Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển nguồn nhân lực Giáo dục:

Còn không ít khó khăn 

Cập nhật ngày: 28/03/2018 - 06:03

BTN - Đánh giá về thực hiện quy hoạch, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, ngoài mặt thuận lợi cơ bản, những khó khăn, hạn chế cũng còn nhiều. Đó là các mục tiêu giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường còn thấp (trừ mẫu giáo 5 tuổi đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non). Chủ trương phân luồng sau THCS cũng không đạt được.


 Sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh ở Trường THCS Lý Tự Trọng (Hoà Thành).

Ngày 21.3, Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện đợt giám sát chuyên đề về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 đối với một số sở, ban, ngành có liên quan. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở GD-ĐT là một trong các cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm chính về công tác đào tạo, phát triển giáo dục của địa phương.

Bà Mai Thị Lệ- Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 525 trường học các cấp, giảm 10 trường so với năm 2011. Chương trình kiên cố hoá trường lớp đã hoàn thành, toàn tỉnh không còn phòng học tạm bợ. Toàn ngành có 15.575 giáo viên, cán bộ quản lý, hầu hết đều đạt và vượt chuẩn về văn bằng. Hiện tại, trong ngành đang tồn tại tình trạng thừa, thiếu giáo viên, trong đó, bậc học mầm non thiếu hơn 600 người.

NHIỀU CHỈ TIÊU CHƯA ĐẠT

Về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, lãnh đạo Sở GD-ĐT thông tin, mạng lưới trường mầm non được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bậc học này. Đội ngũ giáo viên, nhân viên làm công tác nuôi dạy trẻ ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Theo kế hoạch, đến năm 2015, Tây Ninh sẽ huy động 20% trẻ em dưới 3 tuổi đến nhà trẻ và đến năm 2020, con số này sẽ nâng lên 30%, tuy nhiên hiện tại chỉ mới đạt hơn... 11%. Tỷ lệ trẻ từ 3-5 tuổi đến trường cũng còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Nhiều trẻ em ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện đến trường. 

Về giáo dục tiểu học, ngành Giáo dục huy động được hơn 99% trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, vượt chỉ tiêu đề ra. Tây Ninh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục ở cấp học này. 

Ở cấp trung học cơ sở, ngoài việc duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh hoàn thành tiểu học vào THCS đạt hơn 99%, vượt chỉ tiêu kế hoạch. 

Còn ở cấp trung học phổ thông, theo kế hoạch thì đến năm 2015, Tây Ninh có 99% học sinh THCS học lên lớp 10 và đi học nghề. Nhưng đến thời điểm này, mục tiêu trên chưa đạt được (chỉ mới đạt hơn 88%). Ở loại hình giáo dục thường xuyên, hệ thống này đáp ứng được nhu cầu học tập của xã hội, giúp người lao động tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp.
Về kết quả triển khai các dự án theo quy hoạch, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha được khởi công xây dựng tháng 9.2017, dự kiến công trình này sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 9.2018, tổng mức đầu tư dành cho trường chuyên hơn 138 tỷ đồng. Cơ sở giáo dục ngoài công lập được nhìn nhận là phát triển chậm.

Toàn tỉnh chỉ có một trường THPT ngoài công lập và 70 cơ sở mầm non tư thục. Số trường học, giáo viên và học sinh ngoài công lập chiếm tỷ lệ rất thấp. Từ năm 2011 đến 2016, tỉnh thu hút được ba dự án đầu tư vào giáo dục với số vốn đăng ký hơn 143 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh được nâng cấp thành trường đại học, tuy nhiên, do chủ trương của Chính phủ là rà soát lại mạng lưới trường đại học nên kế hoạch này không được thực hiện.

Đánh giá về thực hiện quy hoạch, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, ngoài mặt thuận lợi cơ bản, những khó khăn, hạn chế cũng còn nhiều. Đó là các mục tiêu giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường còn thấp (trừ mẫu giáo 5 tuổi đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non).

Chủ trương phân luồng sau THCS cũng không đạt được. Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia không đạt mục tiêu (số trường được công nhận đạt chuẩn thấp hơn so với kế hoạch). Nguyên nhân được xác định là do ngân sách tỉnh chưa đáp ứng đủ nguồn vốn để đầu tư xây dựng dứt điểm trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015. Theo kế hoạch, trong thời gian từ năm 2016 đến 2020, Tây Ninh sẽ có thêm 60 trường đạt chuẩn, nhưng đến nay mới đạt được 23 trường. 

Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào ngành Giáo dục chưa thật sự hấp dẫn. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít có doanh nghiệp đầu tư vào ngành hoặc tự đào tạo nhân lực cho địa phương. Về lực lượng giáo viên, một số bộ môn như Tin học, tiếng Anh thiếu nguồn tuyển dụng do người dự tuyển thiếu điều kiện theo quy định. Biên chế sự nghiệp được giao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, đặc biệt là với bậc học mầm non.

60% HỌC SINH PHỔ THÔNG ĐI ĐÂU ?

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT, thành viên đoàn giám sát đã nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng của ngành Giáo dục.

Bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị ngành Giáo dục làm rõ tình hình phân luồng sau THCS xem có bất cập gì không. Bà cũng lưu ý tình hình số lượng học sinh vào lớp 1 và học sinh lớp 12 có sự giảm sút rất mạnh về số lượng, đồng thời đặt câu hỏi: số lượng học sinh phổ thông vào học nghề không nhiều, vậy số học sinh còn lại đi đâu? Liên quan việc đầu tư thiết bị cho công tác dạy nghề ở trung tâm giáo dục thường xuyên, bà Điệp nhận định, giáo viên ở trung tâm là giáo viên dạy văn hoá, không phải giáo viên dạy nghề, do đó, việc dạy nghề ở đây là thiếu hiệu quả. 

Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh yêu cầu làm rõ hơn việc thiếu giáo viên mầm non, cũng như việc dạy trước chương trình cho trẻ mầm non. Về giáo dục phổ thông, ông mong muốn Sở GD-ĐT có câu trả lời rõ: có hay không chuyện lạm thu trong nhà trường, và giải pháp nào để khắc phục? Về chuyện phân luồng học sinh, ông nêu: trường phổ thông tuyển hết số học sinh sau THCS thì còn đâu nguồn tuyển cho trường nghề? 

Ông Lê Anh Tuấn- Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT xem lại công tác phân luồng, ông cho rằng không thể làm việc này theo mùa vụ! Cũng theo ông Tuấn, nội dung nhiều môn học trong sách giáo khoa không phù hợp với nhu cầu thực tế cuộc sống, sự kết nối giữa các cấp, bậc học cũng thiếu đồng bộ.

 
Giám đốc Sở GD-ĐT Mai Thị Lệ giải trình trong buổi giám sát.

Ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cũng đề nghị lãnh đạo Sở quan tâm, xem xét đội ngũ cán bộ quản lý trong nhà trường: “Môi trường công tác có thân thiện không? Vì sao có giáo viên chưa đến tuổi, sức khoẻ còn tốt nhưng lại xin nghỉ hưu trước tuổi, có phải vì áp lực công việc?”. Theo ông Thái, ngành Giáo dục cần hệ thống lại những điều bất cập trong chính sách, các quy định đã ban hành để làm cơ sở kiến nghị Trung ương điều chỉnh, sửa đổi.

Giải trình một số vấn đề thành viên đoàn giám sát nêu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã có sự điều chỉnh, chỉ xây đủ phòng học và hạn chế số phòng chức năng nhằm tránh lãng phí.

Xung quanh vấn đề phân luồng học sinh, bà Lệ cho rằng, việc đạt chỉ tiêu 30% học sinh sau THCS vào học nghề là rất khó. Về chuyện học sinh giảm mạnh từ lớp 1 đến lớp 12 (giảm 60%), cách tính toán như vậy là khập khiễng và bất cập, vì khi lên đến lớp 6, lớp 10, nhiều học sinh đã xuống TP. Hồ Chí Minh học hoặc đi học nghề, do đó số lượng học sinh lớp 12 sụt giảm mạnh so với số lượng học sinh lớp 1 là bình thường.

Còn về vấn đề lãng phí khi mua sắm đầu tư thiết bị dạy nghề ở trung tâm giáo dục thường xuyên, lãnh đạo Sở cho biết, đã có kế hoạch điều chuyển số thiết bị này về trường dạy nghề chuyên nghiệp.

“Tới đây, nếu trung tâm giáo dục thường xuyên nào có quá ít học sinh, Sở sẽ phối hợp với UBND huyện, thành phố điều chuyển số giáo viên dư thừa ở đó về trường phổ thông để giải quyết vấn đề biên chế”- bà Lệ nói. Về tình trạng lạm thu trong nhà trường, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục xử lý nghiêm khắc các trường hợp sai phạm này. 

VIỆT ĐÔNG