Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản:

Còn nhiều khó khăn, hạn chế 

Cập nhật ngày: 29/12/2017 - 05:51

BTN - Hiện nay, tình hình sử dụng xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản trên sông, hồ, kênh rạch, đồng ruộng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản, làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng.

Ngày 30.7.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về việc cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thuỷ sản.

Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14.7.2015 về việc tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

Để tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt thả cá giống ở hồ Dầu Tiếng với tổng số cá giống được thả khoảng 2,7 triệu con, góp phần không nhỏ khôi phục nguồn lợi thuỷ sản và tạo sinh kế cho người dân sinh sống trên địa bàn.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình sử dụng xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản trên sông, hồ, kênh rạch, đồng ruộng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản, làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Trong khi đó, công tác quản lý, xử lý các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản của ngành chức năng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong thời gian qua, việc  người dân sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, phạm vi địa bàn quản lý rộng, lực lượng và kinh phí thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, nên việc kiểm soát chưa được hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn không có kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng là khó khăn không nhỏ.

Ông Võ Văn Vinh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, khi tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra, Chi cục không có phương tiện nên phải thuê ghe dịch vụ ở địa phương. Như vậy, tính bảo mật có thể không được bảo đảm, đồng thời phát sinh một số vấn đề nhạy cảm.

Trong Luật Thuỷ sản có quy định cấm vứt bỏ các ngư cụ cấm xuống ngư trường. Do đó, ngành chức năng gặp khó khăn khi không thuê được phương tiện chở tang vật về, mà tiêu huỷ cũng không xong. Đối với khu vực hồ Dầu Tiếng, lực lượng chức năng thuê ca-nô của lực lượng bảo vệ hồ nước để chở tang vật, còn ở khu vực đường sông thì không ai dám chở thuê.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu huỷ các ngư cụ cấm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị, trong thời gian tới, cần tăng cường kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Chi cục cũng đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về khai thác thuỷ sản.

Ông Vinh cũng đề xuất: “Nên có một nghiên cứu đánh giá nguyên nhân gây cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, chẳng hạn như có phải cạn kiệt là do đánh bắt bằng ngư cụ cấm là chính hay không, hay do ô nhiễm môi trường là chính? Từ đó, tỉnh có những giải pháp hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản”.

GIANG HÀ