, đơn vị; hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn; hiệu quả khai thác, sử dụng các trang thiết bị thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hiệu quả sử dụng vốn sản xuất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, trên cơ sở đó có phương án sắp xếp và điều chỉnh việc phân bổ kinh phí cho phù hợp. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất phương án xử lý các trụ sở làm việc không còn nhu cầu sử dụng sau khi đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới. Quan tâm công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng các công trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã đầu tư để góp phần tăng thời gian và phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng.

Ðổi mới công tác tuyên truyền về THTK, CLP nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; gắn công tác THTK, CLP với các biện pháp về động viên, khen thưởng và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

Trạm cấp nước sạch ở Khu dân cư Chà Là, xây dựng xong gần 10 năm nay chưa hoạt động.

Ðối với Sở Tài chính, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch về THTK, CLP, bảo đảm có chất lượng, đúng trọng tâm, xác định nội dung và chỉ tiêu cụ thể; tổng hợp báo cáo có chất lượng, bảo đảm đầy đủ nội dung theo quy định. Theo dõi chặt chẽ, nắm chắc tình hình THTK, CLP ở các ngành, lĩnh vực, địa phương để kịp thời phát hiện, đề xuất biện pháp khắc phục, chấn chỉnh tình trạng lãng phí, kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm theo đúng quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Ðổi mới công tác tuyên truyền về THTK, CLP nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; gắn công tác THTK, CLP với các biện pháp về động viên, khen thưởng và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

Ðại Dương