BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viết ngắn

Cối đá của ngoại 

Cập nhật ngày: 05/08/2019 - 10:11

BTN - Với đôi tay chai sạn của người phụ nữ goá bụa, cùng với sức mạnh tình thương con, quyết không để đàn con nhỏ dại thiếu cơm, ngày này qua ngày kia ngoại ngồi quay cối đá xay bột làm bánh mà không một tiếng thở than.

Sinh thời, mẹ tôi hay kể chuyện ông ngoại mất sớm, để lại cho bà ngoại năm người con nhỏ dại với mái nhà tranh và miếng đất vừa đủ cất căn nhà. Bà ngoại tôi có  cái cối đá xay bột quay tay và nghề làm bánh cam gia truyền. Ðể nuôi sống các con nhỏ, bà tôi tảo tần nhiều nghề, trong đó có nghề làm bánh cam.

 

Hằng ngày, ngoại đi chợ mua gạo nếp, gạo tẻ và các nguyên liệu làm bánh cam. Rồi ngoại ngâm gạo nếp, nấu đậu xanh, nạo dừa khô làm nhân bánh. Xay bột là khâu nặng nhất trong nghề làm bánh cam. Với đôi tay chai sạn của người phụ nữ goá bụa, cùng với sức mạnh tình thương con, quyết không để đàn con nhỏ dại thiếu cơm, ngày này qua ngày kia ngoại ngồi quay cối đá xay bột làm bánh mà không một tiếng thở than.

Dẫu có lúc tay mỏi nhừ, ngoại cũng cố hết sức mình. Tiếng gạo ngâm bị nghiền nát kêu rào rạo trong chiếc cối xay. Rồi những dòng bột nước trắng đục từ cối chảy xuống thau. Xay bột, gút bột cho ráo nước xong, ngoại nhồi bột, chiên bánh. Nhờ làm nghề gia truyền, có bí quyết riêng, bánh cam nhân dừa, nhân đậu của ngoại làm đều rất ngon. Chiên xong cũng chính ngoại bưng, đội bánh đi bán.

Bánh cam của ngoại thơm, ngon, ai cũng muốn ăn. Nhưng trong xóm đa số bà con nghèo, không phải ai cũng có tiền mua bánh. Vì vậy, ngoại phải đi bán bánh từ làng mình qua đến làng bên. Ai có tiền trả tiền, ai không có tiền ngoại cho đổi lúa, gạo. Ngoại chỉ mong mau bán hết hàng, để có tiền chạy ăn cho đàn con; để có vốn và thời gian làm bánh cam tiếp. Ngoại không dám nghỉ ngơi ngày nào. Ngoại không nghỉ, chiếc cối xay, cái thau, cái nồi, cái chảo, bàn nạo dừa... cũng đâu được nghỉ ngơi.

Hồi đó, cối đá xay bột cũng thuộc dạng “quý và hiếm”, không phải ai cũng mua được. Thế là cối xay của ngoại, ngoài là phương tiện mưu sinh của ngoại, còn là vật dụng dùng chung cho cả xóm. Bà con trong xóm, nhà nào muốn đổ bánh xèo, bánh bò, bánh đúc, bánh da lợn hay gói bánh ít làm đám giỗ, nấu chè trôi nước cúng rằm... đều bưng thau gạo, nếp ngâm đến nhà ngoại mượn cối xay bột. Ngày bình thường, chỉ vài người đến nhà ngoại mượn cối xay. Vào những ngày rằm hay cận tết, rất nhiều người đến nhà ngoại mượn cối. Cái cối xay của ngoại phải hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Ngoại tôi mất, mẹ và các dì, cậu của tôi không ai nối nghiệp làm bánh cam. Sau này khi có cối xay máy làm dịch vụ, có bột xay sẵn bán ngoài chợ, cái cối đá xay tay của ngoại trở nên thừa. Không biết cậu của tôi đã cho hay bỏ cái cối ở đâu mà không ai tìm thấy nữa. Tôi thấy tiếc nhớ làm sao…  

T.L