BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tản văn

Con đường quê hương

Cập nhật ngày: 10/09/2018 - 07:46

BTN - Tôi vừa chạy qua khỏi ngã tư chợ mới Trảng Bàng, hướng về xã An Hoà một đoạn thì có hai người đàn ông tóc đã điểm sương rà xe theo và hỏi đường về Tha La- An Hoà.

- Ðúng rồi, đây là đường về Tha La, Cầu Hàn, hay các anh muốn qua cầu Quan đi Lộc Giang cũng được- tôi vội trả lời. Người đàn ông cầm lái xe suýt xoa “Lạ quá, lạ quá, tôi cứ ngỡ là đường phố thị!”. Người đàn ông ngồi sau xe nói thêm: “Tôi không thể ngờ con đường ngày nay thay đổi đến như thế. Trước kia, anh em tôi cũng thường xuyên đến Tha La thăm người quen. Bẵng đi thời gian khá lâu nay trở lại, thấy con đường và cảnh vật hai bên đường hoàn toàn đổi thay, không thể nhận ra cảnh cũ, cứ ngỡ mình đi lạc đường!”.

An Hoà là quê hương của tôi. Khi trưởng thành, tuy không sống ở quê nhưng dăm bữa, nửa tháng tôi lại về quê một lần. Vậy mà chính tôi còn không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay nhanh chóng của con đường quê hương, nói chi những người từ nơi khác lâu lâu mới đến một lần. Con đường mà tôi đã qua lại suốt quãng đời học sinh không dài lắm, chỉ hơn năm cây số, nối từ quốc lộ 22, tại ngã ba chợ mới Trảng Bàng xuyên qua xã An Hoà cho đến địa phận xã Lộc Giang (huyện Ðức Hoà, tỉnh Long An). Nhà tôi ở gần cuối xã và cũng gần cuối con đường. Hồi học tiểu học để đến được trường làng, tôi phải lội bộ một đoạn trên con đường này. Rồi lên bậc trung học (cấp hai và cấp ba), để đến được trường huyện, tôi phải đạp xe cọc cạch gần suốt con đường.

Theo những bậc cao niên, con đường này có từ thời xa xưa. Ðến khi người Pháp xâm chiếm nước ta, để thuận tiện cho việc đi lại vơ vét thuộc địa, họ nâng cấp đường bằng đá xanh và bắc chiếc cầu sắt qua dòng rạch Trảng Bàng, sang xã Lộc Giang. Cầu được đặt tên cầu Quan. Lúc ấy, trên con đường này có đoạn người ta gọi là “Ðường Dằn”, có đoạn gọi “Ðường Ðứt”. Trước ngày miền Nam giải phóng, chính quyền Sài Gòn có láng nhựa một đoạn ngắn từ quốc lộ 22 vào hướng xã An Hoà, tiếp đó là một đoạn đổ đá xanh thật to thành ra chạy xe qua đoạn đường này dằn xóc muốn đứt ruột. Còn đoạn “Ðường Ðứt” là đoạn gần cuối con đường, nằm bên kia cầu Quan qua đồng bưng An Hoà tiếp giáp với địa phận xã Lộc Giang. Ðoạn đường này, nay nằm trọn trong Khu công nghiệp Thành Thành Công. Gọi là “đường đứt” vì giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Lộc Giang còn là vùng giải phóng. Ðể ngăn chặn địch tấn công từ quận lỵ Trảng Bàng theo đường An Hoà qua Lộc Giang, lực lượng cách mạng đã đánh sập một đầu cầu Quan và đào đường, đắp mô, gài trái, cắt đứt giao thông đoạn đường này.

Hồi tôi mới bắt đầu đi học, con đường nhỏ hẹp, vẫn còn đá xanh lởm chởm. Phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là xe đạp. Thỉnh thoảng có chiếc xe mô-bi- lết (mobilet), hay xe rô-ben (gobel) chạy qua thả làn khói trắng, có đứa nhanh chân chạy ra đường phập phồng cánh mũi, hít làn khói xe mà khen thơm. Xe chở khách chủ yếu là xe ngựa và xe lôi đạp. Lúc ấy, hai bên đường nhà dân còn thưa vắng, đa phần là những đám ruộng cấy lúa nước vào mùa mưa. Gần cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ trước (khoảng 1967-1969), cùng với xe đạp, trên đường còn có các loại xe gắn máy từ nước ngoài mới nhập về- gọi chung là xe honda chạy dập dìu. Phương tiện giao thông công cộng có xe lôi máy, xe lam thay thế xe ngựa, xe lôi đạp. Cũng vào giai đoạn này, giặc Mỹ tiến hành Chiến tranh cục bộ, ào ạt đưa quân vào nước ta. Ðể đánh càn vào vùng giải phóng xã Lộc Giang, hằng ngày, lính Mỹ cho xe tăng, xe vận tải quân sự từ quận lỵ Trảng Bàng theo con đường An Hoà qua cầu Quan đánh càn vào địa bàn xã Lộc Giang. Lúc này, chúng tôi ngồi trong phòng học, vừa nghe tiếng giảng bài của thầy cô vừa nghe tiếng xe tăng, xe quân sự của giặc Mỹ chạy ầm ầm ngoài đường.

Con đường tôi kể ra đây, trước ngày giải phóng gọi là tỉnh lộ 6A. Sau này được đổi thành tỉnh lộ 787A. Suốt thời gian của thời bao cấp, con đường chẳng có gì thay đổi. Từ khi đổi mới, nhất là từ khi trên địa bàn xã An Hoà có khu công nghiệp được hình thành và đi vào hoạt động, đường 787A thay đổi hoàn toàn. Lưu lượng phương tiện giao thông tăng vọt. Ðể bảo đảm lưu thông thuận tiện và an toàn, tỉnh lộ 787A được ngành chức năng đầu tư mở rộng và nâng cấp bê tông nhựa phẳng lì. Sau khi đường được nâng cấp mở rộng, nhiều người dân hai bên đường tập trung buôn bán và làm dịch vụ, xây dựng nhà cửa khang trang. Nhiều người từ nơi khác cũng tìm đến xã An Hoà mua đất cất nhà làm thương mại, dịch vụ. Theo lãnh đạo xã An Hoà, trước khi có khu công nghiệp, trên địa bàn xã chỉ có khoảng 100 hộ làm nghề thương mại, dịch vụ, chủ yếu ở cặp quốc lộ 22 và tỉnh lộ 787A. Hiện nay, trên địa bàn có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, với đa dạng ngành nghề, tập trung nhiều nhất là hai bên tỉnh lộ 787A. Ngôi trường làng nhỏ hẹp- mà tôi đã học ngày xưa giờ không còn nữa, thay vào đó là ngôi trường THCS xây lầu khang trang và đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

T.L